Ký giả: ĐCSTQ âm thầm giành quyền kiểm soát các tổ chức toàn cầu, mở dịch vụ cảnh sát ở hải ngoại
Một ký giả điều tra cho biết, trong hàng chục năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng thâm nhập và chiếm lĩnh các tổ chức toàn cầu qua những phương thức hoạt động bí mật, nhưng cho đến gần đây đảng này đã thực sự trở nên táo bạo hơn trong việc thể chế hóa các hoạt động của mình, đồng thời còn công khai thành lập một số quầy dịch vụ cảnh sát ở hải ngoại.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Crossroads” (Giao lộ Thông tin) của EpochTV, tác giả và ký giả quốc tế từng đoạt giải thưởng Alex Newman cho biết: “Những chuyện này không thể xảy ra nếu không có sự hợp tác từ các chính phủ phương Tây.”
Ông Newman cho biết ông đã học được từ các quan chức chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Trump rằng “các quan chức trong thời chính quyền Tổng thống Obama, có nhiều trường hợp, là những người ủng hộ Trung Quốc Cộng sản, những người cổ vũ cho vai trò ngày càng bành trướng của ĐCSTQ trong các vấn đề quốc tế.”
Họ còn nài nỉ cho phép ĐCSTQ thâm nhập vào các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức khác, ông Newman nói.
Tiền đồn của cảnh sát Trung Quốc tại hải ngoại
Theo báo cáo từ tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, nhà cầm quyền Trung Quốc đã mở ít nhất 54 quầy dịch vụ báo cảnh sát ở hải ngoại, nằm rải rác ở các thành phố khắp năm châu, đơn cử như Toronto, New York, Dublin.
Hồi tháng Hai, một tiền đồn đã được mở tại thành phố New York và là một trong “lô đầu tiên” gồm 30 quầy dịch vụ báo cảnh sát ở hải ngoại tại 21 quốc gia được thành lập bởi Cục Công an Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Trong báo cáo gần đây, tổ chức Safeguard Defenders cho biết tổng số lượng quầy cảnh sát thuộc loại này hiện vẫn còn là ẩn đố.
Báo cáo nêu rõ rằng, các bốt cảnh sát Trung Quốc ở hải ngoại cung cấp một số dịch vụ “mang tính lãnh sự,” nhưng mục tiêu chính của họ là thuyết phục những người nhập cư Trung Quốc được cho là có liên quan đến lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo trên mạng, quay trở lại Trung Quốc nơi họ có thể phải đối mặt với truy tố.
Báo cáo cho biết, phương pháp chính mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để thuyết phục các nghi phạm về nước là tác động đến thân nhân của họ nơi quê nhà thông qua các biện pháp đe dọa, sách nhiễu, giam giữ hoặc bỏ tù để thuyết phục người thân ở hải ngoại của mình “tự nguyện” trở về.
Tổ chức Safeguard Defenders nêu trong báo cáo, Hầu hết những người bị cảnh sát Trung Quốc nhắm mục tiêu là những người bất đồng chính kiến hoặc các cá nhân đào thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo hoặc sắc tộc.
ĐCSTQ đã tác động đến Interpol như thế nào
Ông Newman giải thích rằng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) là “một loại cơ chế trung gian,” nơi một chính phủ có thể yêu cầu các thành viên khác giam giữ và cho hồi hương những nghi phạm đào tẩu bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng và đã đào thoát khỏi đất nước.
Cơ quan này không phải là một tổ chức phòng chống tội phạm quốc tế có thẩm quyền điều tra và truy bắt những kẻ khủng bố toàn cầu, như được khắc họa trong các bộ phim của Hollywood.
Theo tôn chỉ của mình, Interpol là một tổ chức liên chính phủ gồm 195 quốc gia thành viên. Chức năng của Interpol là giúp đỡ lực lượng cảnh sát các nước phối hợp cùng nhau thông qua việc chia sẻ và truy cập dữ liệu về tội danh và tội phạm.
“Vấn đề là, đây luôn là một cơ chế rất thích hợp để những kẻ sát nhân hàng loạt, những kẻ độc tài toàn trị lợi dụng,” ông Newman nói. “Và chúng ta đã thấy rất rõ điều này trong Đệ nhị Thế chiến. Cơ chế này đã rơi vào tay Đức Quốc Xã, và về căn bản, họ đã sử dụng nó như một cánh tay nối dài của chế độ Đức Quốc Xã.”
Ông Newman nói, ĐCSTQ đang dần tiếp quản Interpol, và thể hiện điều đó một cách chính thức vào năm 2016 khi ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) — Đảng viên ĐCSTQ và Thứ trưởng Bộ Công an — được đại hội đồng Interpol bầu làm chủ tịch.
Ông nói: “Đảng viên ĐCSTQ sử dụng Interpol như một cơ chế để theo dõi và sách nhiễu những người bất đồng chính kiến.”
Vào năm thứ hai khi đang tại nhiệm, ông Mạnh bị ĐCSTQ bắt giữ trong một lần trở về Trung Quốc, ông Newman cho biết.
Cơ quan chống tham nhũng của ĐCSTQ cáo buộc ông Mạnh tham nhũng và tuyên bố rằng ông này cũng đã “từ chối thi hành các quyết định của trung ương Đảng.”
Có một thực tế rõ ràng rằng ĐCSTQ kỳ vọng các thành viên phục vụ tại LHQ và các tổ chức quốc tế “trước hết và quan trọng nhất, phải tuân theo sự lãnh đạo của Đảng tại Bắc Kinh,” ông Newman nói. “Nhưng thật không thể tin được khi họ bắt giữ người được gọi là ‘công chức’ quốc tế và công khai lý do bắt giữ là bởi ông ta không tuân theo mệnh lệnh của đảng.”
Người sáng lập tổ chức Safeguard Defenders, ông Peter Dahlin, viết cho The Epoch Times rằng hồi tháng 11/2021, ĐCSTQ đã thành công trong việc đề cử ông Hồ Bân Sâm (Hu Binchen) vào Ủy ban Điều hành đầy quyền lực gồm 13 thành viên của Interpol, và cuối cùng ông ta đã đắc cử.
Mặc dù ông Hồ không được đánh giá cao như ông Mạnh, nhưng ông “đại diện cho những mưu đồ tiếp diễn của Bắc Kinh nhằm xây dựng ảnh hưởng từ bên trong tổ chức,” một báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders cho biết.
Báo cáo cho biết, “Dữ kiện rằng ông Hồ làm việc trong Bộ phận Hợp tác Quốc tế [thuộc Bộ Công an], chịu trách nhiệm phát triển hoạt động trị an ở hải ngoại của CHND Trung Hoa để đưa những kẻ ‘đào tẩu’ về Trung Quốc, thông qua cả phương thức hợp pháp lẫn bất hợp pháp, là nguyên nhân chính gây lo ngại.”
Ông Newman cho biết những hành động này nói lên nhiều điều về cách các thành viên ĐCSTQ hoạt động trong các tổ chức quốc tế.
Ông Newman tiết lộ, “Và không chỉ có vậy, họ vẫn đang điều hành một loạt các tổ chức quốc tế khác.”
Săn lùng những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại
Ông Newman viết cho tạp chí The Diplomat hồi năm 2011 rằng, theo dõi và sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các hành động gián điệp của Trung Quốc.
Ông Newman viết, “Tầm ngắm ở hải ngoại là các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, người Tây Tạng, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, các học viên Pháp Luân Công, những người ủng hộ Đài Loan độc lập, và vô số những người khác — về căn bản là bất kỳ ai không đồng ý với chế độ hoặc vẽ ra hình ảnh tiêu cực về chế độ ở hải ngoại.”
Vào thời điểm đó, ông Newman đã phỏng vấn trưởng công tố viên an ninh quốc gia của Thụy Điển Tomas Lindstram, người đã truy tố một điệp viên ĐCSTQ vì tham gia vào hoạt động gián điệp bất hợp pháp ở mức độ nghiêm trọng chống lại những người Trung Quốc bất đồng chính kiến tại Thụy Điển.
“Đây là những công dân Trung Quốc đào thoát khỏi chế độ áp bức, những người phải tị nạn ở Thụy Điển, và các điệp viên Trung Quốc săn lùng khắp nơi để sách nhiễu, thu thập thông tin tình báo về họ,” ông Newman nói với The Epoch Times. “Điều tương tự đã xảy ra ở Canada. Điều tương tự đã và đang xảy ra trên khắp thế giới.”
Ông Newman chỉ ra rằng việc theo dõi và sách nhiễu những người Trung Quốc bất đồng chính kiến cũng đang xảy ra trên đất Mỹ, nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ đã nhận thức được điều này.
Một tuyên bố cho biết, hồi tháng Ba, Bộ Tư pháp (DOJ) đã buộc tội năm cá nhân vì sách nhiễu và theo dõi người dân Mỹ thay mặt cho mật vụ Trung Quốc.
Một trong những người bị truy tố là một công dân Hoa Kỳ cư trú tại New York, người đã giúp thành lập một tổ chức ủng hộ dân chủ phản đối chế độ cộng sản hiện tại ở Trung Quốc. Ông này bị cáo buộc sử dụng chức vụ để theo dõi các nhà hoạt động và các nhà lãnh đạo nhân quyền nổi tiếng trong hơn một thập niên, một tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết.
Một cá nhân khác bị buộc tội là một công dân Trung Quốc, bị cáo buộc thuê một thám tử tư để phá hoại chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên quốc hội ở New York, ứng viên này là một cựu chiến binh quân đội, từng lãnh đạo cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh năm 1989, tuyên bố cho biết.
Ông Newman nói, Quốc hội đã biết về hoạt động ngầm của ĐCSTQ từ rất lâu rồi, đồng thời trích dẫn một nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2004 trong đó giải thích cách các nhà ngoại giao Trung Quốc chủ động sách nhiễu và bức hại những người Trung Quốc bất đồng chính kiến tại Hoa Kỳ.
Nghị quyết quốc hội nêu rõ: “Chính quyền Trung Quốc cũng đang làm mọi cách để bịt miệng phong trào Pháp Luân Công và các tổ chức ủng hộ dân chủ của người Hoa tại Hoa Kỳ.”
Theo ông Newman, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đột nhập vào tư gia của các nhà hoạt động, gây áp lực lên các quan chức Hoa kỳ bằng những lời đe dọa, và lan truyền những lời dối trá.
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li và Nicole Hao
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times