Khi chủ nghĩa khủng bố thế giới tiếp tục nổi lên, Moscow phát triển hạt nhân ở châu Phi
Nga đang xây dựng các cơ sở hạt nhân ở một số quốc gia hiện bị chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo tàn phá, làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế.
JOHANNESBURG — Một vài tuần trước, với sự chú ý đổ dồn vào nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở Trung Đông, thì một nét bút tại một quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi đã khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn.
Ông Simon-Pierre Boussim, Bộ trưởng Năng lượng của Burkina Faso, và ông Nikolay Spasskiy, phó tổng giám đốc công ty hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, đã ký một thỏa thuận để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở quốc gia nội lục thuộc sa mạc Sahel này.
Theo nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, giới quyền uy an ninh quốc gia Nga coi việc xuất cảng điện hạt nhân dân sự là một “công cụ quan trọng để tăng cường ảnh hưởng ở hải ngoại trong khi tạo ra dòng doanh thu để duy trì năng lực trí tuệ và kỹ thuật cùng các chương trình quan trọng bên trong nước Nga,” nhưng sự hợp tác như vậy thường là một con dao hai lưỡi.
“Một mặt, các dự án tốn kém … thường không có nhiều ý nghĩa kinh tế đối với quốc gia là bên mua hàng, làm dấy lên những nghi vấn không mấy dễ chịu về việc ai được hưởng lợi.
“Mặt khác, các dự án nhận trợ cấp dồi dào được theo đuổi chủ yếu vì những lý do địa chính trị lại có nguy cơ đè nặng lên công ty độc quyền năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga với những gánh nặng mà công ty này khó có thể gánh nổi.”
Tại buổi lễ công bố thỏa thuận Burkina Faso, ông Boussim cảm ơn Moscow vì “sẵn sàng cung cấp cho Burkina Faso nhu cầu năng lượng trong tương lai.”
Nhưng Nga sẽ nhận lại được gì để đổi lấy “lòng bác ái” của mình đây?
Đây là manh mối: Ông Boussim cũng là bộ trưởng khai mỏ của Burkina Faso. Tài nguyên khoáng sản chính của đất nước này là vàng. Theo thống kê của nước này, họ là nhà sản xuất vàng lớn thứ tư ở châu Phi, và lớn thứ 14 trên thế giới, với sản lượng gần 60 tấn trong năm 2022.
Công ty khai thác mỏ Nordgold của Nga sở hữu một số mỏ vàng lớn của quốc gia này, cùng với Trung Quốc.
Tháng 06/2022, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nordgold và chủ sở hữu của công ty này, ông Alexei Mordashov.
Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng lao động trẻ em và nạn cưỡng bức lao động là rất phổ biến ở các khu mỏ của nước này.
Trong nhiều năm, Nga đã sử dụng lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner để giành quyền kiểm soát các mỏ vàng và mỏ dầu ở Trung, Tây, và Bắc Phi.
Năm 2019, nước này bắt đầu tăng cường đáng kể sự hiện diện “an ninh” ở châu Phi, ngay sau khi lãnh đạo đương thời Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, đăng một bản thông tri nội bộ có nội dung: “Châu Phi là một khu vực trên thế giới hội tụ lợi ích của tất cả các cường quốc toàn cầu.”
“Vị trí của một quốc gia trên vũ đài quốc tế phụ thuộc trực tiếp vào sự ảnh hưởng của quốc gia đó đối với lục địa Phi Châu.”
Tháng 12/2022, tổng thống Ghana, ông Nana Akufo-Addo, cho biết chính phủ Burkina Faso, vốn giành được quyền lực trong một cuộc đảo chính hồi tháng Chín năm đó, đã thuê Wagner giúp họ chống lại “các tác nhân phi nhà nước có vũ trang.”
Ông nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Phi, “Tôi tin rằng một mỏ ở miền nam Burkina đã được giao cho họ như một hình thức thanh toán cho các dịch vụ của họ.”
Chính phủ Burkina Faso đã bác bỏ điều này nhưng không xác nhận hay phủ nhận việc họ đã đạt được thỏa thuận với Wagner.
Theo các nhà phân tích an ninh, nếu nhóm lính đánh thuê này nổi lên trong Chiến tranh Ukraine theo chân các chuyên gia hạt nhân Nga tới Burkina Faso, thì quốc gia 20 triệu dân này sẽ đặt ra cho họ một thách thức khó khăn hơn.
Họ nói với The Epoch Times rằng hơn 40% đất nước này hiện bị kiểm soát bởi một nhánh của al-Qaeda, Jama’a Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (JNIM), với sự giúp đỡ của một nhóm địa phương liên kết với ISIS.
Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED) cho biết tính đến tháng Chín năm nay, hơn 6,000 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực do khủng bố.
ACLED mô tả tình hình đang đạt đến “các tỷ lệ giống như nội chiến.”
Ông Babacar Ndiaye, một nhà phân tích an ninh Tây Phi độc lập tại Dakar, Sénégal, cho biết, “Tôi không nghĩ việc xây dựng một nhà máy hạt nhân an ninh cao ở nơi mà những thánh chiến Hồi Giáo hiện đang hoạt động điên cuồng là một ý tưởng hay.”
Nhưng nhà cai trị quân phiệt của Burkina Faso, Đại úy Ibrahim Traore, không hề thoái chí.
Trên thực tế, trong Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi ở St Petersburg hồi tháng Bảy, ông đã đưa ra một yêu cầu cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc phát triển hạt nhân.
Sau khi lên nắm quyền, ông Traore đã ngay lập tức có những hành động để thay thế đồng minh phương Tây thân cận nhất của Burkina Faso và là nước chủ thuộc địa trước đây của nước ông là Pháp bằng Nga.
Mali và Niger, những nước lân bang giàu khoáng sản không kém của Burkina Faso, cũng đang tăng cường mối bang giao với Nga, đặc biệt là về hợp tác quân sự, đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc nổi dậy Hồi Giáo có liên quan đến al-Qaeda và ISIS.
Các chiến đấu cơ của Wagner có mặt ở cả Mali và Niger.
Mali là nước sản xuất vàng lớn thứ ba châu Phi.
Hôm 23/11, chính phủ quân phiệt nước này đã ký một thỏa thuận với Nga, trong đó bao gồm một dự án tinh luyện vàng ở thủ đô Bamako.
Bộ trưởng Tài chính Alousseni Sanou cho biết nhà máy tinh luyện này sẽ xử lý 200 tấn vàng mỗi năm.
Cùng ngày, chính phủ Burkina Faso đã khởi công xây dựng nhà máy tinh luyện vàng đầu tiên của nước này. Công ty đồng quản lý của nhà máy, Marena Gold, dự kiến năng lực sản xuất của họ sẽ đạt khoảng 880 pound (399.16 kg) vàng mỗi ngày.
Ông Traore cho biết số vàng này sẽ nằm dưới “toàn quyền kiểm soát” của Burkina Faso.
Tại lễ khởi công ở Ouagadougou, ông nói, “Từ lâu, vàng đã và đang là sản phẩm xuất cảng hàng đầu [của Burkina]. Nhưng chúng ta không kiểm soát được vàng … hôm nay chúng ta quyết định khai triển toàn bộ mạng lưới.”
Theo Mining Technology, một trang web giám sát sản xuất vàng toàn cầu, Trung Quốc sở hữu một lượng lớn những mỏ vàng ở Burkina Faso, tiếp theo là Úc, Nga, và Canada.
Niger, một đồng minh mạnh mẽ khác của Nga, là một trong những nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới.
Theo chính phủ Hoa Kỳ, kim loại này có thể được “làm giàu” thành những nồng độ có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân và các lò phản ứng hạt nhân vận hành tàu hải quân và tàu ngầm.
Khoáng chất này cũng có thể được sử dụng trong vũ khí hạt nhân, và uranium cạn kiệt (depleted uranium) có thể được sử dụng để che chắn bức xạ hoặc làm đạn trong vũ khí xuyên giáp.
Trong một bài diễn văn gần đây tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) ở Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Ghana Akufo-Addo cho rằng Hoa Kỳ đang không quan tâm đầy đủ đến một khu vực mà ông gọi là “hành lang Burkina.”
Ông Akufo-Addo cho rằng việc chính quyền ở Ouagadougou không kiểm soát được lãnh thổ của mình đã tạo ra một “cánh cửa mở” cho những kẻ khủng bố di chuyển vào 4 quốc gia phía nam: Benin, Ghana, Bờ Biển Ngà, và Togo.
Ông Ndiaye cho biết các chiến binh này đã tiến hành “các cuộc tấn công nghiêm trọng” ở Benin và Togo.
Để đáp lại, bốn quốc gia này đã tạo ra Sáng kiến Accra, một hệ thống an ninh mang tính cộng tác và liên doanh.
Ông cho biết sáng kiến này có ba điều cốt lõi: chia sẻ thông tin và tình báo; đào tạo nhân viên an ninh và tình báo; và tiến hành các hoạt động quân sự chung xuyên biên giới để duy trì an ninh biên giới.
Ông Akufo-Addo nói với USIP rằng ông đến Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp cho sứ mệnh cốt lõi của sáng kiến này: “Đóng cửa hành lang Burkina,” mặc dù không phải với sự trợ giúp của “quân đội” Mỹ.
Ông Akufo-Addo cảnh báo: “Các nhóm khủng bố đang trỗi dậy từng ngày khi họ tranh giành quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên hơn sau những thất bại ở những nơi khác trên thế giới.”
Ông nói rằng những kẻ thánh chiến này đã mang đến cho các thủ lĩnh đảo chính, hợp tác với Nga, “lý do hoàn hảo” để chiếm lấy quyền lực.
Ông Akufo-Addo cho biết lính đánh thuê Wagner giúp các chiến binh địa phương chống lại khủng bố không phải vì hòa bình, mà để giành lại quyền kiểm soát các khoáng mỏ.
Ông nêu ra rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Liên minh Âu Châu đã viện trợ 188 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 02/2022, trong khi tổng tài trợ an ninh cho vùng duyên hải Tây Phi trong cùng thời kỳ tổng cộng là 29.6 triệu USD.
Ông Akufo-Addo đã để lại cho khán giả Hoa Thịnh Đốn những lời này: “Chúng ta gần như không còn thời gian cùng nhau hợp tác để sửa chữa chủ nghĩa đa phương nữa.”
“Nếu như chúng ta không đổi mới các cam kết về xây dựng, duy trì, và củng cố hòa bình và dân chủ trên toàn thế giới, thì chúng ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần để sống trong một thế giới mới và nguy hiểm hơn.”
Ông Ndiaye lưu ý rằng Tổng thống Biden “không đề cập đến châu Phi” trong bài diễn văn tại Oval Office hôm 20/10, khi ông tuyên bố sẽ yêu cầu Quốc hội chi 61 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel, và 2 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Khi ở Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Akufo-Addo đã đưa ra quan điểm rằng các nền dân chủ ở Tây Phi là một phần của cùng một cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại sự tàn ác của chủ nghĩa khủng bố và chế độ độc tài mà Tổng thống Joe Biden nói đến khi đề cập đến Israel và Ukraine,” ông Ndiaye nói.
“Nga đang bắt đầu thống trị khu vực Sahel. Cho dù toàn bộ Tây Phi rơi vào tay Nga, hay là những kẻ khủng bố, hay là cả hai, thì điều đó đối với toàn thế giới cũng là tồi tệ như nhau vì cả hai nhóm này sẽ nắm quyền kiểm soát khối tài sản đồ sộ mà họ sẽ sử dụng để lan truyền sự tàn ác của mình và cuối cùng họ sẽ sử dụng sự tàn ác đó để chống lại Mỹ quốc và các đồng minh.”
Ông Ndiaye cho rằng việc Moscow tiến vào Burkina Faso không phải là nỗ lực đầu tiên để giành được chỗ đứng về hạt nhân ở châu Phi và đó sẽ không phải là nỗ lực cuối cùng.
Nam Phi hiện là quốc gia Phi Châu duy nhất sản xuất điện hạt nhân cho mục đích thương mại, nhưng nhiều quốc gia hơn trên lục địa này mà ít điện khí hóa nhất trên toàn cầu cũng đang đi theo hướng tương tự.
Năm 2017, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận cho Rosatom xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 30 tỷ USD tại El Dabaa, cách Cairo khoảng 280 dặm (250.6 km) về phía tây bắc. Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất điện vào năm 2026.
Cùng năm đó, Nga cũng ký một thỏa thuận xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân ở Nigeria, nhưng các dự án này vẫn chưa được khởi công.
Kenya cũng đã công bố các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2027 nhưng vẫn chưa quyết định được đối tác quốc tế.
Hồi tháng Chín, Rwanda — một đồng minh của phương Tây ở châu Phi — đã thông báo rằng công ty Dual Fluid Energy của Canada-Đức sẽ xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở nước này vào năm 2028.
Ông Chris Yelland, nhà phân tích năng lượng tại Johannesburg, nhận xét rằng, “Tất cả những dự án hạt nhân này ở châu Phi đều rất tốt cho Nga, nhưng có một viên ngọc quý mà ông Putin thực sự muốn có trên vương miện hạt nhân của mình” ở lục địa này: Nam Phi, quốc gia công nghiệp hóa nhất và giàu công nghệ nhất châu Phi.
Không phải là nhà lãnh đạo Nga không cố gắng lấp đầy khoảng trống này.
Hồi năm 2014, Tổng thống đương thời Jacob Zuma, một cựu giám đốc tình báo của Quốc hội Phi Châu (ANC) có nhiều mối liên hệ từ thời Liên Xô, đã ký một thỏa thuận bí mật với Rosatom để công ty này xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở nền kinh tế lớn thứ hai của châu Phi.
Nếu thành công, thì thỏa thuận trị giá 76 tỷ USD này sẽ là hợp đồng mua sắm lớn nhất từng được ký kết ở Nam Phi.
Các nhà kinh tế cho rằng điều này sẽ khiến nước này phụ thuộc vào Nga về kinh tế và năng lượng trong nhiều thập niên.
Các quan chức của Bộ Ngân khố và Tài chính, giới truyền thông, các nhóm xã hội dân sự, và các phán quyết của tòa án từ một cơ quan tư pháp Nam Phi phần lớn vẫn không có sự can thiệp chính trị, đã ngăn cản thỏa thuận này đạt được kết quả.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times