Israel và Lebanon ký kết thỏa thuận biên giới trên biển
HAIFA, Israel — Hôm 27/10, Israel và Lebanon đã ký một thỏa thuận lãnh hải nhằm giải quyết vấn đề biên giới trên biển giữa hai quốc gia vốn không có mối bang giao và đã chính thức rơi vào tình trạng chiến tranh trong nhiều thập niên.
Theo các quan chức Israel và Lebanon, thỏa thuận này, mở ra khả năng khai thác khí đốt tự nhiên bổ sung ở Địa Trung Hải vào thời điểm dòng năng lượng toàn cầu bị gián đoạn, đã được thông qua lần cuối cùng hôm 11/10.
Thủ tướng Israel Yair Lapid và Tổng thống Lebanon Michel Aoun đều ca ngợi thỏa thuận do Hoa Kỳ làm trung gian này.
Ông Lapid cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này là một “thành tựu mang tính lịch sử sẽ tăng cường an ninh cho Israel, sẽ mang lại hàng tỷ dollar cho nền kinh tế của Israel, và bảo đảm sự ổn định ở biên giới phía bắc,” trong khi ông Aoun viết trên Twitter hôm 13/10 rằng đó “là một thành tựu mang tính lịch sử bởi vì chúng tôi đã có thể phục hồi một khu vực 860 km vuông vốn là đối tượng của một cuộc tranh chấp.”
Ông Aoun đã phê chuẩn thỏa thuận này trong một bức thư được ký ở Baada, Lebanon, sau đó là chữ ký của ông Lapid trên một bản sao riêng biệt ở Jerusalem. Một buổi lễ bàn giao của các quan chức cấp thấp hơn đã diễn ra tại một căn cứ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Naqoura, Lebanon, dọc theo biên giới.
Việc khai thác khí đốt đã bắt đầu từ ngày hôm trước
Energean, một công ty thăm dò và khai thác năng lượng có trụ sở tại London, cho biết họ đã bắt đầu khai thác khí đốt hôm 26/10 tại mỏ khí đốt Karish ngoài khơi, nằm gần biên giới giữa Israel và Lebanon.
Thỏa thuận này đặt mỏ Karish bên trong lãnh thổ Israel, đồng thời cung cấp cho Lebanon toàn quyền phát triển các mỏ Qana hoặc Sidon gần đó.
Công ty Energean viết trên Twitter hôm 26/10, “Chúng tôi đã có được dòng khí đốt đầu tiên tại Karish. Khí đốt sẽ chảy qua bể chứa nổi (FPSO) duy nhất của chúng tôi để mang lại sự cạnh tranh trên thị trường năng lượng, sự phát triển bền vững & an ninh năng lượng cho khu vực và hơn thế nữa.”
‘Cả hai quốc gia cùng lúc khai thác khí đốt’
Ông Elias Bou Saab, phó Chủ tịch Nghị viện Lebanon, từng là nhà đàm phán hàng đầu của Lebanon, nói với CNN hôm 11/10, “Còn gì có thể bảo đảm sự ổn định ở biên giới hơn là việc cả hai quốc gia cùng khai thác khí đốt.”
Ông Amos Hochstein, đặc phái viên Hoa Kỳ làm trung gian cho cuộc đàm phán nói trên, nói với các phóng viên rằng ông hy vọng thỏa thuận này sẽ được duy trì ngay cả trong bối cảnh thay đổi lãnh đạo ở cả hai nước. Ông đã đề cập đến cuộc bầu cử hôm 01/11 ở Israel và việc ông Aoun sẽ kết thúc nhiệm kỳ hôm 31/10, nói rằng hiệp định này nên được duy trì “bất kể vị tổng thống tiếp theo của Lebanon được bầu trong thời gian sớm là ai.”
Vài giờ trước khi ký kết, ông Lapid viết trên Twitter: “Đây là một thành tựu chính trị — không phải lúc nào một quốc gia đối địch cũng công nhận Nhà nước Israel, trong một thỏa thuận bằng văn bản, trước toàn thể cộng đồng quốc tế.”
Hồi đầu tháng này, ông Benjamin Netanyahu, cựu thủ tướng Israel và hiện là lãnh đạo phe đối lập, cho biết ông Lapid đã đầu hàng một cách đáng xấu hổ trước những lời đe dọa của thủ lĩnh khủng bố Hezbollah Hassan Nasrallah và rằng thỏa thuận này không ràng buộc với ông Nasrallah nếu ông ấy được bầu làm thủ tướng.
Ông Nasrallah tuyên bố hôm 27/10, theo một tweet của ông Roi Kais, phóng viên các vấn đề Ả Rập của kênh truyền hình Kan 11 thuộc sở hữu của nhà nước Israel, “Nhiệm vụ này đã kết thúc. Những gì đã xảy ra liên quan đến việc đánh dấu biên giới trên biển từ đầu đến cuối và kết quả là một chiến thắng rất lớn cho Lebanon.”
Ông Aoun cho biết thỏa thuận này hoàn toàn là “về mặt kỹ thuật” và sẽ “không có các khía cạnh chính trị hoặc tác động trái ngược với chính sách ngoại giao của Lebanon.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Tom Ozimek
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times