Kinh tế Nhật Bản bất ngờ thu hẹp do lạm phát tăng cao và suy thoái trên toàn cầu
TOKYO — Nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ suy giảm lần đầu tiên trong một năm vào quý 3, làm tăng thêm sự bất ổn về triển vọng [của quốc gia này] trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, một đồng yên yếu cùng chi phí nhập cảng cao hơn gây thiệt hại cho chi tiêu gia đình và các doanh nghiệp.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã phải chật vật để phát triển bất chấp việc dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế COVID-19 gần đây, và phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, tăng lãi suất nhanh chóng trên toàn thế giới, và chiến tranh Ukraine.
Dữ liệu chính thức cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội giảm theo tỷ lệ 1.2% tính theo năm trong khoảng từ tháng Bảy đến tháng Chín, so với ước tính trung bình của các nhà kinh tế là mở rộng 1.1% và sau một mức tăng 4.6% đã qua điều chỉnh trong quý 2.
Kết quả này chuyển thành mức giảm hàng quý 0.3%, so với dự báo tăng trưởng 0.3%.
Ngoài việc bị đè nặng bởi suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng cao, Nhật Bản còn phải đối phó với thách thức khi đồng yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm so với đồng USD, điều này đã làm gia tăng căng thẳng về chi phí sinh hoạt khi mọi thứ từ nhiên liệu cho các mặt hàng thực phẩm bị đẩy giá lên cao hơn nữa.
Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin cho biết: “Sự thu hẹp này là một điều bất ngờ.”
Ông Minami cho biết, việc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 đã mang lại một số cứu trợ, nhưng “triển vọng bị che mờ bởi sự không chắc chắn” khi có các ca nhiễm virus mới.
Ông nói: “Mặc dù sự gia tăng của khách du lịch đến [Nhật Bản] là một điểm sáng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 và sau đó, nhưng chúng tôi nhận thấy những rủi ro suy giảm do giá hàng hóa tăng cao và nỗi lo về một đợt bùng phát dịch bệnh khác.”
Rủi ro toàn cầu
Những rủi ro đối với triển vọng của Nhật Bản đã tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái.
Bộ trưởng Kinh tế Shigeyuki Goto cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến các gia đình và doanh nghiệp.
Trong nước, các nhà hoạch định chính sách và người dân đang chuẩn bị cho làn sóng thứ tám tiềm năng của đại dịch COVID-19, làm tăng thêm sự ảm đạm cho tiêu dùng tư nhân vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.
Trong quý 3, tiêu dùng tư nhân tăng 0.3%, cao hơn ước tính đồng thuận về mức tăng trưởng 0.2% nhưng chậm lại đáng kể so với mức tăng 1.2% của quý 2.
Dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng sẽ vẫn bị áp lực trong những tháng tới, với mức thu nhập thực tế cho người lao động giảm 1.6% trong quý 3, ghi nhận sự sụt giảm trong hai quý liên tiếp và kéo dài từ mức giảm 1.2% của quý trước.
Ông Darren Tay, nhà kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, cho biết: “Tăng trưởng sẽ chuyển biến tích cực trong quý 4, trong bối cảnh lượng du lịch phục hồi và thâm hụt thương mại nhỏ hơn, nhưng làn sóng virus thứ tám và lạm phát gia tăng sẽ hạn chế sự phục hồi này.”
Ông Tay lưu ý rằng đầu tư phi nhà ở tăng 1.5% theo quý, dưới mức đồng thuận là tăng 2.1% và ước tính riêng của Capital Economics về tốc độ tăng trưởng mạnh 3.0%.
Xuất cảng tăng 1.9% nhưng bị lấn át bởi nhập cảng tăng mạnh, nghĩa là nhu cầu đối với hàng hóa từ bên ngoài đã trừ đi 0.7% từ GDP.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang đẩy mạnh hỗ trợ các gia đình nhằm giảm bớt tác động của lạm phát do chi phí đẩy, với 29 ngàn tỷ yên (206.45 tỷ USD) chi tiêu bổ sung trong ngân sách. Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đã duy trì chương trình kích thích tiền tệ cực nới lỏng để giúp vực dậy nền kinh tế.
Ông Tay đến từ Capital Economics nhận thấy một năm 2023 khó khăn đối với Nhật Bản.
Do Tetsushi Kajimoto và Kantaro Komiya của Reuters thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times