Jack Ma bị cấm xuất cảnh, Eggshell Apartment gặp khó khăn
Cách đây không lâu, việc đình chỉ đợt IPO cổ phiếu của Ant Group đã khiến báo giới tốn khá nhiều giấy mực. Gần đây giới thạo tin lại tiết lộ thêm nhiều nội tình liên quan tới Ant Group. Được biết, ông Tập Cận Bình ra đòn chí mạng với Ant Group vì phe cánh của Giang, thế lực thao túng đằng sau tập đoàn này, khiến ông Tập đứng ngồi không yên. Jack Ma tạm thời bị cấm xuất cảnh, tình cảnh vô cùng nguy khốn.
Dựa trên bản cáo bạch thì tuy đầu tư không nhiều nhưng thực tế Jack Ma lại là người điều hành công ty này. Nhiều cổ đông của Ant Financial có mối liên hệ với công ty đầu tư Boyu Capital của Giang Trí Thành, cháu nội Giang Trạch Dân.
Chính thế lực cổ đông thuộc phe Giang đứng đằng sau Ant Financial đã khiến Tập Cận Bình ra đòn quyết định vào phút chót. Jack Ma đã biết về việc này trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải nên mới cố ý “làm liều” trong cuộc họp đó để tìm lối thoát.
Nguồn tin cho biết, sau sự việc này, Jack Ma cảm thấy vô cùng bất ổn, ngoài việc tích cực nhận lỗi với các cơ quan liên quan và không ngừng bày tỏ thiện ý, lãnh đạo cao cấp của tập đoàn này cũng không ngừng tìm mọi cách thoát khỏi tình trạng hiện nay. Nhưng sự việc lần này không đơn giản chỉ dựa vào tiền là có thể giải quyết; việc ông Tập Cận Bình ấn nút “dừng” vào giây cuối cùng được cho là có ý tứ hết sức rõ ràng là muốn đánh vào thế lực đằng sau Jack Ma.
Tin tức nội bộ cũng truyền ra rằng, khi Vương Kỳ Sơn một lần nữa ‘xuất sơn’ giúp Tập Cận Bình, nhiệm vụ đầu tiên chính là chỉnh đốn thị trường chứng khoán, mà Ant Financial lại vừa vặn đụng vào thời điểm thực hiện.
Vương Kỳ Sơn cho rằng nghiệp vụ của Ant Financial không khác gì cho vay nặng lãi, ví dụ khi Ant Financial cho người tiêu dùng vay 1,000 nhân dân tệ (NDT), thực tế họ chỉ bỏ vốn 1% tương đương với 10 NDT, 990 NDT còn lại là do những ngân hàng hợp tác với họ đảm đương. Vương Kỳ Sơn lo ngại giá trị thị trường quá cao của cổ phiếu Ant Financial sẽ uy hiếp đến an ninh tài chính của Trung Quốc.
Việc giao quyền cho vay lớn nhất cho một doanh nghiệp tư nhân và thế lực chính trị đối lập đằng sau nó, đối với Tập Cận Bình mà nói là mối uy hiếp rất lớn và cũng không phù hợp với chiến lược kiểm soát toàn diện của ông ta. Nhóm cố vấn đa mưu túc trí của ông Tập cũng chỉ rõ Ant Financial là công ty cho vay nặng lãi với vỏ bề ngoài công nghệ cao, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sớm muộn cũng trở thành mối đe dọa lớn.
Tin đồn về dòng vốn của Eggshell Apartments bị đứt gãy
Cách đây vài ngày, ở những nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, … lan truyền nhiều tin không hay về công ty cho thuê căn hộ dài hạn Eggshell Apartments như: dòng vốn bị đứt gãy, ép buộc người thuê nhà ra khỏi nơi thuê, nợ lương nhân viên, …
Eggshell Apartments quản lý hơn 400,000 phòng ở Trung Quốc đại lục, đứng thứ hai trong các công ty cho thuê căn hộ dài hạn ở Trung Quốc.
Theo thông cáo Eggshell Apartments nộp cho Sở giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ tháng 10/2019 thì Ant Financial là nhà đầu tư chiến lược của công ty này với tỷ lệ nắm giữ 7.8% cổ phần. Eggshell Apartments vừa niêm yết thành công trên sàn chứng khoán New York, huy động được khoảng 978 triệu NDT vào ngày 17/01 năm nay.
Kết hợp với ngân hàng Webank của công ty Tencent nhưng Eggshell Apartments không hề cho khách biết khi ký hợp đồng rằng tiền thuê hàng tháng chính là “vay thuê nhà”. Khi công ty cho thuê căn hộ ngừng hoạt động, khách hàng không những bị chủ nhà đuổi ra ngoài, mà còn phải tiếp tục trả tiền “vay thuê nhà” hàng tháng cho ngân hàng.
Có cư dân mạng đăng tải video về xảy ra xung đột giữa khách thuê và chủ nhà. Eggshell Apartments lừa cả hai đầu, lừa chủ nhà rằng chấm dứt hợp đồng là có thể cho khách thuê ra, lừa khách thuê rằng dù chủ nhà chấm dứt hợp đồng thì vẫn có quyền tiếp tục ở.
Có cư dân mạng sau khi xem sự kiện tài chính hai năm vừa qua của Trung Quốc đã đăng tải thông tin: “Tôi đi xe không đụng phải OFO (xe đạp), gọi đồ uống không gọi Cà phê Luckin, mua bán cổ phiếu không theo dấu Kangmei, đầu tư nhỏ tránh được P2P, đến mạt chược cũng không chơi, kết quả chỉ đơn giản thuê một căn nhà, lại lập tức thấy mình bước vào một bãi mìn.”
Một kế hoạch lừa đảo theo mô hình Ponzi
Các công ty cho thuê căn hộ dài hạn thuê lại nhà của chủ sở hữu, sửa sang cải tạo, trang bị nội thất, sau đó cho người đi làm thuê lại dưới dạng phòng đơn.
Về bản chất, “cho thuê căn hộ dài hạn” ở Trung Quốc là sự kết hợp giữa mô hình bất động sản và tài chính, về kinh doanh thực chất là công ty môi giới, về phương diện vận hành vốn và kinh doanh thì áp dụng “cho thuê giá cao đi thuê giá thấp, thu dài trả ngắn”. Tức là, cho thuê nhà với giá cao hơn giá thị trường, thu tiền thuê của khách theo kỳ nửa năm/một năm; nhưng lại thuê từ chủ nhà với giá thấp và thanh toán theo tháng/quý. Khách thuê làm thủ tục vay từ một tổ chức tài chính và sẽ trả nợ hàng tháng cho tổ chức tài chính này; tổ chức tài chính sẽ trả trước cho công ty tiền thuê nhà nửa năm/một năm cùng tiền đặt cọc. Công ty cho thuê có thể lợi dụng khoản trả trước này để mở rộng quy mô hoặc tiến hành tái đầu tư.
Tiến sĩ kinh tế học Dương Hiện Lĩnh, người sáng lập viện nghiên cứu Không Bạch nhìn nhận: Công ty cho thuê nhà thông qua khoản vay để thu trước tiền thuê nửa năm/một năm, nhờ đó mà tăng thêm tỷ lệ đòn bẩy để mở rộng kinh doanh. Vấn đề then chốt ở đây là mặc dù ở trong tình trạng áp dụng tỷ lệ đòn bẩy quá cao, mở rộng quy mô quá nhanh, tích trữ lượng nhà lớn, thậm chí rơi vào cạnh tranh không lành mạnh, nhưng các công ty này lại không có được khả năng quản lý tương xứng.
Ở đây có hai yếu tố liên quan tới “Mô hình Ponzi”. Yếu tố đầu tiên là để đạt được nguồn phòng số lượng lớn, công ty môi giới hứa hẹn sẽ trả giá thuê cao cho chủ nhà. Thứ hai là mô hình “dỡ tường đông bù tường tây”, sau khi tiền vốn của các công ty môi giới lâm vào tình trạng lượng vào chẳng bằng lượng ra, bong bóng lừa đảo bị vỡ sẽ khiến lượng lớn nhà đầu tư và khách thuê bị tổn thất.
P2P tái hiện, pháp luật của Trung Cộng không bảo vệ người bị hại
Người ta không thấy chính quyền Trung Cộng có hành động gì đối với các tố cáo của chủ nhà và khách thuê của Eggshell Apartments; khách thuê báo cảnh sát hoặc không được hồi âm, hoặc cảnh sát nói “các vị tự giải quyết”.
Điều này làm người ta liên tưởng tới việc sau khi chương trình cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến bùng nổ, chỉ trong một đêm mấy triệu người dân đã trở thành “dân tị nạn tài chính”. Hàng chục nghìn tỷ NDT của người dân bị biến thành tiền bất chính nước ngoài của tập đoàn lợi ích Trung Cộng, người dân vì bảo vệ quyền lợi của mình mà bị Trung Cộng bắt giữ và chèn ép với danh nghĩa duy trì sự ổn định.
Sự kiện P2P từng được bên ngoài cho rằng là do chính phủ Trung Cộng dẫn đầu, lấy danh nghĩa “cải cách tài chính” để phát động kế hoạch lừa đảo; quá trình này còn được đài truyền hình trung ương và các quan chức Trung Cộng trợ giúp về mặt uy tín.
Hôm nay, dường như tình cảnh P2P đang tái hiện, chỉ là chuyển từ tài chính sang thị trường cho thuê phòng. Tại sao ở Trung Quốc càng ngày càng xuất hiện nhiều “Mô hình Ponzi” như vậy?
Thể chế của Trung Cộng một tay tạo ra “Mô hình Ponzi”
Mô hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc là “Đầu tư – vay tín dụng – nợ”, khi chủ thể của thị trường xuất hiện khủng hoảng nợ thì có thể gây ra chuỗi phản ứng dây chuyền, khủng hoảng từ doanh nghiệp truyền tới các tổ chức tài chính và nhân viên, sau đó đến thị trường tiêu dùng, kết quả Trung Cộng không cách nào đảm bảo cho nền kinh tế ổn định. Hơn nữa phương pháp hiện tại họ dùng để giải quyết khủng hoảng của thị trường chủ thể chính là chuyển dịch rủi ro.
Lấy Evergrande Group làm ví dụ, Trung Cộng trước tiên là chuyển dịch rủi ro nợ chủ thể cho nhiều nhà đầu tư chiến lược, tiếp đó thông qua các tổ chức tài chính như ngân hàng … để ổn định dòng tiền mặt của những doanh nghiệp này, rủi ro này từ đó lại truyền tới ngân hàng và hệ thống tài chính. Khi nợ xấu ở hệ thống tài chính tăng lên, Trung Cộng lại cho phép các công ty quản lý tài sản nhà nước tiếp nhận các khoản nợ xấu này và chuyển vào “tài khoản chung” của Bộ Tài chính, trở thành cái gọi là “nợ chính phủ”. Sau khi chuyển dịch tầng tầng lớp lớp, cuối cùng các khoản nợ sẽ được giải quyết thông qua việc thu thuế và in tiền giấy của chính quyền; đây là bước cuối cùng của “Mô hình Ponzi”, làm cho toàn bộ người dân Trung Quốc đều phải trả giá vì sự thất bại của nó.
Đối diện với sự hỗn loạn trên thị trường vốn của Trung Quốc, tháng 11/2019 cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Trung Cộng Lâu Kế Vĩ từng bày tỏ, thị trường vốn Trung Quốc đang tồn tại lượng lớn “Mô hình Ponzi”, bao gồm “Ponzi tài chính” và “Ponzi đầu tư”, …
Ngày 24/10, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong bài phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải” đã tuyên bố, tài chính là nòng cốt của kinh tế hiện đại, và nhấn mạnh nền tài chính Trung Quốc không thể đi lệch theo con đường đầu cơ đánh bạc, không thể đi theo đường tồi tệ của “Mô hình Ponzi”.
Lời nói của ông Vương rõ ràng không phải tùy tiện mà phát ngôn, sự lo lắng và cảnh báo này chính là đang chứng minh việc tài chính Trung Quốc đang đi theo con đường tồi tệ của Mô hình Ponzi, và con đường này chính là do thể chế toàn trị của Trung Cộng tạo ra.
Lian Shuhua
Thanh Mai biên dịch
Xem thêm: