Khi các công ty năng lượng Âu Châu chuyển sang năng lượng tái tạo, các công ty Hoa Kỳ tăng nguồn cung cấp dầu, khí đốt
Giám đốc điều hành Chevron Mike Wirth cho biết: ‘Chúng ta đang sống trong thế giới thực và phải phân bổ vốn để đáp ứng nhu cầu của thế giới thực.’
Trong khi các công ty dầu khí Âu Châu như BP và Shell đang khuyến khích quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang công nghệ phong năng và quang năng, thì các công ty dầu mỏ lớn của Hoa Kỳ ExxonMobil và Chevron đã thực hiện các thương vụ thâu tóm lớn trong những tuần gần đây để bảo đảm rằng, trong một thế giới ngày càng bất ổn, nguồn cung dầu và khí đốt của họ tiếp tục trôi chảy.
Ông Ryan Yonk, nhà phân tích năng lượng và giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Chevron, ExxonMobil, và các công ty khác đang cố gắng bảo đảm rằng họ có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.”
Ông nói, việc Chevron mua Hess “cho phép họ tiếp cận một số địa điểm thuộc mảng kiến tạo Bakken ở North Dakota, cũng như một mỏ ở Guyana.”
Hôm 23/10, Chevron thông báo rằng họ đang mua lại toàn bộ cổ phiếu Hess với giá 53 tỷ USD. Ngoài khối Stabroek ở Guyana, tài sản đá phiến của Hess tại kiến tạo Bakken ở North Dakota lần lượt bổ sung vào các hoạt động của Chevron tại lưu vực Denver-Julesburg và lưu vực Permian ở Colorado và Texas.
Thương vụ này xảy ra chỉ hai tuần sau khi ExxonMobil mua Pioneer Natural Resources, cũng trong một giao dịch mua lại toàn bộ cổ phiếu với giá khoảng 60 tỷ USD. Vụ sáp nhập này kết hợp hơn 850,000 mẫu đất ròng của Pioneer ở lưu vực Midland của Texas với 570,000 mẫu đất ròng của ExxonMobil ở lưu vực Delaware và lưu vực Midland.
Một số nhà phân tích trong ngành nói rằng hành động này thể hiện mức độ tin cậy của các công ty dầu mỏ Hoa Kỳ rằng họ có một tương lai đầy hứa hẹn, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden, các tiểu bang thiên tả, và phong trào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) nhằm cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch.
Chuẩn bị để ‘đáp ứng nhu cầu thế giới thực’
Ông Benjamin Zycher, nhà kinh tế năng lượng và thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Bất cứ ai tin rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị ‘loại bỏ’ khỏi thị trường trong vài thập niên tới đều là đang tự dối mình.”
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự đoán nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng khiêm tốn nhưng ổn định ở mức 0.7% cho đến năm 2050. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành năng lượng tin rằng các dự báo của EIA là chưa đủ.
“Tôi không nghĩ họ đúng chút nào,” Giám đốc điều hành Chevron Mike Wirth cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tháng Chín. “Quý vị có thể xây dựng các kịch bản, nhưng chúng ta đang sống trong thế giới thực và phải phân bổ vốn để đáp ứng nhu cầu trong thế giới thực.”
Ông nói, Chevron sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu và khí đốt, đồng thời cho biết thêm rằng công ty của ông “đang không bán một sản phẩm xấu. Chúng tôi đang bán một sản phẩm tốt.”
Ông Wirth cho biết, mặc dù quan trọng là lượng khí thải thấp hơn nhưng không nên đánh đổi bằng việc tước đi nguồn năng lượng đáng tin cậy có giá cả phải chăng của thế giới.
Ngoài khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên, một số yếu tố khác đang thúc đẩy sự hợp nhất của ngành.
Ông Zycher cho biết, lãi suất cao hơn đã khiến việc gọi vốn trở nên khó khăn hơn đối với các công ty nhỏ hơn, so với những công ty đi vay là doanh nghiệp lớn hơn có thể tiếp cận thị trường vốn với chi phí thấp hơn.
Ông nói: “Tôi có cảm giác tiến bộ công nghệ đang diễn ra trong hoạt động thăm dò, khám phá, và sản xuất, và tiến bộ công nghệ như vậy có khả năng làm tăng lợi thế kinh tế quy mô.”
Ông Zycher cho biết còn có một yếu tố khác dẫn đến sự hợp nhất. “Cuộc tấn công chính trị vào các nhà sản xuất năng lượng hóa thạch đã tạo ra một nền kinh tế nhân tạo theo quy mô,” ông nói. “Các nhà sản xuất lớn hơn đang ở vị thế tốt hơn để chống lại các cuộc tấn công từ các cơ quan quản lý, kiện tụng, v.v.”
Các vụ kiện chống lại các công ty dầu khí cáo buộc tác hại từ sự nóng lên toàn cầu là vũ khí mới nhất được các nhà hoạt động khí hậu sử dụng để ngăn chặn hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng Chín, California đã đệ đơn kiện sâu rộng về khí hậu chống lại ExxonMobil, Shell, BP, ConocoPhillips, Chevron, và Viện Dầu Khí Hoa Kỳ, yêu cầu họ thanh toán các chi phí liên quan đến các hiện tượng thời tiết — từ mực nước biển dâng cao đến hạn hán và cháy rừng. Những nỗ lực của California trùng hợp với một số vụ kiện khác từ các tổ chức bất vụ lợi đưa ra cáo buộc tương tự.
Các hành động pháp lý chống lại ngành dầu khí bao gồm hủy bỏ các đường ống, ngăn chặn hoạt động thăm dò ngoài khơi ở Vịnh Mexico và các nơi khác, đồng thời thu hồi hợp đồng thuê giàn khoan ở Alaska. Quy định thường dẫn đến sự hợp nhất, vì các công ty lớn hơn có nhiều nguồn lực hơn để tự bảo vệ mình, trả chi phí pháp lý, và chịu được tổn thất về vốn do những sự hủy bỏ đó.
Hợp nhất giữa các công ty
Ngoài các thương vụ mua lại rầm rộ, việc hợp nhất đang diễn ra giữa các công ty thượng nguồn nhỏ hơn. Enverus, một công ty phân tích hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành, đã báo cáo rằng hai năm qua là một “cơn sốt M&A” khi chủ sở hữu cổ phần tư nhân bán các công ty thượng nguồn nhỏ hơn cho các công ty tư nhân lớn hơn.
“Bước hợp lý tiếp theo sau sự hợp nhất tư nhân này là các giao dịch giữa chính các công ty đại chúng với nhau,” Enverus đã dự đoán chính xác hồi tháng Tư. “Tất cả những diễn biến này dường như hướng tới một ngành công nghiệp ngày càng giống như thời trước đá phiến, trong bối cảnh các công ty lớn nhất và các công ty chủ yếu đang nắm giữ những nguồn tài nguyên tốt nhất, chi phí thấp nhất.”
Những công ty lớn nhất cũng đang thu được lợi ích từ hiệu quả của quy mô.
Ông Zycher cho biết: “Có một sự đa dạng giữa các mỏ và khu vực sản xuất trong đó tỷ lệ suy giảm, phát hiện mới, mở rộng mỏ, v.v. là không đồng nhất, do đó có thể có hiệu ứng ‘làm mịn’ hay hiệu quả từ việc hợp nhất.”
Vì tất cả những lý do này, mặt trời có thể sắp lặn trong những ngày tháng hoang tàn của hoạt động sản xuất đá phiến độc lập, khi các công ty cổ phần tư nhân đã tài trợ phần lớn cho sự bùng nổ đá phiến giờ đây đã bán hết cổ phần sở hữu của mình cho các đối thủ cạnh tranh lớn hơn. Cuộc cách mạng đá phiến đã đưa Hoa Kỳ trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất cách đây một thập niên, nhưng ngành này đã nổi tiếng là không ổn định, khi tiền tràn vào, dẫn đến tình trạng dư cung, giá giảm, và lợi nhuận thấp hơn hoặc, trong một số trường hợp, là phá sản.
Việc hợp nhất hiện nay dường như là một nỗ lực của toàn ngành nhằm xoa dịu chu kỳ bùng nổ và phá sản.
“Những gì chúng ta có thể thấy được rõ nhất là sự thừa nhận rằng những công ty đầu tư mạo hiểm để tìm ra mỏ khai thác đã có mặt trên thị trường được một thời gian, và khi điều đó trở nên khó thực hiện hơn cũng như khi các công ty cần ổn định khả năng sản xuất và khoan, thì họ sẵn sàng để mua lại những công ty gặp khó khăn đó,” ông Yonk nói. “Tôi không biết liệu điều đó có nghĩa là việc đầu tư mạo hiểm để tìm ra mỏ khai thác đã hoàn tất hay không, nhưng diễn biến đó chắc chắn có nghĩa là có mong muốn ổn định khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên; tôi nghĩ quý vị sẽ thấy sự hợp nhất đó diễn ra nhiều hơn nữa để cố gắng làm cho mọi thứ ổn định hơn đối với nguồn cung sản xuất.”
Tuy nhiên, diễn biến đó không hẳn có nghĩa là ngành công nghiệp dầu mỏ đang chuẩn bị sản xuất tổng khối lượng nhiều hơn. Trong những năm gần đây, người ta chú trọng đến việc trả lại tiền cho các cổ đông hơn là khoan giếng mới. Trong bối cảnh chính phủ ông Biden và Wall Street có ác cảm với ngành dầu khí và than đá, số lượng giàn khoan dầu vẫn ở mức thấp lịch sử.
EIA báo cáo hôm 25/10 rằng số lượng giàn khoan khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đang hoạt động đã giảm 24% kể từ đầu năm nay, với số lượng giàn khoan hiện đang hoạt động ít hơn 38 giàn.
EIA cho rằng sự sụt giảm này là do giá khí đốt tự nhiên giảm; tuy nhiên, số giàn khoan dầu ở khu vực Permian của Hoa Kỳ cũng theo mô hình tương tự, giảm từ 357 giàn khoan hồi tháng Năm xuống 305 giàn hôm 20/10.
Giá dầu thô đạt 118 USD/thùng vào tháng 06/2022, sau đó đã giảm trở lại khoảng 85 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dường như đang có xu hướng tăng khi Nga và Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng và nhiều nhà phân tích trong ngành dự đoán giá sẽ sớm đạt 100 USD/thùng.
Trong khi giá cao hơn sẽ khuyến khích các công ty dầu mỏ bỏ nhiều tiền hơn vào chi tiêu cho tài sản cố định, nhiều người vẫn tiếp tục lưỡng lự, thay vào đó lựa chọn tăng cường sản xuất từ các giếng hiện có hoặc khoan các giếng nông hơn, rẻ hơn. Các nhà quan sát thị trường hoài nghi rằng việc chi tiêu mạnh tay để mua lại các công ty khác đánh dấu xu hướng đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.
“Thay vì phải thực hiện việc thăm dò quy mô lớn và việc khoan tốn nhiều vốn, lựa chọn của họ là thâu tóm những công ty đã có năng lực sản xuất,” ông Yonk nói. “Chúng ta sẽ phải theo dõi xem [Chevron và Exxon] làm gì với hai thương vụ mua lại này, nhưng nếu họ chỉ muốn khai thác thêm, thì chúng ta có lẽ đã có thể thấy họ làm điều đó rồi.”
“Họ không mua lại các công ty thăm dò hoặc khoan mới; họ đã mua lại các công ty khác đã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.”
Hành động này cho thấy rằng, về tổng thể, sản lượng dầu khí của Hoa Kỳ có thể không nhận được sự thúc đẩy lớn.
‘Lời nguyền tài nguyên’
Một tác nhân phụ của sự hợp nhất này là sự trỗi dậy của Guyana — một quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé, nghèo khó — trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ toàn cầu. Guyana đã tổ chức đấu giá 14 dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi hồi tháng Chín.
Ngoài ra, Hess và ExxonMobil đã cùng nhau thực hiện hơn 30 phát hiện ở vùng biển ngoài khơi Guyana kể từ năm 2015. Sự bùng nổ dầu khí đang mang lại làn sóng tiền mặt — cho đến nay là 1.6 tỷ USD — đến một quốc gia nghèo trong lịch sử, với 40% dân số được cho là đang sống với mức dưới 5.50 USD mỗi ngày.
Ông Yonk nói: “Thông thường, lời nguyền tài nguyên đối với những nơi như Guyana rất hiếm khi có tác dụng đặc biệt tốt. Venezuela là một trường hợp điển hình; họ đã làm rất tốt trong một thời gian, sau đó họ có sự thay đổi chính trị khiến mọi chuyện không được tốt cho lắm.”
Venezuela, nước láng giềng phía tây của Guyana, đã trở nên giàu có nhờ các giếng dầu và khí đốt cho đến khi chuyển sang chủ nghĩa xã hội dưới thời Tổng thống Hugo Chavez vào những năm 1990. Kể từ đó, đất nước này chìm trong nạn tham nhũng, siêu lạm phát, giá dầu giảm, và tình trạng thiếu lương thực, nước uống, xăng dầu, và vật tư y tế nghiêm trọng. Khoảng một nửa trong số 28 triệu cư dân Venezuela hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và hơn 7 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước kể từ năm 2014.
Một phần lý do để đầu tư vào Guyana là các công ty lớn bị thu hút bởi hoạt động sản xuất gần quê nhà hơn, khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Đông Âu, và Á Châu. Do ngành dầu khí cần nhiều vốn nên sự ổn định là chìa khóa cho các khoản đầu tư mất nhiều năm hoặc nhiều thập niên để tạo ra lợi nhuận.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times