IEA đề xướng các ngày Chủ Nhật không xe hơi nhằm giảm tiêu thụ xăng dầu
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc áp dụng kế hoạch 10 điểm bao gồm các ngày Chủ Nhật không có xe hơi sẽ loại bỏ mức tiêu thụ 2.7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng bốn tháng nếu được các quốc gia tiên tiến thực hiện đầy đủ để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine .
IEA cho biết trong một tuyên bố, “Nếu được thực hiện đầy đủ ở các nền kinh tế tiên tiến, các biện pháp được đề xướng bởi ‘Kế hoạch 10 Điểm về Cắt giảm Sử dụng Dầu’ mới của IEA sẽ làm giảm nhu cầu dầu 2.7 triệu thùng/ngày trong vòng bốn tháng, tương đương với nhu cầu dầu đối với tất cả xe hơi ở Trung Quốc.”
“Điều này sẽ làm giảm đáng kể những căng thẳng tiềm ẩn vào thời điểm mà một lượng lớn nguồn cung cấp của Nga có thể không còn tiếp cận thị trường và mùa nhu cầu cao điểm của tháng Bảy và tháng Tám đang đến gần. Các biện pháp này sẽ có tác động lớn hơn nữa nếu được áp dụng một phần hoặc toàn bộ ở các nền kinh tế mới nổi.”
Theo IEA, việc áp dụng kế hoạch ngay bây giờ, để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã đặt dấu hỏi đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga, cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của nền kinh tế thế giới từ nền tảng năng lượng hóa thạch sang nền tảng nguồn năng lượng tái tạo và mạng lưới phát thải carbon bằng không vào năm 2050.
IEA được thành lập vào năm 1974 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ OPEC năm 1973 theo khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris. Hoa Kỳ là một trong 31 quốc gia thành viên của IEA.
Kế hoạch 10 điểm của IEA bao gồm giảm giới hạn tốc độ ít nhất 6 dặm/giờ, làm cho phương tiện giao thông công cộng trở nên có giá cả phải chăng hơn, khuyến khích đi bộ và đi xe đạp nhiều hơn, cấm xe hơi và xe tải vào các thành phố lớn vào Chủ Nhật, chỉ cho phép lái xe bằng giấy phép theo lịch trình ngày lẻ/ngày chẵn, làm việc tại nhà ít nhất ba ngày mỗi tuần, khuyến khích đi chung xe, thúc đẩy chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, đẩy nhanh việc áp dụng Xe điện (EV), sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì phi cơ và tránh đi công tác bất cứ khi nào có thể.
Mức tiết kiệm được tuyên bố là 2.7 triệu thùng dầu mỗi ngày ở các quốc gia tiên tiến. Con số này so với mức tiêu thụ gần 20 triệu thùng mỗi ngày của Hoa Kỳ, với tổng cộng là 7.22 tỷ thùng vào năm 2021, theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ, quốc gia xuất cảng năng lượng ròng trước năm 2021, đã nhập cảng hơn 700,000 thùng dầu của Nga vào năm 2021. Hồi đầu tháng này (03/2022), Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga vào Hoa Kỳ.
Bộ Năng lượng ước tính rằng doanh số bán dầu của Nga, chủ yếu đến Âu Châu và Trung Quốc, có thể giảm tới 2.5 triệu thùng mỗi ngày, nhưng cơ quan này tuyên bố rằng “tổn thất có thể tăng lên nếu các hạn chế hoặc sự lên án của công chúng leo thang. Có khả năng sẽ xảy ra một khoảng thời gian biến động kéo dài đối với thị trường.”
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm được cho là đã bày tỏ sự hào hứng với kế hoạch của IEA vào đầu tuần này trong cuộc họp cấp bộ trưởng ở Paris của cơ quan này.
Tuy nhiên, kế hoạch của IEA đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên Quốc hội và các chuyên gia năng lượng Hoa Kỳ, những người coi nó là phi thực tế và có khả năng tập trung hơn nữa các bộ máy quan liêu kém hiệu quả ở các quốc gia phương Tây lớn.
Dân biểu Gary Palmer (Cộng Hòa-Alaska), một thành viên của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, nói với The Epoch Times: “Thật là vô lý nếu người Mỹ bỏ qua việc lái xe đến nhà thờ vào Chủ Nhật hoặc nếu đề nghị quay lại chế độ phong tỏa theo kiểu COVID với những người làm việc tại nhà trong phần lớn tuần làm việc.”
“Cách tiếp cận đúng là khuyến khích Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta tăng sản lượng dầu trong nước. Nước Mỹ được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn cho phép chúng ta sản xuất năng lượng giá cả phải chăng với lượng khí thải thấp hơn Nga. Vào thời điểm như thế này, chúng ta nên giải phóng những nguồn lực đó và bỏ qua những mánh lới quảng cáo như giảm giới hạn tốc độ trên các tuyến đường liên tiểu bang.”
Ông Palmer lưu ý rằng kế hoạch 10 điểm có khả năng củng cố quan điểm rằng “những người tại IEA hoàn toàn xa rời thực tế.”
Ông nói, “Bất cứ ai đưa ra đề nghị này nên được miễn nhiệm ngay lập tức.”
Dân biểu Tim Walberg (Cộng Hòa-Michigan) nói với The Epoch Times rằng “cũng giống như chính sách chống năng lượng của chính phủ Tổng thống Biden, các khuyến nghị của IEA không phù hợp với thực tế — đặc biệt là đối với các cộng đồng nông thôn mà tôi đại diện.”
“Tư duy tập trung vào trừng phạt người tiêu dùng hơn là tận dụng nguồn năng lượng dồi dào của chúng ta chính xác là lạc hậu. Câu trả lời rõ ràng cho cuộc khủng hoảng năng lượng này là tăng cường nguồn cung trong nước và giành lại sự độc lập về năng lượng của Mỹ.”
Phó Chủ tịch cao cấp của Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) Dan Kish nói với The Epoch Times rằng IEA “đã trở thành một phần lớn của vấn đề đối với các quốc gia phương Tây mà cơ quan này được cho là đại diện.”
Ông Kish nói: “Họ đại diện cho cách tiếp cận tập thể của Âu Châu, tập trung vào việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và giáo điều khí hậu có lợi cho Trung Quốc. Kế hoạch 10 điểm có thể được tóm tắt trong cách tiếp cận chỉ huy và điều khiển của họ: ‘Các quy định và luật lệ bắt buộc của chính phủ đã được chứng minh là rất hiệu quả để thực hiện thành công các biện pháp này ở các quốc gia và thành phố khác nhau, kết hợp với các chiến dịch nâng cao nhận thức và thông tin công cộng.’”
“Không thiếu dầu; trữ lượng đã được thế giới chứng minh đang ở mức cao chưa từng có. Nếu IEA tập trung vào tên gọi của nó — năng lượng — thay vì ‘phi năng lượng’, như cách làm của họ, thì thế giới sẽ là một nơi tốt hơn, an toàn hơn, an ninh hơn. Cho đến nay, tất cả những gì họ làm là gây ra vấn đề và sau đó đề nghị các giải pháp để tăng quyền lực của họ. “
Bà Katie Tubb, nhà phân tích chính sách cao cấp của Viện Roe về Nghiên cứu Chính sách Kinh tế của Heritage Foundation, nói với The Epoch Times rằng kế hoạch của IEA nên được nhìn nhận từ cả góc độ ngắn hạn và dài hạn.
Bà Tubb nói: “Việc nhấn mạnh nhu cầu tiêu dùng giảm đối với dầu trong thời gian tới là một cách thận trọng trong việc chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng trong tương lai gần nếu Nga quyết định không cung cấp cho Âu Châu nữa.”
“Chắc chắn với tư cách là một cá nhân, tôi cũng cần phải thận trọng khi nghĩ cách thay đổi hành vi của mình để đối phó với tình huống đó trong ngắn hạn, nhưng ở góc độ dài hạn hơn về những gì IEA đang cố gắng thông báo cho cả các nhà hoạch định chính sách và thị trường, tôi nghĩ nó hoàn toàn phi lý.”
“Đó là muối bỏ biển, và hoàn toàn không thực tế theo như dự đoán của bất kỳ ai về dầu — cả về sản lượng và nhu cầu — cho tới năm 2050. Tôi không nghĩ rằng có ai đang mong đợi nhu cầu về dầu biến mất. Cầu dự kiến sẽ tăng lên, và đó là thực tế mà chúng ta đang phải đối diện.”
Phát ngôn viên của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), Liên đoàn Cử tri Phái bảo tồn truyền thống (LCV) và Chính sách Ngoại giao cho Hoa Kỳ (Foreign Policy for America) đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times. Các phát ngôn viên của bốn thành viên Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện — các Dân biểu Tom Malinowski (Dân Chủ-New Jersey), Jason Crow (Dân Chủ-Colorado), Jim Langevin (Dân Chủ-Rhode Island), và Chrissy Houlahan (Dân Chủ-Pennsylvania) — cũng không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: