Khóa học dành cho cha mẹ (P.28): Tại sao trẻ em thích chơi điện thoại di động?
Nhiều loại đồ chơi phổ biến trên thị trường dành cho trẻ em đều có phát ra âm thanh điện tử, và trẻ em rất dễ bị những loại đồ chơi này thu hút. Bạn có biết những loại đồ chơi này sẽ mang đến những tổn thương như thế nào cho trẻ không?
Tôi khuyến nghị cho trẻ chơi những thứ đồ chơi tự nhiên, cung cấp môi trường mà trẻ có thể sáng tạo và trau dồi, để rèn luyện năng lực thể chất và năng lực suy nghĩ logic cho trẻ.
Có một khán giả phản hồi như sau: Cô có một đứa con trai 5 tuổi đặc biệt thích thú với những đồ chơi có thể phát ra âm thanh như ô tô cảnh sát, xe cứu thương, máy bay, đại bác,… Người lớn đã mua cho cháu loại đồ chơi này rất nhiều. Nhưng sau đó phát hiện ra rằng khi cha mẹ cần sự yên tĩnh, thì đứa trẻ rất dễ làm phiền họ và chơi những đồ chơi gây ra tiếng ồn lớn. Cô ấy muốn hỏi cô Trần rằng những món đồ chơi phát ra âm thanh điện tử có ảnh hưởng gì đối với trẻ em, và liệu con của cô trở nên như vậy có phải vì những món đồ chơi này hay không.
Tôi nghĩ đó là do đồ chơi của trẻ tạo thành. Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hệ thống thính giác phát triển từ rất sớm. Sau khi sinh từ 4 đến 5 tháng tuổi thì thính giác của trẻ vẫn tiếp tục phát triển. Vì vậy, việc trẻ tiếp nhận âm thanh như thế nào là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Trẻ nhỏ nghiện chơi điện thoại di động
Các dây thần kinh sẽ thay đổi theo môi trường, nếu bạn cho trẻ những thứ màu xanh lá cây thì khả năng tiếp nhận màu xanh lá cây của trẻ sẽ đặc biệt mạnh mẽ. Nếu cha mẹ cho con chơi quá nhiều đồ chơi có âm thanh điện tử, chúng đều là những âm thanh có tần số cao, hơn nữa lại rất chói tai, thường xuyên cho trẻ nghe những âm thanh như vậy thì trẻ sẽ quen dần. Khi âm thanh thông thường và âm thanh điện tử có tần số cao cùng phát ra, trẻ sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi âm thanh điện tử.
Sau khi so sánh với âm thanh của con người, người ta phát hiện âm thanh điện tử gây ra tổn thương rất lớn cho trẻ em. Hơn nữa, sau khi đứa trẻ bị âm thanh điện tử thu hút thì thường sẽ không chú ý đến âm thanh của con người. Người lớn ở bên cạnh gọi trẻ như thế nào thì nó cũng sẽ không để ý đến.
Khi cha mẹ cố gắng lấy đi những đồ chơi phát ra âm thanh hoặc iPad thì trẻ sẽ tức tối và quay mặt làm ngơ, bất kể là trẻ bao nhiêu tuổi. Bản thân tôi đã từng chứng kiến một đứa trẻ nhỏ quả thực là khóc lóc không ngừng vì điều này.
Mẹ của đứa trẻ cho biết cô không muốn con mình làm phiền người khác trên tàu điện ngầm, cô nhận thấy chỉ cần đưa điện thoại di động hoặc iPad là đứa trẻ sẽ yên lặng. Nhưng nếu cưỡng ép lấy đi điện thoại hoặc iPad thì đứa trẻ sẽ khóc lóc và làm ầm ĩ lên! Khiến người mẹ không dám lấy những món đồ này đi.
Tôi khuyên người mẹ này cần giảm dần thời gian cho trẻ chơi điện thoại khi trẻ ở nhà, ngay cả khi trẻ đang khóc cũng cần phải nhẫn chịu. Nếu bạn không nhanh chóng cắt đứt sự phụ thuộc của con bạn với điện thoại di động, thì sau này bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Tôi luôn khuyên các bậc cha mẹ nên cho con của mình nghe nhạc nhẹ nhàng và cố gắng tránh những âm thanh điện tử có tần số cao. Những âm thanh của đồ dùng phát ra từ các vật rỗng, như tiếng gõ trên trống, tre, nứa, thậm chí cả xoong nồi đều là tự nhiên và có lợi.
Sở thích khác với bị thu hút
Tôi từng trải nghiệm một sự việc ở Đài Loan. Có một dàn nhạc gồm những người mù, vì họ không thể nhìn thấy nên họ rất nhạy cảm với âm thanh. Khi họ biểu diễn, có mời những đứa trẻ mang xoong nồi ở nhà của mình đến tham gia cùng họ. Mặc dù những đồ vật này không phải là nhạc cụ thực sự, nhưng chúng có thể dễ dàng đạt được trạng thái hài hòa vì chúng là những âm thanh do các đồ vật thực tế tạo ra. Trải nghiệm này đã cho tôi rất nhiều gợi ý, những đứa trẻ đã có một khoảng thời gian tuyệt vời và sự kết hợp của những âm thanh đó cũng rất tốt.
Ở đây, cần nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng không phải trẻ thực sự thích xe cảnh sát và xe cứu hỏa, mà là những âm thanh tần số cao do chúng phát ra đã thu hút trẻ.
Lấy một ví dụ khác, chúng ta lấy một danh thiếp để thử nghiệm, trên mặt danh thiếp có màu đỏ khá đậm và màu vàng nhạt hơn. Trong thử nghiệm, khi lướt tấm danh thiếp đó qua mặt mọi người trong chớp mắt, thì mọi người thường ấn tượng sâu sắc với màu đỏ đậm. Vậy nên, trẻ bị những món đồ chơi có âm thanh lớn thu hút, không phải là chúng thực sự thích những đồ chơi này, mà là chúng bị âm thanh có tần số cao thu hút.
Trước khi mua đồ chơi cho con, cha mẹ nên tự hỏi bản thân xem có thích âm thanh đó hay không, nếu bản thân không thích thì đừng mua cho con của mình. Sau khi trẻ quen với những âm thanh chói tai, chúng thường sẽ tạo ra loại âm thanh như vậy, điều này chẳng phải là bản thân đang tự tìm rắc rối hay sao?
Cung cấp một môi trường có thể sáng tạo và rèn luyện
Cha mẹ có thể làm một thí nghiệm nho nhỏ: Bạn có thể sử dụng một số phần mềm trên iPad để đọc to văn bản mà bạn gõ, và xem bạn có thích âm thanh đó hay không. Nếu bạn không muốn đứa trẻ cũng được nuôi dưỡng như vậy, thì bạn nên suy nghĩ cẩn thận nên mua đồ chơi như thế nào cho trẻ.
Nếu các bậc cha mẹ muốn bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm thanh của con mình, thì có thể mua cho con những chiếc đàn piano nhỏ, thậm chí là những cây đàn bán sẵn ở các cửa hàng. Âm thanh của tiếng gõ từ các vật liệu khác nhau là một dải âm thanh dễ chịu cho trẻ. Hộp đựng khăn giấy (Tissue Box) đã qua sử dụng cũng có thể lật úp để gõ lên. Cả hộp lớn và hộp nhỏ đều có thể dùng để gõ. Đây là tất cả những âm thanh tự nhiên mà con bạn có thể chơi cùng.
Đừng nghĩ rằng trẻ em chơi với những thứ này sẽ trở nên ngốc nghếch, bạn có thể yên tâm rằng điều này ngược lại sẽ tạo ra cho trẻ một môi trường sáng tạo hơn.
Trẻ cũng có thể vẽ trên hộp giấy, xây nhà, mở cửa sổ và tự sắp xếp đồ của mình. Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cố gắng hết sức để cung cấp cho trẻ một môi trường rèn luyện sáng tạo.
Thà rằng cho đứa trẻ bột mì để nó tự tay nhào bột và nặn một thứ gì đó, có thể rèn luyện năng lực thao tác chính xác, cảm xúc, tư duy logic, v.v. của trẻ, còn hơn là bạn cho trẻ một món đồ chơi làm sẵn. Bởi những món đồ chơi làm sẵn này, về cơ bản là không thể thay đổi nó được, chỉ có hai khả năng: nó dùng được, hoặc nó bị hỏng. Về cơ bản nó không giúp trẻ có cơ hội sử dụng bộ não của mình để suy nghĩ và sáng tạo.
Nếu không bồi dưỡng cho trẻ quá trình động não tư duy, đến khi đi học thì có một vài đứa trẻ sẽ dễ xuất hiện vấn đề. Khi giáo viên môn toán nhìn vào bài kiểm tra của bạn, họ thường nói rằng bạn không thể chỉ có câu trả lời mà còn phải có quá trình giải đáp.
Điện thoại di động gây nghiện và ức chế khả năng giao tiếp
Có một nghiên cứu cho rằng, một khi đã tiếp xúc với âm thanh tần số cao thì sẽ giống như nghiện ma tuý, chính là rất dễ gây nghiện và có hiện tượng nghiện. Cũng có nghiên cứu nói rằng, khi người ta đang yêu thì họ cũng bị nghiện. Trong các vùng hoạt động của não bộ thì chúng khá giống nhau. Sự khác biệt là ở đâu? Khi yêu, vùng ngôn ngữ, khả năng biểu đạt, khả năng tự chăm sóc bản thân và khả năng yêu thích sự sạch sẽ cũng được kích hoạt.
Ngược lại, các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, iPad, máy chơi game… lại ức chế những năng lực này của đứa trẻ, ức chế khả năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, năng lực xã hội và khả năng yêu thích sự sạch sẽ của trẻ. Nhiều trẻ nghiện iPad còn không thích tắm, không muốn nói chuyện với mọi người và không quan tâm đến người khác. Nếu cha mẹ nói thêm một vài câu, trẻ sẽ thấy bạn phiền phức, hơn nữa chúng sẽ khó chịu một cách vô cớ. Những năng lực này của trẻ đã bị ức chế thì bạn đừng mong đợi trẻ sẽ lịch sự với bạn.
Cha mẹ có thể đưa con đi tìm hiểu và nghiên cứu những sự vật hiện tượng xung quanh mình. Đây cũng là một cách giáo dục trẻ rất tốt. Đừng để các bé đang ngồi cùng nhau, nhưng chúng vẫn yên lặng mà lướt điện thoại. Hơn nữa, nếu sử dụng điện thoại di động, iPad trong thời gian dài sẽ khiến người đó mắc các vấn đề về cổ, và có thể sẽ cần nhờ đến các chuyên gia y tế để được tư vấn. Cha mẹ hãy để con trẻ hiểu rõ tác hại của những thứ này, mà không chỉ nói lý thuyết suông.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 28