Khóa học dành cho cha mẹ (P.37): ‘Cuốn sổ tinh thần’ để thành công trong sự nghiệp và hôn nhân
Đã từng có một sinh viên rất giỏi ở Đại học Quốc gia Đài Loan gọi điện cho tôi vào lúc nửa đêm, mẹ cậu ấy đang khóc vì chuyện hôn nhân của cậu. Mặc dù cậu ấy đã đọc rất nhiều sách, nhưng vào lúc ấy cậu không biết nên xử trí như thế nào.
Tôi đã dạy cậu ấy dùng “cuốn sổ tinh thần” để quản lý cảm xúc của mình. Cuối cùng, cậu ấy đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và đạt được thành công trong sự nghiệp. Dù mẹ và vợ cậu ấy có xuất thân khác nhau nhưng họ vẫn có thể chung sống hòa thuận dưới một mái nhà.
Giáo dục năng khiếu ở các trường học hàng đầu của Mỹ chính là giáo dục con người
Tôi đã từng dạy ở một trường học danh tiếng ở Hoa Kỳ, trong lớp học có một tấm áp phích lớn vẽ hơn 50 khuôn mặt của trẻ em với các biểu cảm khác nhau, hơn nữa còn dùng chữ viết để đánh dấu từng biểu cảm khuôn mặt. Trong lớp học, giáo viên sẽ dạy trẻ cách nhận biết biểu cảm của hơn 50 khuôn mặt này. Khi trẻ biểu lộ cảm xúc thì sẽ để trẻ “ngồi đúng chỗ” với bức vẽ để cháu thấy rõ biểu cảm của mình lúc đó như thế nào, và sử dụng ngôn ngữ thích hợp để nói ra điều đó.
Ngôi trường danh tiếng này chuyên dạy những học sinh có năng khiếu, là hệ thống giáo dục duy nhất ở Hoa Kỳ và rất tuyệt vời. Chúng tôi không chỉ dạy học mà còn đảm nhận trách nhiệm “giáo dục con người”. Vì vậy, khi những học sinh xuất sắc của trường chúng tôi tốt nghiệp, các cháu sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa trong xã hội.
Con người đều có cảm xúc, bạn không cần phải cố ý kìm nén chúng mà hãy thật sự đối mặt với chính mình. Tác dụng của việc suy nghĩ về những cảm xúc này là gì? Chức năng của giáo dục chính là làm thế nào để quy chính vấn đề để trở nên tốt hơn.
Cuộc gọi “cầu cứu” từ một chàng trai tài hoa ở Đại học quốc gia Đài Loan
Một hôm vào nửa đêm, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi “cầu cứu” của một cậu học sinh ở Đại học Quốc gia Đài Loan (là một đàn em khác khoa của tôi). Cậu miễn cưỡng nói với tôi: “Em học Đại học Quốc gia Đài Loan bao nhiêu năm rồi, mẹ em bây giờ đang ngồi khóc ở đó, nhưng em lại không biết phải làm sao?”. Cậu ấy là một người vô cùng ưu tú, cởi mở, rất dễ hòa đồng với mọi người, hơn nữa còn đàn hát rất giỏi. Nhưng khi người mẹ khóc, cậu ấy cố lục tìm tất cả những gì đã được học trong sách nhưng đều vô ích.
Tôi nói với cậu ấy qua điện thoại, “Điều đầu tiên cậu cần làm là đến ôm mẹ của mình.” Cậu ấy nghe xong liền do dự một hồi, bởi vì cậu ấy đã là chàng trai hơn 20 tuổii và cảm thấy hơi xấu hổ. Nhưng cuối cùng, cậu ấy đã đi đến ôm mẹ, và một lúc sau, mẹ của cậu cuối cùng cũng bình tĩnh lại.
Chàng trai tài năng này được rất nhiều nữ sinh tại Đại học Quốc gia Đài Loan yêu mến. Cậu đã đem lòng yêu một cô gái con nhà giàu có, điều kiện gia đình rất tốt. Cô ấy ở nhà được nuông chiều từ bé và ít khi phải động tay vào việc gì. Còn cậu ta thì lớn lên trong một gia đình bình thường, mồ côi cha, bà mẹ đơn thân làm công việc bình dân ở tầng thấp của xã hội. Bởi vậy, bà lo lắng con trai mình “trèo cao ngã đau”, hai bên gia đình không “môn đăng hộ đối”.
Ngoài ra, chàng trai và cô gái này còn thường xuyên cãi vã, cậu ấy không thể tìm ra lý do tại sao bạn gái của mình đột nhiên không vui. Người mẹ cảm thấy cuộc hôn nhân này rất khó thành công, bèn thuyết phục con trai từ bỏ. Người con trai cảm thấy có rất nhiều cô gái thích mình, mặc dù cậu ấy không nhất định phải lấy cô gái này, nhưng điều cậu ấy không hiểu là tại sao mẹ cậu lại cho rằng cuộc hôn nhân này khó khăn như vậy. Người trẻ tuổi suy nghĩ rất đơn giản, cho rằng hai người tâm đầu ý hợp thì có thể ở bên nhau rồi, không phải như vậy sao? Mẹ cậu ấy khuyên bảo con không được, vì vậy mà lo lắng bật khóc!
Hãy tận dụng “sổ ghi chép tinh thần” để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc
Tôi khuyên chàng trai này đi mua một bộ bút có 7 màu (để thuận tiện sử dụng), sau đó vẽ thời gian biểu cho 7 ngày trong tuần trên một tờ giấy trắng với 7 màu này. Mỗi ngày từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối, cứ sau 2 giờ thì hãy nhớ lại trạng thái cảm xúc của bản thân và dùng bút màu để tô lại. 7 màu sắc này đại diện cho những cảm xúc khác nhau của bạn. Ví dụ, màu đỏ đại biểu cho sự tức giận; màu đen đại biểu cho không thoải mái; màu xám đại biểu cho sự do dự, bối rối, không biết phải làm gì, v.v.
Sau 7 ngày, cậu ấy đưa cho tôi một trang giấy đầy màu sắc và xúc động nói, “A, đây là cách em sống sao? Thật là khủng khiếp!” Màu sắc trên thời gian biểu của cậu ấy là màu đỏ, đen và xám, trong đó màu xám chiếm tỉ lệ lớn nhất.
Tôi đã dạy cậu ấy cách quản lý “cuốn sổ tinh thần”, và giúp cậu xem lại từng khoảng thời gian trong tuần để phân tích nguyên nhân sinh ra những cảm xúc khác nhau của mình. Cuối cùng, tiến thêm một bước tìm về giai đoạn tuổi thơ của cậu ấy, bởi một người không thể lớn lên chỉ trong 1 ngày mà cần trải qua nhiều giai đoạn. Cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân gốc rễ của trạng thái cảm xúc tồi tệ và giải quyết nó một cách triệt để.
Khi những nhân tố chính diện của cậu ấy có tác dụng chủ đạo thì cậu trở nên vui vẻ hạnh phúc, tâm hồn rộng mở. Cuối cùng cậu ấy cũng cưới được cô tiểu thư này làm vợ, mẹ và vợ có thể chung sống hòa thuận với nhau. Cậu ấy bây giờ đã là một người cha. Sau đó, cậu trở thành giáo viên tại một trường nữ sinh và được các học sinh kính mến. Có thể hình dung cậu ấy đã vượt qua bao nhiêu “ngưỡng cửa” và đột phát được bao nhiêu vướng mắc trong tâm lý.
Bạn nên làm một “cuốn sổ tinh thần” càng sớm càng tốt, không cần phải chờ đợi đến khi xảy ra những vấn đề liên quan đến cảm xúc rồi mới thực hiện. Các bà mẹ không chỉ cần cho con mình một “cuốn sổ tinh thần”, mà hãy làm cho chính mình một cuốn sổ ghi chép, bắt đầu từ lúc mang thai (chuẩn bị làm mẹ), để quản lý cảm xúc của mình. Vì sự lo lắng, hồi hộp, không hài lòng và những cảm xúc tiêu cực khác của người mẹ mang thai sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị, sự nghỉ ngơi của người mẹ, đồng thời còn ảnh hưởng đến máu, nhịp tim, nhịp thở và các khía cạnh khác của thai nhi.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 37