Khóa học dành cho cha mẹ (P.36): Một đứa trẻ ‘không bao giờ mắc lỗi’ có thực sự xuất sắc?
Lời giới thiệu: Từng có một học sinh Á Châu trúng tuyển vào một trường danh tiếng của Hoa Kỳ với điểm số cao. Nhưng mới chỉ nhập học được một tháng, giáo sư của sinh viên này đã viết thư báo cho cậu ấy nói rằng có thể rời trường học. Mặc dù, điểm số của tôi (Tiến sĩ Trần Ngạn Linh) không nổi bật, nhưng tôi lại được các giáo sư đánh giá cao. Trong năm đầu tiên ở Đại học bang California tại Los Angeles, tôi đã giành được giải thưởng xuất sắc của trường. Sự khác biệt giữa hai chúng tôi là gì? Các giáo sư người Mỹ thích kiểu sinh viên như thế nào?
Sinh viên sợ phạm sai lầm sẽ không thực sự học được điều gì
Cậu sinh viên Á Châu này thật không dễ dàng để ứng tuyển được vào một ngôi trường danh tiếng ở Hoa Kỳ, thành tích nhập học rất xuất sắc. Mới chỉ nhập học được một tháng, cậu ấy đã nhận được lá thư hướng dẫn của giáo sư, trong thư viết rằng: “Tôi viết thư nhằm biểu đạt sự quan tâm đến em và hy vọng có thể biết được suy nghĩ trong lòng em. Tôi đã quan sát em rất lâu rồi và tổng kết ra 2 kết luận sau: Thứ nhất, em chưa bao giờ phạm sai lầm trên lớp học, em cũng chưa bao giờ phát biểu và đưa ra câu hỏi gì, có thể là vì những thứ đang học quá nông cạn, em đều đã biết rồi, tôi không còn gì để dạy em nữa. Thứ hai, cũng có thể em lo lắng phạm phải sai lầm, nếu em sợ phạm sai lầm thì em vĩnh viễn sẽ không học được điều gì. Thái độ học tập như vậy không phải là điều chúng tôi cần ở ngôi trường này. Tôi nghĩ em có thể rời khỏi ngôi trường này rồi.”
Giáo sư Hoa Kỳ khuyến khích bạn tham gia thảo luận và phạm sai lầm, như thế ông ấy có thể biết được vấn đề của bạn ở đâu để có thể giúp bạn tốt hơn. Nhưng cậu sinh viên này lại luôn bàng quan trên giảng đường, giáo sư cảm thấy rằng trong nội tâm của cậu ấy có vấn đề. Nhưng hoàn cảnh ở Trung Quốc Đại Lục lại hoàn toàn trái lại, càng học tốt thì càng không thể phạm sai lầm. Một khi đã mắc lỗi thì áp lực từ trường học, giáo viên và bạn học là vô cùng lớn, cũng sẽ bị người khác chỉ trích. Bởi vậy, những học sinh phạm sai lầm sẽ cố gắng che giấu hết mức có thể, vì vậy rất khó để học sinh thực sự tiến bộ và tìm được tài năng thiên phú trong chính bản thân mình. Tài năng này chính là điều mà không cần ai khuyến khích và thúc đẩy, nhưng bạn vẫn sẵn sàng nhiệt tình và muốn học hỏi điều đó. Đây là một phần rất quan trọng của cuộc sống, tuổi càng nhỏ thì càng rõ ràng.
Kiểu sinh viên được giáo sư Hoa kỳ đánh giá cao
Khi còn trẻ, tôi có hai phẩm chất: Thứ nhất là thích quan sát mọi người. Lúc còn nhỏ, gia đình của tôi là một đại gia đình, vì cha tôi là con út nên lúc đó có rất nhiều người thân bằng tuổi với tôi nhưng lại là vãn bối của tôi, và tôi nghiễm nhiên trở thành người trưởng bối. Điều này rèn luyện cho tôi khả năng quan sát, phối hợp và tôn trọng người khác, chứ không phải là dùng quyền uy để gây áp lực với người khác.
Thứ hai, khi gặp bất cứ chuyện gì thì tôi thích tìm hiểu vấn đề đến tận cùng, nếu không ai trả lời được thì tôi sẽ hỏi bản thân và đi quan sát sự biến đổi của con người và trời đất. Tôi cẩn thận quan sát những thay đổi của những người xung quanh và đưa ra sự giúp đỡ kịp thời. Đến nỗi khi bạn học của tôi bị thương hồi tiểu học, thay vì đến gặp y tá của trường, cô ấy đã nghĩ đến việc tìm tôi trước. Sau 5-6 năm huấn luyện làm “đứa trẻ dẫn đầu”, tôi biết rất rõ rằng những gì tôi muốn làm trong cuộc đời mình là giáo dục, là đi lý giải quá trình phát triển của những người khác, và cung cấp cho họ một môi trường tốt nhất để phát triển.
Khi vừa bước chân vào cánh cửa của UCLA (Đại học Bang California, Los Angeles), tôi đã tìm đến những giáo sư có uy quyền nhất trong khoa và nói: “Em đã nghiên cứu các khóa học mà các thầy đã sắp xếp. Tại sao khoa lại cung cấp những khóa học này? Sau khi học, sinh viên sẽ trở thành người như thế nào…”. Giáo sư đã trả lời từng câu hỏi của tôi và cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin. Ông ấy nghĩ tôi là một sinh viên tuyệt vời vì ông ấy không cần phải dành nhiều thời gian để giải khai nút thắt trong tâm của người học sinh này. Nếu thực sự muốn dạy bạn thì ông ấy phải dành thời gian kết bạn với bạn, để hiểu quá trình trưởng thành của bạn, những rào cản tâm lý, mục đích của bạn khi ngàn dặm xa xôi đến Hoa Kỳ để học tập và bạn muốn làm gì sau khi hoàn thành việc học? Thực tế, nhiều du học sinh lại không hiểu điều này, họ chỉ muốn lấy được tấm bằng danh giá hay trốn tránh điều gì đó, đây không phải là kiểu sinh viên được các trường đại học Hoa Kỳ đánh giá cao.
Giáo sư không ngờ lại có một sinh viên Á Châu như tôi và rất ấn tượng với tôi. Ông ấy không chỉ trao giải thưởng cho tôi mà còn cho tôi cơ hội rất tốt để đại diện cho ông tham dự một bữa tiệc cao cấp hoành tráng, và thảo luận về một vấn đề quan trọng. Ông ấy cảm thấy rằng tôi có đủ học thức và trí tuệ để đại diện cho các sinh viên trong khoa của chúng tôi.
Chuẩn bị hai “sổ tiết kiệm” cho trẻ
Một đứa trẻ 7-8 tháng sẽ có sự nhiệt tình bẩm sinh, trẻ sẽ lấy bánh quy và đồ chơi (những thứ thuộc về tinh thần) để chia sẻ với những người xung quanh. Chia sẻ là biểu hiện của sự phát triển bình thường và là đặc điểm rất quan trọng trong một xã hội văn minh. Khi mọi người có thể mở lòng chia sẻ với bạn thì rất nhiều luật lệ và hình phạt sẽ không cần thiết nữa. Khi nhận thấy phẩm chất đặc biệt “chia sẻ” của trẻ bộc lộ thì dù trẻ bao nhiêu tuổi bạn cũng phải động viên khuyến khích trẻ.
Tuy nhiên, có rất nhiều bậc cha mẹ lại làm ngược lại. Khi một đứa trẻ đưa cho họ một món đồ chơi, họ liền giấu món đồ chơi đó đi để trêu đứa trẻ và nói: “Mẹ không đưa cho nữa, mẹ sẽ lấy nó đi”. Nhiều đứa trẻ sẽ khóc ngay tại chỗ, còn một số đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ hơn thì không khóc, nhưng trẻ đã hình thành một quan niệm: “Mình phải dùng những hành vi và cảm xúc mạnh mẽ ngược lại với sự chia sẻ thì mình mới có thể lấy lại những thứ đó về cho mình”. Đây là một điều rất đáng sợ.
Khi trẻ được 7-8 tháng tuổi, cha mẹ nên chuẩn bị cho bé hai quyển “sổ tiết kiệm”: Một sổ để ghi những điều mắt thường thấy được như thể trạng, tình hình học tập, lời ăn tiếng nói, hành vi của trẻ, v.v …; Một sổ tiết kiệm là để ghi lại những thứ không nhìn thấy hoặc không ý thức tới như tinh thần, cảm xúc, trí tuệ, v.v.
Những tác động tiêu cực (như chọc làm trẻ khóc) về cơ bản chính là đã khiến đứa trẻ ghi lại “món nợ” trên cuốn sổ tinh thần. Điều này có thể sẽ tạo thành khiếm khuyết trong quan hệ giữa người với người của trẻ trong tương lai, và tăng thêm cảm giác lo lắng khi trẻ tín nhiệm người khác. Nếu áp lực tiêu cực quá lớn, sẽ gây trở ngại cho sức khỏe thể chất của trẻ.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 36