IEA: Thế giới đang ở trong ‘Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên’
SINGAPORE — Hôm thứ Ba (25/10), người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bị thắt chặt trên toàn thế giới và các nhà sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung đã đưa thế giới vào giữa “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên.”
Tại Tuần lễ năng lượng quốc tế Singapore, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết nhập cảng LNG gia tăng sang Âu Châu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và sự phục hồi tiềm năng của nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ thắt chặt thị trường khi chỉ có 20 tỷ mét khối công suất LNG mới sẽ được tung ra thị trường vào năm tới.
Ông Birol nói, đồng thời, quyết định gần đây của Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ, được gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (bpd) là một quyết định “đầy rủi ro” vì IEA nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay.
“(Điều đó) đặc biệt rủi ro vì một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái, nếu chúng ta đang nói về suy thoái toàn cầu … Tôi thấy quyết định này thực sự đáng tiếc,” ông nói.
Giá cả toàn cầu tăng vọt ở một số nguồn năng lượng, trong đó có dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và than đá, đang tác động đến người tiêu dùng đồng thời họ đang phải đối phó với lạm phát thực phẩm và dịch vụ gia tăng. Giá cả tăng cao và khả năng phải phân phối lại năng lượng có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng Âu Châu khi họ chuẩn bị bước vào mùa đông Bắc bán cầu.
Ông Birol cho biết Âu Châu có thể vượt qua mùa đông này, mặc dù có phần khó khăn, nếu thời tiết vẫn ôn hòa.
Ông nói thêm: “Trừ khi chúng ta sẽ có một mùa đông khắc nghiệt và kéo dài, trừ khi có điều bất ngờ nào đó về những gì chúng ta đã chứng kiến, ví dụ như vụ nổ đường ống Nord Stream, thì Âu Châu sẽ phải trải qua mùa đông này với một số tổn thương về kinh tế và xã hội.”
Đối với dầu mỏ, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 1.7 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vì vậy thế giới sẽ vẫn cần nguồn dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu, ông Birol cho biết.
Các quốc gia G7 đã đề xướng một cơ chế cho phép các quốc gia đang phát triển mua dầu của Nga nhưng với giá thấp hơn để giới hạn doanh thu của Moscow sau khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Birol cho biết kế hoạch này vẫn còn nhiều chi tiết cần hoàn thiện và sẽ cần có sự hỗ trợ của các quốc gia nhập cảng dầu lớn.
Hồi tuần trước (17-23/10), một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói với hãng thông tấn Reuters rằng không có gì vô lý khi tin rằng có tới 80%-90% dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy ra ngoài cơ chế giá trần nếu Moscow tìm cách thả nổi nó.
“Tôi nghĩ điều này là tốt vì thế giới vẫn cần dầu của Nga đổ vào thị trường lúc này. 80%-90% là mức hợp lý và đáng khích lệ để đáp ứng được nhu cầu,” ông Birol nói.
Bản tin có sự đóng góp Reuters do Emily Chow và Muyu Xu thực hiện
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times