Khoản vay với lãi suất thấp không còn, nông dân Hoa Kỳ gặp khó khăn trong sản xuất lương thực
CHICAGO — Cô Sarah Degn, một nông dân ở Montana, đã có những dự định quan trọng để đầu tư khoản lợi nhuận đáng kể mà cô thu được từ việc trồng đậu nành và lúa mì của mình trong năm nay. Đó là nâng cấp máy trồng trọt của cô hoặc mua một thùng chứa mới.
Nhưng những kế hoạch đó đã phải tạm dừng. Mọi thứ mà cô Degn cần để làm nông đều đắt đỏ hơn — và lần đầu tiên trong 5 năm sự nghiệp của cô, lãi suất đối với khoản nợ ngắn hạn mà cô và gần như mọi nông dân Hoa Kỳ khác dựa vào để trồng trọt và chăn nuôi cũng tăng theo.
Cô Degn, một nông dân thế hệ thứ tư ở Sidney, Montana, cho biết: “Chúng tôi có thể đã kiếm được nhiều tiền hơn trong năm nay, nhưng chúng tôi đã tiêu hết số tiền mình kiếm được.” Lãi suất trên báo cáo hoạt động của cô đã tăng gấp đôi trong năm nay và sẽ cao hơn vào năm 2023. “Chúng tôi không thể có lời được.”
Hầu hết nông dân Hoa Kỳ phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn với lãi suất biến đổi mà họ vay sau vụ thu hoạch mùa thu và trước vụ gieo trồng mùa xuân để chi trả mọi thứ, từ hạt giống, phân bón đến gia súc và máy móc.
Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ hoàn trả các khoản vay này bằng tiền mặt từ vụ mùa của mình trước khi lặp lại quy trình trên. Thông thường, nông dân tìm cách có được các khoản vay vào cuối năm hoặc đầu tháng Một để tận dụng chiết khấu thanh toán sớm của nhà cung cấp và để bảo đảm sẽ không bị thiếu hụt khi nguồn cung phân bón và hóa chất toàn cầu vẫn khan hiếm.
Giờ đây, các nhà sản xuất đang vật lộn với việc làm thế nào để trả khoản nợ đó khi lãi suất tăng vào mùa trồng trọt tiếp theo, theo các cuộc phỏng vấn với hai chục nông dân và chủ ngân hàng, cũng như dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang thành phố Kansas.
Do chi phí tín dụng ngày càng tăng, một số nhà sản xuất gặp vấn đề về tính thanh khoản. Điều này khiến họ phải xem xét việc giảm bớt sử dụng phân bón hoặc hóa chất, hoặc gieo ít hạt giống hơn vào mùa xuân tới. Đổi lại, điều này có thể làm giảm năng suất cây trồng và gây áp lực lên chi phí sản xuất loại thực phẩm đó.
Tất cả những điều này xảy ra khi giá nông sản và nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Các nhà sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều lợi nhuận trong năm nay khi giá nông sản đạt mức cao nhất trong một thập niên hay mức cao chưa từng có, do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất cảng ngũ cốc từ khu vực Hắc Hải.
Nhưng may mắn tài chính đó đã đến khi hạn hán lan rộng làm ảnh hưởng đến mùa màng ở các vùng đồng bằng của Hoa Kỳ và khiến tỷ lệ giết mổ gia súc ở Texas tăng vọt. Chi phí phân bón và nhiên liệu đã tăng, cũng như giá đất nông nghiệp và tiền thuê nhà.
“[Nông nghiệp] là một ngành kinh doanh có đòn bẩy cao, vì vậy gần như mọi thứ đều đến từ vay nợ,” ông Casey Seymour, người quản lý một đại lý thiết bị nông nghiệp ở Scottsbluff, Nebraska, và điều hành podcast Moving Iron, cho biết. “Có rất nhiều tiền ngoài kia đang được trả lãi.”
Theo dữ liệu của USDA, tổng chi phí lãi vay của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ — chi phí nợ mang theo — được dự báo sẽ đạt 26.45 tỷ USD trong năm nay, cao hơn gần 32% so với năm ngoái và cao nhất kể từ năm 1990, khi được điều chỉnh theo lạm phát.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, số tiền đó gấp đôi hoặc nhiều hơn số tiền mà các ngành công nghiệp khác của Hoa Kỳ phải gánh chịu, bao gồm cả lĩnh vực bán lẻ và dược phẩm, nơi mà chi phí lãi vay trong lịch sử đã từng bằng hoặc cao hơn.
Nỗi lo thanh khoản
Nông dân đang nhận các khoản vay lớn hơn do chi phí cao hơn, bất chấp gánh nặng tài chính mà các khoản vay này gây ra cho hoạt động của họ.
Quy mô trung bình của các khoản vay ngân hàng để điều hành một trang trại đã tăng lên mức cao nhất trong gần năm thập niên tính trực tiếp theo đồng USD, theo dữ liệu của Fed tại thành phố Kansas. Dữ liệu cho thấy lãi suất trung bình của các khoản vay như vậy là cao nhất kể từ năm 2019.
Hầu hết các khoản vay điều hành trang trại có xu hướng là khoản vay có lãi suất biến đổi, thay vì lãi suất cố định. Vay nợ theo lãi suất biến đổi mang lại lãi suất thấp hơn so với vay nợ theo lãi suất cố định, nhưng khiến người đi vay gặp rủi ro về chi phí cao hơn nếu lãi suất tăng lên.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn để dập tắt lạm phát gia tăng.
Lãi suất quỹ liên bang ngắn hạn hiện nằm trong khoảng từ 3.75% đến 4%, từ mức 0% đến 0.25% vào đầu tháng Ba, ngay trước khi các nhà hoạch định chính sách của Fed bắt đầu tăng lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao và nhu cầu tăng mạnh, và các nhà hoạch định chính sách của Fed đã báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi họ thấy bằng chứng rõ ràng hơn về tác động của các đợt tăng lãi suất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề nan giải đã xuất hiện: Lãi suất trung bình của tất cả các khoản vay hoạt động trang trại là 4.93%, theo dữ liệu mới nhất của Fed tại thành phố Kansas.
Nhiều nông dân đang trả nhiều tiền hơn. Một nông dân trồng ngô và đậu tương ở Ohio, ông Chris Gibbs, đã ghi danh cho một khoản vay hoạt động trị giá 70,000 USD với lãi suất biến đổi 3.3% hôm 01/05 tại tổ chức cho vay địa phương của ông — Farm Credit System (Hệ thống Tín dụng Trang trại), một doanh nghiệp được chính phủ tài trợ.
Giá phân bón và hóa chất tăng buộc ông phải vay nhiều hơn để trang trải các chi phí đó, ngay cả khi Farm Credit tiếp tục tăng chi phí mỗi khi Fed tăng lãi suất. Bây giờ, lãi suất của ông ấy là 7.35% và ông dự kiến lãi suất có thể đạt 8% vào cuối năm — mức tăng 142% trong 8 tháng.
Ông Gibbs chạy đua để hoàn trả phần lớn khoản vay bằng cách bán nông sản của mình, thay vì cất giữ và bán với giá có thể cao hơn vào mùa hè tới. Việc mua máy móc đang bị tạm dừng và ông đang cố gắng trả tiền cho các nguyên liệu đầu vào bằng tiền mặt.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times