Huyền thoại còn vương vấn John Brown: Là kẻ tử vì đạo hay là một kẻ điên
John Brown đã mở toang cánh cổng địa ngục cho thị trấn này – và cho cả đất nước. Là một gã đàn ông thiếu khả năng kiên nhẫn trong chính trị, luật pháp, tranh luận và niềm tin tín ngưỡng trên con đường tiến đến sự chấm dứt của chế độ nô lệ, John Brown dường như là một sự pha trộn của rất nhiều các phẩm chất đã được Merrill Peterson tìm thấy: một người sùng đạo, một kẻ cuồng tín, một kẻ kiếm tìm công lý, một người tự cho mình nắm giữ công lý trong túi áo, một anh hùng, và một kẻ tạo ác.
Chủ nhật ngày 16/10/1859. Một cơn mưa nhè nhẹ đổ xuống thị trấn Harper’s Ferry ở Virginia, cả thị trấn đang ngủ yên và chìm trong đêm tối.
Tên của thị trấn đã mất đi dấu huyền vào năm 1891, và trước đó, vào năm 1863, thị trấn này tự biến mình thành một phần của West Virginia, như là một tiểu bang duy nhất tách khỏi Hiệp bang miền Nam.
Nhưng trước khi những thay đổi này xảy đến, vào cái đêm năm 1859 ấy, một băng nhóm gồm 21 kẻ đột kích có vũ trang, dẫn đầu bởi một người đàn ông lớn tuổi có bộ râu trắng, đã mở toang cánh cổng địa ngục cho thị trấn này – và cho cả đất nước.
Họ đã bắt cóc rất nhiều người có vị thế [trong thị trấn], gồm cả chủ nô Lewis Washington, người họ hàng xa của vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Họ đã cắt đường dây điện báo trong và ngoài thị trấn, chiếm giữ kho vũ khí của liên bang và một khẩu súng trường, và tuyên bố với rất nhiều người dân rằng có một cuộc nổi dậy đang sắp nổ ra.
Trớ trêu thay, trong nỗ lực châm ngòi cho một cuộc nổi dậy của nô lệ, nạn nhân đầu tiên lại là một người đàn ông da đen đã được trả tự do, Heyward Shepherd, người làm việc cho hãng đường sắt, bị bắn bởi một tên đột kích khi đang điều tra việc chậm trễ của chuyến tàu do người của Brown chặn lại.
Mặc cho mọi nỗ lực ngăn chặn thông tin của nhóm những kẻ đột kích này, thông tin về vụ đột kích bạo lực này đã nhanh chóng được lan truyền. Đến trưa ngày thứ Hai, người đàn ông lớn tuổi mà [trước đây] đã tự tuyên bố rằng “nhân danh Đức Jehovah Vĩ Đại”, cùng những người đi theo ông ta và còn sống sót, đã bị hàng trăm dân làng với quân trang phẫn nộ giăng bẫy và bao vây tại một nhà máy cạnh kho vũ khí.
Sớm ngày hôm sau, sau những nỗ lực thương thuyết thất bại, những thuỷ quân lục chiến được điều đến từ Washington dưới chỉ lệnh của Đại tá Robert E. Lee đã xông vào nhà máy, bắt giữ những kẻ [đột kích] đang ở bên trong và đập tan cuộc nổi dậy.
Những nỗ lực tiến hành cuộc nổi dậy của nô lệ đã thất bại, nhưng sự việc này đã mãi mãi thay đổi lịch sử của Hoa Kỳ.
Người đàn ông ấy
John Brown (1800–1859) sinh trưởng trong một gia đình theo chủ nghĩa bãi nô. Đơn cử, cha của ông, người đã giúp đỡ việc điều hành [mạng lưới] Đường sắt ngầm ở Hudson, Ohio. Mặc dù giữ chứng chỉ là bộ trưởng theo Chủ nghĩa giáo hội đoàn, Brown đã sớm vận hành một doanh nghiệp thuộc da như cha của mình. Ông ta đã kết hôn hai lần và là cha của 20 người con, rất nhiều trong số ấy đã qua đời khi còn trẻ tuổi. Vận may tài chính của Brown đã lên và xuống theo những cơn biến động kinh tế và từ những quyết định kinh doanh mà thông thường là kém cỏi của ông ta.
Mặc cho những gắn bó cả đời của ông với phong trào bãi nô, mãi cho đến năm 1855, John Brown mới gầy dựng được danh tiếng trong việc phản đối chế độ nô lệ. Nhận được sự khích lệ từ hai người con trai của ông ở Kansas trong việc đấu tranh chống lại làn sóng chủ nô đang tiến về biên giới, và để trả đũa cho cuộc tấn công của những người ủng hộ nô lệ vào thị trấn Lawrence, Brown đã phát động một cuộc đột kích tấn công những người hàng xóm sống trong các cabin dọc theo con lạch Pottawatomie. Tại đó, ông ta và những người đi theo ông, gồm cả hai người con trai của ông, đã hành quyết năm người đàn ông ủng hộ chế độ nô lệ. Cuộc thảm sát Pottawatomie đã khởi xướng cho việc giết chóc và cuộc chiến tranh du kích để rồi sau đó [người ta] gắn khu vực biên giới này với cái tên “Kansas đẫm máu”.
Trở về miền Đông, Brown đã đi đến những cộng đồng người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô, quyên tiền để giải phóng nô lệ và mua thêm súng ống. Ông ta thực sự đã tin rằng duy chỉ có bạo lực mới khiến chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ đi đến hồi kết thúc.
Và ông ta đã ấp ủ âm mưu cho một cuộc đột kích vào kho vũ khí liên bang tại [thị trấn] Harpers Ferry.
Xét xử và hành quyết
Tuyển tập văn học dày cộm có tên “Men at War,” (Tạm dịch: “Những người đàn ông trong chiến trận”) của nhà văn Ernest Hemingway bao gồm rất nhiều câu chuyện về chiến tranh với những nhân vật thuộc quân ngũ trong giai đoạn Thế chiến thứ II. Tuyển tập bao gồm cả tiểu thuyết “God’s Angry Man” (Tạm dịch: Người đàn ông giận dữ của Đức Chúa Trời) của nhà văn Leonard Ehrlich, viết về John Brown và cuộc đột kích ở [thị trấn] Harpers Ferry. Qua đoạn văn sau đây, Ehrlich đã hình dung ra suy nghĩ của John Brown khi những người con trai của ông ta đã hoặc đang chết dần đi trong nhà máy, và ông ta nhận ra rằng những điều ông ta gây ra đang bị phán quyết:
“Ta đã phải chịu đựng rất nhiều nỗi thống khổ ở Kansas. Ta đã đợi chờ sự đau đớn ở đây, với ý niệm về sự tự do của con người. Ta đã từng được biết đến là Ông già Brown ở Kansas. Ta đã đổ máu ở Pottawatomie. Ta xem những kẻ chiếm giữ nô lệ như những tên cướp hoặc những kẻ giết người, ta đã thề phải chấm dứt chế độ nô lệ và giải phóng những người ủng hộ ta. Và giờ, ta ở đây… ta đã thất bại. Hai đứa con trai của ta đã bị giết ở đây hôm nay”.
Sau thời gian bị giam giữ, John Brown đã bị xét xử trong phiên toà kéo dài năm ngày, thẩm phán chỉ cần 45 phút để phán quyết tội giết người, phát động nổi dậy, và phản bội khối Thịnh vượng chung của Virginia.
Vào ngày 02/12/1859, ông ta đã bị treo cổ ở Charles Town, Virginia, mà hiện nay đã trở thành một phần của West Virginia. Tại phiên hành quyết đó có rất nhiều người sau này cũng tạo ra dấu ấn trong lịch sử Hoa Kỳ: Jeb Stuart, Robert E. Lee, Stonewall Jackson, John Wilkes Booth, những người sau này đã ám sát Abraham Lincoln, và thậm chí có thể còn có nhà thơ Walt Whitman.
Thất bại
Từ khi khởi sự, kế hoạch của Brown trong việc khởi xướng một cuộc nổi dậy, sử dụng Harpers Ferry làm bàn đạp cho những hành động [tiếp theo] của ông đã không thể thành công. Ông ấy và những người đàn ông của mình với nhân số quá ít để thị uy trước người dân của Harpers Ferry, và dĩ nhiên rằng ông đã thiếu hình dung về viễn cảnh những số lượng người đột kích có thể tăng nhanh chóng và bị đánh bại.
Khi Brown bộc lộ ý định tuyển chọn một số người ủng hộ, thậm chí là những nô lệ da đen đã được giải phóng từ miền Bắc cũng từ chối ủng hộ ông. Trong quyển sách “John Brown: The Legend Revisited,” (Tạm dịch: “John Brown: Xét lại một huyền thoại”), Merrill D. Peterson đã viết về Brown như sau:
“Vào tháng 8, Brown đã có một cuộc gặp gỡ bí mật với Frederick Douglass [tại khu vực] gần Chambersburg, Pennsylvania. Ông ấy đã rất tin tưởng rằng Douglass sẽ tham gia cùng ông. Nhưng người thủ lĩnh da đen ấy, người mà Brown đã tiết lộ về kế hoạch của mình đầy đủ hơn bất cứ ai, đã nghĩ rằng việc này chẳng khác nào tự sát và đã từ chối [tham gia]. Tuy nhiên, Shields Green, người đồng sự trẻ tuổi da đen của [Douglass], đã đồng ý tham gia cùng Brown. Và anh ta cuối cùng cũng kết thúc đời mình trên giá treo cổ”.
Thành công
Cuộc tấn công của Brown vào Harpers Ferry và cuộc hành quyết tiếp đến của ông đã khoét sâu thêm sự chia rẽ Nam – Bắc. Mặc dù rất nhiều người miền Bắc đã nghĩ rằng những hành động bạo lực của Brown là tàn ác và đáng ghê sợ, nhưng lại càng có nhiều người xem Brown như một người kẻ tử vì đạo. Sợ hãi trước những cuộc nổi loạn của Brown, người miền Nam có xu hướng xem ông ta như một hoá thân của quỷ Satan.
Nỗ lực nổi dậy của ông đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng và to lớn đến với cuộc bầu cử tổng thống năm 1860. Quan sát từ những phản ứng đối với Brown của những người đồng hương phía bắc giới tuyến Mason-Dixon, những người miền Nam đã tin rằng cuộc bầu cử nhiệm kỳ tổng thống của Abraham Lincoln cũng đồng nghĩa cho cái kết của chế độ nô lệ, và đồng thời cũng là sự khước từ tầm ảnh hưởng của phía Nam đối với những sự vụ quốc gia.
Trong khi đó, cái chết của Brown đã thắp lên ngọn lửa trong lòng hàng ngũ những người theo chủ nghĩa bãi nô đang ngày càng gia tăng [lúc bấy giờ]. Chỉ trong vòng ba năm sau khi ông ta qua đời, quân đội phía Bắc đã tham gia trận chiến và hát vang bài ca “Thân thể của John Brown” với một câu hát đặc trưng “Thân thể của John Brown yên nghỉ nơi nghĩa trang, nhưng linh hồn của ông vẫn chung bước quân hành”. Ca khúc này cũng đã truyền cảm hứng cho bài hát thịnh hành vào năm 1862 của Julia Ward Howe – “Battle Hymn of the Republic” (Tạm dịch: “Khúc tán ca chiến trận của nền cộng hoà”)
Huyền thoại được tiếp tục
Cũng giống với sự thật ở thời của Brown, nhiều thập kỷ đã trôi qua từ khi ông lìa trần trên giá treo cổ, danh tiếng của của Brown vẫn còn phụ thuộc vào tính định hướng của những nhà phân tích. Ví dụ, như một phản ứng trước bức tranh tường năm 1939 về Brown được vẽ bởi Arthur Covey trong toà nhà quốc hội ở Topeka, Kansas, dân biểu Martin Van Buren Van De Mark của tiểu bang đã nói : “John Brown chỉ là một lão già điên. Ông ta chẳng có gì ngoài việc là một kẻ vô lại, một tên trộm, và một kẻ giết người… ký ức về ông ta chẳng nên tồn tại lâu”.
Qua năm tháng, một số sử gia và tiểu thuyết gia đã tìm thấy những cơ sở để đồng thuận với khẳng định trên, trong khi nhiều người khác vẫn tung hô Brown như bậc anh hùng và là con người của đức tin.
Trong quyển sách “John Brown: Xét lại một huyền thoại” của Merrill Peterson như đã đề cập ở trên, [Peterson] đã nghiên cứu chi tiết về những diễn giải này. Ông đã xem qua nhiều quyển sách viết về Brown – từ tiểu sử, lịch sử, tiểu thuyết, tác phẩm kịch, và thậm chí là những bài thơ như câu thơ mang tính sử thi của Stephen Vincent Benét “Thân thể của John Brown” – và thảo luận về cách thức đã dẫn đến các kết luận khác nhau của rất nhiều tác giả và học giả về Brown. John Brown có phải là kẻ cuồng tín tự cao tự đại, hay là một người đàn ông hành thiện vì công lý? Liệu ông ta có điên không? Ông ấy có phải là một chiến binh vì chính nghĩa? Ông ta có phải là một người cha đầy tình thương yêu hay là người đã gây ra cái chết cho con mình trong cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ?
Điềm báo
Những câu hỏi này đều không có những câu trả lời rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn: John Brown đã thấy trước một cuộc chiến tàn khốc sẽ nhấn chìm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một trận chiến đầy cay đắng sẽ đẩy hai miền Nam Bắc về phía đối địch với nhau. Ông ấy đã hiểu rõ rằng sự tấn công vào Harpers Ferry của mình sẽ đẩy đất nước tiến thêm một bước đến với miền đất chết.
Vào ngày hành quyết của Brown, ông ta đã đưa cho một trong những người lính canh giữ của mình một mảnh giấy với những lời sau: “Ta, John Brown, giờ đây đã khá chắc chắn rằng những tội trạng của mảnh đất đầy tội lỗi này sẽ không bao giờ được tẩy sạch, mà chỉ có thể phải đổ máu. Ta đã từng tâng bốc bản thân một cách vô nghĩa, và cũng như suy nghĩ hiện tại của mình, rằng việc này sẽ có thể được hoàn thành mà không cần phải đổ máu nhiều”.
Chưa đầy hai năm sau, cả đất nước đã khởi phát một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử, một sự mâu thuẫn đã đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ. Dù là tốt hơn hay là tệ hơn, John Brown đã đảm nhận vai trò là một kẻ đóng góp chính cho cuộc đụng độ thảm khốc đó.
Chủ nghĩa khủng bố và kẻ giết người
Thời gian này, chúng ta có sự chia rẽ chính trị sâu sắc, nhưng bất kể niềm tin chính trị của chúng ta là gì, John Brown đã khiến chúng ta phải tự hỏi rằng: Liệu bạo lực và giết hại có ý nghĩa chính đáng đối với kết luận của ý thức hệ này không? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta loại bỏ suy xét lý trí, sự tranh luận, và tính thiện chí mà thay vào đó, lại chuyển sang sự bạo tàn và giết chóc?
Brown là một gã đàn ông thiếu kiên nhẫn với khả năng chính trị, luật pháp, tranh luận và niềm tin tín ngưỡng trên con đường tiến đến sự chấm dứt của chế độ nô lệ. Giống như một số người chúng ta hiện nay, cả ở đất nước này hay ở ngoại quốc, ông ta đã tin rằng ý nguyện của ông ta là như vậy, rằng ông sẵn sàng biến mình thành kẻ sát nhân máu lạnh đối với những người không vũ khí, như ông và những kẻ đi theo ông đã làm ở Kansas, vì tính chính nghĩa trong ý nguyện của ông ấy. Và giống như một số người chúng ta hiện nay, ông ta sẵn sàng sử dụng cách thức khủng bố như một phương tiện tiến đến mục tiêu của mình, như ông ta đã hy vọng thực hiện điều đó ở Harpers Ferry.
Do đó, John Brown dường như là một sự pha trộn của rất nhiều các phẩm chất đã được Merrill Peterson tìm thấy: một người sùng đạo, một kẻ cuồng tín, một kẻ kiếm tìm công lý, một người tự cho mình nắm giữ công lý trong túi áo, một anh hùng, và một kẻ tạo ác. Ông ta chính là tấm gương, và chúng ta thấy những điều ta muốn thấy trong ông.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com
Đường sắt ngầm: Đây là một mạng lưới các đường trốn bí mật dành cho các nô lệ da đen tại Hoa Kỳ để đi đến các tiểu bang tự do và Canada, được hỗ trợ bởi những người theo chủ nghĩa bãi nô. (chú thích của dịch giả)
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: