‘Không có giải cho người về nhì’: Trung Quốc tầm cầu chiến thắng trong ‘Cuộc đua Đổi mới’ với Mỹ
Theo một bộ phim sắp ra mắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang khai thác những điểm yếu trong luật bảo hộ bằng sáng chế của Hoa Kỳ nhằm chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, và các đại công ty công nghệ đang phò tá họ trên chặng đường này.
Trong một buổi phỏng vấn với chương trình “China Insider” (Nội tình Trung Quốc) của EpochTV tại Hội nghị Bảo thủ miền Tây ở Denver, Colorado hôm 04/06, ông Luke Livingston, đạo diễn bộ phim “Cuộc đua Đổi mới”, cho biết: Trong cuộc đua đổi mới với Trung Quốc, “không có giải cho người về nhì.”
“Trung Quốc vươn lên vị trí số hai bằng cách đánh cắp sáng chế của chúng ta. Nhưng họ không hài lòng với việc dừng lại ở vị trí đó, mà còn muốn vươn lên trở thành một nhà tạo tác hàng đầu. Họ muốn chuyển từ sản xuất sang đổi mới sáng tạo.”
Bộ phim của ông Livingston, Cuộc đua Đổi mới, đã công chiếu tại Hội nghị Bảo thủ miền Tây hồi tuần trước; trong đó đi sâu vào tìm hiểu mối đe dọa đối với thế giới của một ĐCSTQ chiếm hữu uy thế trên toàn cầu. Bộ phim xoáy sâu vào cách ĐCSTQ khai thác những điểm yếu trong hệ thống bảo hộ bằng sáng chế của Hoa Kỳ, cũng như cách cải thiện những điểm yếu đó sao cho Hoa Kỳ có thể giành lại vị thế thống trị trong lĩnh vực đổi mới công nghệ toàn cầu.
Ông Livingston nói: “Mọi người nghĩ, ồ, Trung Quốc chỉ đánh cắp công nghệ thôi, và đó là tất cả những gì họ làm. Nhưng công chúng Mỹ cần hiểu rằng Trung Quốc, hay cụ thể hơn là ĐCSTQ, không chỉ đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, mà họ còn muốn chuyển những sản phẩm [đã đánh cắp] đó thành công trình sáng tạo [của riêng họ]. Họ muốn trở thành nhà sáng chế. Họ muốn chiếm hữu công nghệ mà họ đang chế tạo ra.”
Ông Livingston cho biết, để đạt được mục đích đó, lãnh đạo ĐCSTQ đã nghiên cứu 250 năm lịch sử Hoa Kỳ, tìm cách để lý giải và khai thác những thành tựu của Hoa Kỳ mà không lặp lại những thất bại của họ. Ông cho hay, trong số những thất bại đó, thì đầu tiên phải kể đến việc Hoa Kỳ không ngừng làm suy yếu các luật bảo hộ bằng sáng chế để ưu ái cho các đại công ty công nghệ tránh khỏi sự cạnh tranh.
Ông nói: “Trong mười năm qua, chúng ta đang tự chuốc vạ vào thân bằng cách làm suy yếu hệ thống bằng sáng chế của chúng ta để cho phép các đại công ty công nghệ chặn đứng cơ hội của những công ty nhỏ bé đang cố gắng chen chân vào những thị trường này.”
Thật vậy, các đại công ty công nghệ như Google đã liên tục vận động chính phủ Hoa Kỳ nới lỏng luật bằng sáng chế, vốn cho phép các nhà phát minh có ý tưởng mới lạ hơn và hay ho hơn để cạnh tranh hiệu quả với họ, từ đó bảo đảm cho các đại công ty công nghệ có thị phần lớn hơn bằng cách chặn cụt đường sống của các doanh nghiệp nhỏ, vốn định trụ được trên thị trường bằng cách tạo ra các công nghệ mới mang tính đột phá sáng tạo.
Hơn nữa, ông Livingston cho biết, các tập đoàn này thường xuyên hạch sách những doanh nghiệp rón rén mới nổi bằng các vụ kiện ngớ ngẩn phù phiếm nhằm loại bỏ các đối thủ tiềm năng, những người không có kiến thức pháp lý hoặc nguồn lực để chống lại một loạt các cuộc tấn công có ác ý nhắm vào doanh nghiệp của họ, và thường chỉ đơn thuần là chọn cách tự sập tiệm chứ không chiến đấu đến cùng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang len lỏi, nhét mình vào kẽ hở trong luật bằng sáng chế mà các đại công ty công nghệ để lại nhằm định hình lại luật pháp toàn cầu theo hướng có lợi cho họ. Ông Livingston cho biết, bằng cách khai thác những điểm yếu trong việc bảo hộ bằng sáng chế của Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể đoạt lấy vị thế nhà lãnh đạo thế giới về đổi mới công nghệ của Mỹ quốc bằng cách bảo đảm các quyền lợi đối với công nghệ trọng yếu và mới nổi tốt hơn những gì Hoa Kỳ [đang làm].
“Trung Quốc muốn tiến lên. Họ biết rằng họ không thể ở vị trí thứ hai,” ông Livingston nói.
“Vì vậy, họ đang hướng tới việc thiết kế, đổi mới, bảo đảm việc quản trị toàn cầu về sở hữu trí tuệ, những thứ tương tự như vậy.”
Vì lý do đó, ông Livingston cho rằng, Cuộc đua Đổi mới thực sự là một bảo chứng về việc Hoa Kỳ có thể tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc phát triển các công nghệ mới, và do đó tiếp tục tạo ra các công cụ để làm cho cuộc sống của con người trở nên thoải mái và hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc bảo đảm vị trí thống trị như vậy là rất quan trọng để bảo tồn các quyền tự do mà ĐCSTQ nhất quyết muốn hủy hoại.
Ông Livingston giãi bày, “Mọi người cần nhận ra rằng nếu chúng ta thua trong cuộc đua đổi mới với Trung Quốc, họ sẽ kiểm soát công nghệ của thế giới, họ sẽ thao khống nền kinh tế thế giới, tiếp đến họ sẽ thao túng quý vị.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.