Khóa học dành cho cha mẹ (P.32): Làm thế nào để xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ?
Làm sao để an ủi một cậu bé đang bất an, lo lắng và hoàn toàn phớt lờ những người xung quanh mình? Đầu tiên, bạn cần chạm vào bộ phận nào trên cơ thể của cậu bé? Tiếp theo là những phần nào? Sau khi cảm xúc của trẻ đã an định trở lại thì chúng ta làm thế nào để tiến thêm một bước tìm hiểu nhu cầu bên trong nội tâm của cậu ấy? Cuối cùng, làm thế nào để giúp đỡ cậu bé từng bước khôi phục lại sự tự tin và xây dựng lại một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Có một học sinh cấp hai đang đi du học ở nước ngoài, cậu ấy đã không tìm thấy nhà sau khi đi mua đồ. Sau đó, cậu bé nhận được điện thoại của người thân ở quê nhà, cháu đã nói rõ tình cảnh của bản thân và người thân của cậu đã tìm mọi cách để liên lạc với nhà trường. Cuối cùng, nhà trường đã tìm thấy cậu ấy. Nhà trường đã mời tôi đến giao tiếp với đứa trẻ. Tôi phát hiện cậu ấy cuộn tròn người lại, đầu cúi vùi vào hai chân, hoàn toàn không để ý đến những người xung quanh. Trạng thái của cậu bé tiết lộ một điều vô cùng quan trọng: Cậu ấy đang sợ hãi và bất an.
Từng bước xoa dịu cảm giác lo lắng của đứa trẻ
Lúc đó thời tiết khá lạnh, nên tôi đã chà xát tay của mình cho ấm lên, rồi từ từ nhẹ nhàng hướng đến cậu bé, bởi vì toàn bộ áp lực của cậu cần phải được giải toả. Khi cậu ấy cảm nhận được một “cái chạm” ấm áp đang đến gần (biểu thị tôi sẵn sàng chấp nhận bạn dù bạn có bất cứ vấn đề gì) thì cậu ấy đã không hề né tránh, nên tôi có thể chạm vào vai của cậu bé. Đây là vị trí an toàn đối với cậu, cậu ấy có thể dễ dàng gạt tay của tôi xuống nếu muốn từ chối. Bởi vậy, khi bạn bắt đầu làm thân với đứa trẻ, đừng chạm vào chỗ ngoài tầm với của tay cậu bé.
Sau khi chạm vào vai thì cậu bé không hề từ chối, vì vậy tôi đã tiến thêm một bước nữa, vỗ nhẹ vào bờ vai của cậu ấy, biểu thị rằng tôi thấu hiểu và tôi sẵn sàng giúp đỡ cậu. Sau đó, tôi lại từ từ nắm lấy tay của cậu bé (đây cũng là một vị trí an toàn, cháu có thể rất nhanh chóng gạt ra), và cứ thế tôi dần dần tiếp cận đứa trẻ trong phạm vi an toàn. Cho dù cậu bé từ chối tôi, gạt tay của tôi ra thì tôi vẫn sẵn sàng gần gũi và giúp đỡ cậu ấy một cách vô cùng chân thành. Tâm thái của tôi rất bình ổn, tay cũng rất vững chắc. Nếu bạn mang theo mục đích rất mạnh, bạn muốn thể hiện năng lực chuyên môn của mình và muốn phê bình đứa trẻ thì cử chỉ của bạn có thể sẽ không ổn định được.
Dùng hương vị quê hương để mở lòng của cậu bé
Khi có thể nắm được tay của cậu bé, bước tiếp theo là có thể vỗ nhẹ vào lưng của cậu ấy, cuối cùng tôi xoa đầu của cháu. Tôi tin rằng tất cả các bà mẹ khi thấy con của mình bị tổn thương, đều sẽ muốn dùng đôi tay và sức lực của cơ thể để giúp con vượt qua nỗi đau, sự căng thẳng và cảm giác mất phương hướng.
Sau khi cậu bé đã an định trở lại, tôi đưa cậu đến một quán ăn do người của đất nước cậu mở ra. Cậu ấy đã có một khoảng thời gian tuyệt vời và ăn sạch một đĩa thức ăn lớn. Tôi có thể thấy rằng, đứa trẻ đã tìm được nơi khiến cậu cảm thấy an toàn. Cậu bé bắt đầu chậm rãi nói với tôi những gì mà cậu ấy cần và mong đợi. Thời tiết đã trở lạnh, mẹ cậu vì bận rộn nên đã quên gửi cho cậu một chiếc quần dày. Cậu đã là một chàng trai lớn, cho nên cảm thấy rất xấu hổ khi nói thẳng với mẹ về những nhu cầu của mình. Đồng thời cậu bé nhận thấy ở nơi “đất khách quê người”, không hề tốt đẹp và dễ chịu như những lời mà gia đình của cậu đã nói, và cháu cảm thấy mình không thuộc về nơi đây.
Hướng dẫn trẻ khám phá những điều bất ngờ trong cuộc sống
Cậu bé cho rằng việc tập thể dục hằng ngày rất quan trọng, nhưng do chương trình học căng thẳng nên cậu không có thời gian tập thể dục. Cậu ấy có thể đã bất ngờ ra ngoài chạy bộ một mình mà không nói cho người khác, làm cho người hướng dẫn bị dọa một phen, tưởng rằng cậu đã đi lạc. Do đó, tôi đưa cậu bé đi tập thể dục, đi dạo và làm những điều mà cậu muốn, đồng thời hướng dẫn cậu ấy phát hiện những điều bất ngờ trong cuộc sống.
Khi đó thời tiết rất lạnh, toàn bộ cỏ đều đã héo cả. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một loài hoa dại rất lạ, có chín cánh hoa màu sắc vàng óng và tím. Tôi nhờ cậu ấy chụp ảnh lại và tiếp tục tìm kiếm. “Cô lại đây xem!” Cậu ấy rất nhanh chóng tìm được bông hoa dại thứ hai. Cháu đã không còn lo lắng nữa, và đã bắt đầu tìm được cảm giác thân thuộc của riêng mình.
Những thay đổi lớn của đứa trẻ trong một ngày
Trong quá trình đi dạo cùng cậu bé, tôi liên tục kể cho cháu nghe những điều tốt đẹp về ngôi trường này và hoàn cảnh xung quanh. Cậu ấy đột nhiên chỉ về phía một căn phòng và nói với tôi: “Cô ơi, căn phòng đó là của chúng ta phải không?”. Đứa trẻ đã bắt đầu xưng hô “chúng ta” rồi, cậu ấy không còn khép kín bản thân nữa và có thể hòa nhập với những người xung quanh.
Ngay trong đêm hôm đó, giáo viên dạy nhạc của cậu bé đã xúc động chạy vào văn phòng và rưng rưng thông báo một tin quan trọng, “cậu bé đã lấy đàn và bắt đầu chơi rồi!”. Trước đó, vị giáo viên này đã dành cả một tháng để nghĩ đủ mọi biện pháp, nhưng không thể làm cho cậu ấy cầm đàn lên để theo kịp tiến độ học tập.
Sau đó, tôi nói với mẹ của đứa trẻ một số điểm chính của toàn bộ sự việc (bao gồm cả quá trình tôi tiếp xúc với cậu ấy thông qua tứ chi). Khi đó, người mẹ này đã khóc nức nở qua điện thoại nói với tôi rằng, “Tôi đã nuôi đứa trẻ này 15 năm rồi, vậy mà tôi chưa lúc nào hiểu rõ về cháu như vậy”.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 32