Kế hoạch kinh tế mới của Trung Quốc: Các doanh nghiệp nhà nước phải hình thành các đại công ty độc quyền
Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tập đoàn của Trung Quốc đang mở rộng và thành lập các trụ sở khu vực mới trên khắp Trung Quốc. Có vẻ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tăng sức mạnh các DNNN của mình và độc quyền hóa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Những nỗ lực này đang tàn phá các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc và khiến các công ty ngoại quốc khó cạnh tranh hơn.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã sử dụng các luật lệ và quy định tùy tiện để loại bỏ cạnh tranh ngoại quốc ra khỏi Trung Quốc, do đó tạo ra một môi trường thù địch cho các công ty ngoại quốc muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Các nhà bán lẻ quốc tế như Carrefour, Walmart, và Home Depot đang rời đi hoặc đã rời khỏi Trung Quốc.
Kể từ sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 hồi tháng Mười, các chính sách kinh tế cứng rắn hơn đang được đưa ra.
Trang tin NetEase của Trung Quốc đưa tin hôm 20/10 cho biết bảy công ty công nghiệp-quân sự quốc doanh đang mở các cơ sở ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, biến Cáp Nhĩ Tân thành một trung tâm phát triển và sản xuất thiết bị quân sự mới của Trung Quốc.
Sau đó, hôm 22/10, NetEase đưa tin cho biết rằng ĐCSTQ đang thành lập trụ sở khu vực mới cho các DNNN của mình tại tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, đây không phải là một trong những tỉnh phát triển nhất. Các công ty quốc doanh đó bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu, đường sắt, xây dựng, giáo dục, và kỹ thuật.
Trước đây NetEase đã đăng một số bài báo nói rằng ĐCSTQ đã chọn từ 7 đến 8 tập đoàn quốc doanh khác nhau và sẽ thiết lập các trụ sở mới cho tất cả các tập đoàn này trên khắp đất nước. NetEase có trụ sở tại Trung Quốc và phải tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của ĐCSTQ. Do đó, thông tin được đăng trong các bài báo cho thấy rằng ĐCSTQ không lo lắng về việc để lộ ra tham vọng của mình.
Tạo ra các tập đoàn độc quyền
Ông Mike Sun, một chiến lược gia đầu tư kỳ cựu của Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times, hành động hợp nhất các DNNN của ĐCSTQ là để cho phép họ phát triển ngày càng lớn mạnh và hình thành các tập đoàn độc quyền trong các ngành tương ứng. Ông Sun cho biết các DNNN này do các cơ quan trung ương kiểm soát trực tiếp, khác với các doanh nghiệp địa phương và cấp tỉnh do các chính quyền khu vực ở Trung Quốc điều hành.
Ông Sun gợi ý rằng chính quyền Trung Quốc không chỉ lấn át các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, và doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc, mà còn cả các doanh nghiệp thuộc chính quyền địa phương của ĐCSTQ. Ông cho hay, nhận định này phù hợp với tuyên bố của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của ĐCSTQ về “Mỗi doanh nghiệp một ngành, mỗi ngành một doanh nghiệp.” Nói cách khác, không nhất thiết phải có quá nhiều doanh nghiệp trong một ngành mà chỉ cần một, hai, hoặc ba doanh nghiệp tùy theo nhu cầu, là đủ. Ông nói, vì vậy, ĐCSTQ đang độc quyền các ngành công nghiệp và kiểm soát các ngành này.
Hồi tháng 06/2020, ĐCSTQ đã thông qua cái gọi là “Kế hoạch hành động ba năm cải cách doanh nghiệp nhà nước (2020-2022).” ĐCSTQ tuyên bố rằng các DNNN là nền tảng vật chất và chính trị quan trọng, và các doanh nghiệp đó dựa vào sức mạnh quyền lực cầm quyền của ĐCSTQ. Ông Sun giải thích, kế hoạch này được thực hiện để đặt nền móng cho Đại hội Đảng lần thứ 20, vừa kết thúc cách đây hơn ba tuần (16-22/10).
Theo ông Sun, tốc độ mở rộng của các DNNN của ĐCSTQ sẽ tăng lên trong 5 năm tới. Đồng thời, không gian tồn tại cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư ngoại quốc sẽ bị nén lại rất nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp và các khoản đầu tư phải rời bỏ Trung Quốc. Các DNNN đó đặc biệt chú trọng đến việc tạo công ăn việc làm khi họ chuyển đến. Điều này hạn chế khả năng điều hành các doanh nghiệp riêng của chính quyền địa phương ở Trung Quốc, và đó là kiểu tập trung chỉ tồn tại vào thời Mao Trạch Đông.
Bệnh viện do nhà nước điều hành
Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, bệnh viện công thường được chia thành hai loại: do nhà nước trung ương quản lý hoặc do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý. Bất kể quản lý như thế nào, thì nói chung các bệnh viện ở Trung Quốc là vì lợi nhuận, vì cả chính phủ địa phương lẫn trung ương đều có thu nhập từ chăm sóc sức khỏe.
Trong số các bệnh viện do trung ương quản lý, có một nhóm khác do các DNNN quản lý. Nhưng trái ngược với sự mở rộng của các DNNN trong các ngành khác, ĐCSTQ đã quyết định chuyển giao quyền quản lý các bệnh viện này cho chính quyền địa phương.
Một bài báo gần đây trên NetEase nói rằng Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ đã chuyển giao quyền quản lý mười bệnh viện quốc doanh cho các chính quyền địa phương. Các bệnh viện này đều nằm ở các thành phố lớn và có nguồn lực và trang thiết bị y tế vượt trội.
Theo ông Mike Sun, lý do thực sự khiến việc quản lý các bệnh viện đó bị chuyển giao là do những bệnh viện đó không thu được lợi nhuận trong những năm qua. Nói cách khác, ĐCSTQ đang chuyển giao các DNNN không thành công — trong trường hợp này là mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe — cho các chính quyền địa phương trong khi mở rộng các DNNN trong nhiều ngành công nghiệp sinh lời khác.
Ông Sun nói, vẫn khó có thể suy đoán được kết cục kinh tế của ĐCSTQ ở giai đoạn này là gì.
Phương hướng của nền kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong bốn thập niên qua theo chính sách “cải cách và mở cửa”, đặc biệt là trong hai thập niên gần đây sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Mike Sun nói, tuy nhiên, sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ gần đây, các chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ thay đổi; nhưng có lẽ nó sẽ không quay trở lại thời Mao khi kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế kế hoạch.
Ông Sun nói, “Nói cách khác, chính sách của ĐCSTQ là tham gia vào ‘hiện đại hóa Trung Quốc’, theo khẩu hiệu được sử dụng tại Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ. Chính sách ấy phải ở đâu đó giữa nền kinh tế kế hoạch thời Mao và các chính sách cải cách hiện tại dưới thời các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình và Hồ Cẩm Đào.”
Ông Sun cho biết một hướng chính sách kinh tế khác là khuyến khích đổi mới kỹ thuật cao. ĐCSTQ nhận thấy rằng Hoa Kỳ đang tìm cách cô lập lĩnh vực kỹ thuật của Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các sản phẩm của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ muốn tập trung nhân lực và vật lực vào việc đổi mới kỹ thuật bất kể cái giá phải trả. Quay trở lại sản xuất cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch của ĐCSTQ.
Ông Sun nói, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 20 năm qua, nhưng phần lớn trong số đó là kinh doanh địa ốc và kinh doanh trực tuyến, đây không phải là hướng mà ĐCSTQ muốn đi. Đặc biệt, lĩnh vực địa ốc đã trói buộc nền kinh tế Trung Quốc. Các căn chung cư trống rỗng và các công trình xây dựng dở dang trên khắp đất nước cho thấy nhu cầu về nhà ở đang giảm.
Tuy nhiên, hơn 100 ngành công nghiệp khác lại dựa vào phát triển địa ốc, điều này dẫn đến tình trạng ngành địa ốc hiện đang là trụ cột của một lĩnh vực đang mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc. Ngành địa ốc của Trung Quốc chiếm 20-30% GDP, là mối đe dọa rất lớn đối với ĐCSTQ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times