Indonesia muốn Trung Quốc giúp đỡ bù đắp cho chi phí vượt mức của dự án đường sắt cao tốc BRI
Indonesia sẽ tìm kiếm thêm sự cung cấp tài chính từ Trung Quốc để bù đắp cho phần lớn trong khoản chi phí 2 tỷ USD vượt mức của dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, một phần trong kế hoạch cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, truyền thông địa phương đưa tin dẫn lời một quan chức dự án cho biết.
Dự án đường sắt dài 88 dặm (142 km) kết nối Jakarta và Bandung được dự kiến trị giá khoảng 4.57 tỷ USD khi nó được trao cho một liên doanh gồm các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và Indonesia — tên là PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) — trong năm 2015. Nhưng chi phí từ đó đã tăng vọt lên khoảng 7.9 tỷ USD bởi giá nguyên liệu thô tăng cao và các chi phí không lường trước được khác.
Theo hãng thông tấn Tempo của Indonesia, ông Dwiyana Slamet Riyadi, chủ tịch của PT KCIC, cho biết hôm 21/04 rằng trong khi các cổ đông của liên doanh có “nghĩa vụ” bù đắp sự bùng nổ chi phí này, nhưng có thể vẫn cần có các bên khác để hỗ trợ bảo đảm nguồn vốn.
“Nếu PSBI [PT Pilar Sinergi BUMN Indonesia] và Beijing Yawan HSR [ Công ty Đường sắt Nhã Vạn Bắc Kinh] gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn [để chi tiêu thêm], cả hai công ty này có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ,” ông Dwiyana cho biết.
Ông cho rằng chính phủ Indonesia đã đề nghị trong một số cuộc họp về việc sử dụng cơ cấu tài chính tương tự như hiệp định ban đầu, với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CBD) chịu 75% và liên doanh nói trên chịu 25% [chi phí].
“Tất nhiên, khoản tiền đầu tiên sẽ do CBD cung cấp, đó là tổ chức cho vay đã và đang tài trợ cho 75% dự án của chúng tôi,” ông Dwiyana nói.
Liên doanh Indonesia này bao gồm bốn công ty nhà nước — KAI, Wijaya Karya, PTPN VII, và Jasa Marga — nắm giữ 60% cổ phần của KCIC, trong khi 40% còn lại được sở hữu bởi một liên doanh các công ty đường sắt Trung Quốc do Công ty Đường sắt Nhã Vạn Bắc Kinh (Beijing Yawan HSR) đứng đầu.
Tuyến đường sắt cao tốc này đã đối mặt với các tin tức xấu về lợi nhuận đầu tư hồi tháng Một sau khi Thủ tướng Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng chính phủ sẽ di dời thủ đô nước này từ Jakarta tới Đông Kalimantan năm 2024.
Trong tháng Hai, ông Dwiyana ước tính rằng giờ đây sẽ mất 40 năm thay vì 20 năm để tuyến đường sắt này hòa vốn, với giá vé đưa ra từ 150,000 rupiah (10 USD) đến 350,000 rupiah (24 USD) — mức giá ngoài khả năng chi trả của nhiều người Indonesia.
Ông nói rằng nhu cầu dự kiến cho tuyến đường sắt này đã giảm từ số lượng ước tính lúc trước ở mức 61,157 hành khách mỗi ngày xuống còn 31,215 khách do thủ đô di dời khỏi Jakarta.
“Nhìn vào giá trị đầu tư, số lượng hành khách, và giá vé, rất khó để tuân theo nghiên cứu về tính khả thi trước đó trong đó lợi nhuận đầu tư được giả định sẽ xảy ra trong 20 năm,” ông Dwiyana nói.
Dự án đã được khai triển năm 2018 sau gần ba năm trì hoãn vì tranh chấp về quyền sở hữu đất và các chất vấn về tác động kinh tế và môi trường của mình. Quá trình xây dựng cũng đã tạm ngưng trong suốt sáu tháng đầu của đại địch COVID-19 khi các hạn chế ảnh hưởng đến sự đi lại của người lao động và các quản lý người Trung Quốc.
KCIC cho biết tiến độ xây dựng đã đạt tới 80% vào cuối năm 2021, và sẽ hoàn thành theo mục tiêu vào tháng 06/2023.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: