Khóa học dành cho cha mẹ (P.33): ‘Hành vi học hỏi’ của trẻ bắt đầu từ khi nào?
Trẻ bắt đầu có “hành vi học hỏi” từ lúc nào? Thời điểm nào thì trẻ bắt đầu có thể ghi nhớ rõ ràng? Khi đứa trẻ bắt đầu học hỏi, cha mẹ nên chú ý những điều gì?
Trẻ 6 tháng tuổi có khả năng ghi nhớ không?
Nếu một người bị trói tay chân và chỉ có thể nằm nghỉ trên giường, không có cách nào thực hiện những điều bản thân mình mong muốn, vậy thì người ấy có đau khổ không? Khi đứa bé 6 tháng tuổi đã có thể nắm bắt được đồ vật và thể hiện mong muốn của bản thân mình, như vậy một năng lực rất quan trọng đã được hình thành rồi. Và một đứa trẻ 7 tháng tuổi đã bắt đầu có “trí nhớ” rõ ràng.
Ví dụ, ban đầu đứa trẻ nhớ được 3-4 người, sau khi rời đi 1 tuần rồi quay lại thì cháu vẫn có thể nhận ra được họ, điều này là không thể đối với những trẻ 2 tháng tuổi. Khi nhìn thấy một người rất quen thuộc, hơn nữa là người có ấn tượng tốt với mình thì đứa bé sẽ chủ động muốn được ẵm và đến gần người đó. Bé cũng sẽ tìm kiếm những món đồ đã bị thất lạc, chẳng hạn như một vài món đồ chơi để trên bàn không còn thấy nữa, cháu sẽ tìm chúng.
Có thể bạn đã từng xem đoạn video này trên TV: Một em bé đang cầm một chiếc bánh quy thì bất ngờ bị một con chó ngậm đi mất, cậu bé sẽ sửng sốt một chút, sau đó đi khắp nơi để tìm, cuối cùng thì khóc lên… Khả năng ghi nhớ của đứa bé 6 tháng tuổi sẽ luôn được rèn luyện liên tục cho đến khi lên tiểu học. Khi ấy, đứa bé đã có thể nhớ mang hộp cơm trưa về nhà.
Làm thế nào để dạy trẻ khi cháu có năng lực ghi nhớ?
Khi trẻ có khả năng ghi nhớ, cha mẹ cần chú trọng dạy trẻ những “từ vựng”. Trẻ nhỏ sẽ nhận biết một cách có ý thức về mối liên hệ giữa từ vựng và bản thân sự kiện hoặc hành vi, kết quả. Điều vô cùng quan trọng là khi cha mẹ ở cạnh trẻ thì hãy cung cấp cho trẻ một hoàn cảnh để sử dụng “từ vựng”. Tôi phát hiện trong môi trường người Hoa việc dạy các con số cho trẻ không quá thiếu, nhưng vẫn còn thiếu việc dạy trẻ vận dụng từ ngữ và biểu đạt ngôn ngữ.
Khi tôi học ở Hoa Kỳ, có một giáo sư đã nói với chúng tôi rằng khi làm bất kỳ điều gì hoặc một dự án nào đó, hãy thường xuyên nói một từ “chuẩn xác”, kể cả khi nói chuyện thì cũng không nói những lời vô nghĩa, cần chính xác và có hiệu quả. Nhiều năm sau đó, tôi quay về Đài Loan dạy học, có một hiệu trưởng đã nói với tôi rằng: “Cô Trần à, cô giảng bài rất chuẩn xác, không dài dòng, điều này giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và học tập”. Lúc đó, tôi mới nhận thấy rằng vốn dĩ có nhiều người dùng lời không chuẩn xác, quá nhiều lời càm ràm khi giáo dục con cái, cuối cùng đã phá hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, điều này thật không nên.
Dạy chữ chính thể sẽ giúp trẻ càng thông minh hơn
Bản thân từ vựng cần mang lại cho trẻ một nội dung tích cực, hãy dạy trẻ nhiều hơn những từ để khen ngợi người khác. Ví dụ, khi bạn đưa một bát thức ăn cho trẻ thì hãy để trẻ ngửi trước và nói với trẻ rằng hành động này được gọi “thơm quá”, đồng thời bạn còn có thể lấy một thẻ hình ra và nói với trẻ từ “thơm” nghĩa là gì (trong mắt của trẻ, bức ảnh chính là từ vựng này). Bức ảnh cho đứa trẻ xem tốt nhất nên có màu sắc tươi sáng và hình ảnh sắc nét. Bởi vì bộ não của trẻ giống như một chiếc máy ảnh vậy. Những gì trẻ nhìn là tinh tế thì những gì trẻ phát triển là tinh tế, các tế bào thần kinh ngoại biên trong não của trẻ sẽ liên hệ chặt chẽ hơn.
Tinh tế mà tôi nói đến chính là kiểu chữ chính thể (phồn thể). Đối với một đứa trẻ, nó không có khái niệm “khó khăn”. Bởi vì theo khái niệm không gian, nét ký tự chính thể càng hoàn chỉnh hơn. Khi đứa trẻ đọc những thể chữ này, các tế bào thần kinh tương ứng trong đại não của trẻ sẽ phát triển hoàn thiện hơn và sẽ liên kết với các tế bào thần kinh khác càng chặt chẽ hơn. Như vậy con đường học tập của trẻ cũng sẽ liên tục hơn.
Liệu các bạn ở Trung Quốc đại lục có khó khăn khi dạy chữ chính thể cho con trẻ không? Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề trong quan niệm tư tưởng. Khi chúng tôi nghiên cứu sự phát triển trí não của trẻ em, đã phát hiện ra một khái niệm: đứa trẻ không có ký tự “khó”, cái mà trẻ nhìn thấy là một hình ảnh, giống như khi chúng ta nhìn vào một bức ảnh. Đứa trẻ từ 2-3 tháng tuổi bắt đầu nhìn biểu cảm của mẹ. Bạn nghĩ những biểu cảm nào sẽ khiến trẻ vui vẻ? Một là biểu cảm phong phú đa dạng, như mỉm cười và các biểu cảm khác; Hai là biểu cảm đơn nhất, không có thay đổi. Tất nhiên, biểu hiện đa dạng, phong phú là cách tốt nhất khi tương tác với trẻ.
Đồng thời, khi một đứa trẻ nhìn thấy những thứ rất tinh xảo, các tế bào thần kinh của trẻ cần tập trung vào những thứ này, cho nên các tế bào này sẽ phát triển được càng hoàn thiện hơn và sự liên kết với các tế bào thần kinh xung quanh sẽ ngày càng tốt hơn. Cháu bé như vậy tất nhiên sẽ thông minh hơn!
Như vậy, các bậc cha mẹ của những trẻ em ở Trung Quốc đại lục có sẵn sàng tiếp xúc chữ chính thể không? Tôi lấy một ví dụ. Có một ông chủ Mã ở đại lục đưa cho tôi một tấm danh thiếp, tôi hỏi ông ấy muốn phát triển không? Ông nói những người làm kinh doanh như ông ấy ai chả muốn phát triển! Tôi nói với ông: “Lẽ ra, ông nên phát triển tốt hơn, chứ không phải như tình trạng hiện nay. Họ của ông là Mã, chữ giản thể của từ này ở bên dưới là một đường kẻ ngang (马), giống như một thanh gỗ buộc bốn móng ngựa lại; khi bốn chân của ngựa chạy thì bờm ngựa trên đầu sẽ bay lên. Nhưng chữ giản thể thì bờm ngựa đã bị buộc chặt lại rồi, nên ông chạy như thế nào đây? Công ty làm sao có thể phát triển nhanh được?” Sau khi ông chủ Mã nghe xong liền nói rằng: “Tôi sẽ lập tức đổi tên thành chữ chính thể!”
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 33