Khủng hoảng Evergrande: Một cơ hội khác để Bắc Kinh tăng cường kiểm soát địa ốc
Hạ cấp tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực địa ốc đang khốn đốn của Trung Quốc
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ kiềm chế lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc và giữ cho nhà ở có giá cả phải chăng. Ông ta nói, “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ.”
Mặc dù nhà ở giá cả phải chăng nghe rất hay, nhưng đây là một bước rời xa khỏi thị trường tự do và là một ví dụ khác về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thắt chặt kiểm soát đối với xã hội dân sự.
Các chuyên gia đang sử dụng các thuật ngữ như “hạ cánh có kiểm soát” hoặc “kích nổ có giới hạn” để thể hiện niềm tin rằng ĐCSTQ sẽ ngăn chặn sự sụp đổ của Evergrande làm đổ vỡ toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, và lan sang phần còn lại của thế giới. Chẳng những không làm an lòng, các thuật ngữ này còn đặt ra các vấn đề về kiểm soát thị trường và việc trông cậy vào ĐCSTQ để giải cứu thế giới.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ cấp các nhà phát triển địa ốc Evergrande và Kaisa, cắt xếp hạng của họ xuống mức “vỡ nợ có giới hạn” sau khi cả hai đều trễ hẹn các khoản trả nợ. Kaisa đang gánh khoản nợ 12 tỷ USD và đã trễ hẹn khoản thanh toán 400 triệu USD trái phiếu quốc tế. Công ty này có ý định cơ cấu lại các khoản thanh toán, nhưng có rất ít thông tin chi tiết. Kaisa dự kiến sẽ ký một thỏa thuận riêng (NDA) với công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản hàng đầu, Lazard, đại diện cho một nhóm cổ đông.
Evergrande có khoản nợ 300 tỷ USD, bao gồm cả trái phiếu quốc tế trị giá 19 tỷ USD, trái phiếu này cũng bị đe dọa vỡ nợ tương tự. Công ty này đã trễ hẹn 82.5 triệu USD tiền thanh toán trái phiếu.
Một vụ vỡ nợ của Evergrande có thể gây ra sự suy thoái nghiêm trọng của lĩnh vực địa ốc, vốn chiếm tới 30% nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc đã và đang nỗ lực quản lý cuộc khủng hoảng Evergrande theo cách như một “vụ nổ hạn chế,” nhằm giảm thiểu thiệt hại do hậu quả của nó gây ra đối với phần còn lại của lĩnh vực tài chính.
Kể từ khi câu chuyện khủng hoảng Evergrande bắt đầu, một số công ty địa ốc nhỏ hơn đã phá sản. Bất chấp niềm tin được nêu rộng rãi rằng ĐCSTQ sẽ can thiệp, cho đến nay, không có công ty địa ốc nhà nước nào can thiệp để tăng tính thanh khoản cho Evergrande.
Trái phiếu lợi suất cao trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc đã trải qua năm tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Tính trung bình, các trái phiếu này đã mất hơn một phần ba giá trị. Trong khi đó, các công ty lớn nhất, gặp khó khăn nhất như Evergrande, Kaisa, và Fantasia đã sụt giảm 80%. Theo JPMorgan, tính đến tháng Mười, đã có 11 vụ vỡ nợ trong năm nay.
Doanh số bán đất giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái, và doanh số bán nhà ở đã giảm 25%. Để ngăn chặn hậu quả, JP Morgan cho rằng các cơ quan quản lý sẽ cần phải ổn định nhu cầu thực [về nhà ở] và thị trường tài chính. JP Morgan cũng cảnh báo rằng trừ khi các cơ quan quản lý có hành động, trái phiếu — ngay cả của các công ty có chất lượng cao hơn—có thể bắt đầu được giao dịch ở mức giá thấp hơn. Bối cảnh này có thể gây khó khăn cho tất cả các công ty, bất kể có xếp hạng tín nhiệm ra sao, trong việc tìm nguồn tài chính. Việc thiếu nguồn tài chính có sẵn có thể gây ra lực cản cho toàn bộ nền kinh tế.
Ông Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của China Beige Book International [một công ty chuyên nghiên cứu], dự đoán rằng lĩnh vực địa ốc thực sự sẽ căng thẳng trong tương lai gần hoặc trong trung hạn, nhưng sự sụp đổ là rất khó xảy ra. Ông Qazi cũng nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện các bước để bảo vệ phần còn lại của lĩnh vực địa ốc khỏi sự sụp đổ của Evergrande. Trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE Châu Á – Thái Bình Dương, ông Henry Chin, cũng bày tỏ kỳ vọng tương tự rằng ĐCSTQ sẽ bảo đảm một “sự hạ cánh có kiểm soát.”
Một trong số các bước mà Bắc Kinh đang thực hiện để ngăn chặn sự sụp đổ của lĩnh vực này là hỗ trợ phát hành trái phiếu của các nhà phát triển địa ốc, nhằm tài trợ cho các hoạt động sáp nhập và mua lại các công ty gặp khó khăn. Ngoài ra, các công ty ít mắc nợ đang được khuyến khích thanh toán các khoản nợ ngoại quốc đến hạn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Và cuối cùng, ĐCSTQ đang cố gắng để tăng nhu cầu về nhà ở. Cho vay thế chấp trong tháng Mười đã tăng hơn 34%, so với tháng Chín, đạt 31 tỷ USD.
Nói tóm lại, giải pháp của ĐCSTQ đối với vấn đề nợ của Trung Quốc là tạo ra nhiều nợ hơn. Để tránh vỡ nợ đối với các trái phiếu có vấn đề, Bắc Kinh khuyến nghị phát hành trái phiếu mới và sử dụng số tiền thu được từ trái phiếu mới để thanh toán các trái phiếu cũ.
Phó Thủ tướng Liu He cho biết cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở và phát triển lĩnh vực địa ốc lành mạnh là các cơ quan quản lý phải “tập trung vào việc ổn định giá đất, giá nhà, và ổn định kỳ vọng”. Nói cách khác, thủ tướng đang ủng hộ việc chính phủ tăng cường kiểm soát thị trường, bảo vệ lĩnh vực địa ốc khỏi các quy luật cơ bản của cung và cầu. Hơn nữa, “kỳ vọng ổn định” gợi ý rằng ngoài việc kiểm soát thị trường, ĐCSTQ còn nhằm mục đích kiểm soát cách mọi người nghĩ về thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường, các nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro liên quan đến công ty hoặc ngành cụ thể mà họ đầu tư. Họ cũng phải đối mặt với rủi ro hệ thống vốn có trong nền kinh tế lớn hơn. Trong trường hợp của Evergrande và Trung Quốc, hầu như không thể lường trước được rủi ro vì không có cách nào lường trước được những gì các cơ quan quản lý sẽ làm. Sự thành công hay thất bại của bất kỳ khoản đầu tư nào vào thời điểm này, trong hay ngoài lĩnh vực địa ốc, phần lớn phụ thuộc vào các quyết định của ĐCSTQ.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc không phải là tư bản chủ nghĩa, và chủ nghĩa xã hội này với các đặc điểm thị trường có nghĩa là không phải các yếu tố thị trường kiểm soát nền kinh tế và xã hội dân sự, mà là ĐCSTQ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: