Hồng Kông sang Trung Đông tìm nhà đầu tư sau khi giới siêu giàu đổ xô đến Singapore
Để đối phó với vị thế ngày càng suy giảm của Hồng Kông như là một trung tâm tài chính quốc tế, việc phát triển các văn phòng gia đình (người giàu thành lập công ty tư nhân để quản lý đầu tư) đã trở thành một trong những chỉ số hiệu suất công việc (KPI) quan trọng đối với chính quyền Hồng Kông.
Vì thủ tục thông quan của Trung Quốc chưa biết đến lúc nào mới thành hiện thực, nên các quan chức Hồng Kông chọn cách tìm các nhà đầu tư ở Trung Đông. Các nhà quản lý quỹ phòng hộ kỳ cựu tin rằng, trong môi trường chính trị hiện tại, ngành tài chính sẽ ngày càng trở nên thách thức hơn.
Trong một báo cáo chính sách mới được chính quyền Hồng Kông công bố gần đây có đề cập rằng chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp thu hút nhân tài và doanh nghiệp. Họ cũng cho biết trong báo cáo này rằng trong năm nay họ sẽ đề xướng một dự luật nhằm miễn thuế cho các văn phòng gia đình đủ điều kiện.
Với mục tiêu đến cuối năm 2025 có thể thúc đẩy ít nhất 200 doanh nghiệp gia đình thành lập hoặc mở rộng sự phát triển của các doanh nghiệp đó trong thành phố này, chính quyền Hồng Kông và các quan chức quyết định biện pháp này là một trong những chỉ số KPI hàng đầu.
Dựa trên những báo cáo trước đây, InvestHK sẽ cử nhân viên đến Abu Dhabi và Dubai để thúc đẩy việc phát triển các văn phòng gia đình ở Hồng Kông.
InvestHK (Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Hồng Kông) thành lập Đội Văn phòng Gia đình (FamilyOfficeHK) vào tháng 06/2021. Theo kế hoạch thì cơ quan này sẽ đến London và Zurich vào tháng Mười Một để tiếp tục việc xúc tiến đầu tư của mình sau chuyến thăm Trung Đông.
Singapore đi đầu trong mô hình doanh nghiệp văn phòng gia đình
Về chiến lược văn phòng gia đình, Hồng Kông đi sau đối thủ Singapore hai năm.
Cơ quan Quản Lý Tiền Tệ Singapore (MAS) và Ban Phát Triển Kinh Tế đã thành lập Đội Phát triển Văn Phòng Gia Đình vào tháng 03/2019 để thúc đẩy vị thế của Singapore như là một trung tâm văn phòng gia đình và quản lý tài sản cho người giàu toàn cầu.
Theo số liệu do MAS công bố, số lượng văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng gấp bốn lần từ năm 2017 đến năm 2019.
Tính đến năm 2020, gần 400 “văn phòng một gia đình” đặt trụ sở tại Singapore, mỗi văn phòng có tài sản trung bình khoảng 100 triệu USD. Trong năm 2018, nước này chỉ có 27 văn phòng một gia đình.
Dẫn lời MAS, Bloomberg ước tính rằng trước cuối năm 2021, số lượng văn phòng gia đình đăng ký ở Singapore sẽ tăng lên 700.
Ông Ray Dalio, người sáng lập của Quỹ Bridgewater, và ông Sergey Brin, đồng sáng lập Google, là hai trong số văn phòng gia đình phương Tây giàu có nổi tiếng ở Singapore. Các báo cáo gần đây cho thấy ông Mukesh Ambani, người giàu thứ hai Á Châu, cũng đang thành lập một văn phòng gia đình ở Singapore.
Luật An ninh Quốc gia và chính sách kiểm soát dịch bệnh ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp
Mặc dù phát triển các văn phòng gia đình không phải là một chỉ số tuyệt đối cho các trung tâm tài chính thành công, nhưng việc bị các đối thủ cạnh tranh vượt mặt trong một thời gian ngắn là một ví dụ hoàn hảo cho thấy vị thế tài chính quốc tế của Hồng Kông đang suy yếu.
Bảng xếp hạng mới nhất của Chỉ Số Trung Tâm Tài Chính Toàn Cầu (GFCI) đã chứng minh rằng Hồng Kông đã rớt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng toàn cầu của mình. Đồng thời, Singapore đã vượt qua Hồng Kông và vươn lên vị trí thứ ba, chỉ đứng sau New York và London.
Ông Tiền Chí Kiện (Edward Chin Chi-kin), một nhà quản lý quỹ phòng hộ cao cấp nổi tiếng, đã chia sẻ rằng quỹ đầu tư đã bắt đầu rời khỏi Hồng Kông trước khi đại dịch bùng phát. “Sự suy giảm vị thế là trung tâm tài chính của Hồng Kông bắt nguồn từ hai nguyên nhân: 80% bị ảnh hưởng bởi Luật An Ninh Quốc Gia, còn các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt chiếm 20%.”
Ông Tiền lập luận rằng đây là hậu quả của việc chính phủ hạ bệ một công ty niêm yết ở Hồng Kông với nhiều cáo buộc khác nhau trong vòng một năm kể từ khi có Luật An Ninh Quốc Gia. “Làm thế nào quý vị có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Hồng Kông khi chính phủ cáo buộc các đại cổ đông và nhân viên của các công ty đại chúng vi phạm cái gọi là an ninh quốc gia?”
Khi nhiều quốc gia quyết định sống chung với virus COVID-19, thì Hồng Kông vẫn chọn đi theo chính sách zero COVID và hạn chế tụ tập tối đa 12 người.
Ông Tiền tin rằng việc giả vờ ‘Hồng Kông đã quay về trạng thái bình thường’ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.
Dòng tiền ra khỏi Hồng Kông cùng làn sóng di cư
Trong một báo cáo về các tỷ phú toàn cầu do công ty tư vấn đầu tư đa quốc gia Henley & Partners phát hành, việc di cư của giới giàu có đang thúc đẩy sự phân bổ lại của cải trên toàn cầu, trong đó Singapore, Trung Đông, và Úc trở thành những quốc gia chiến thắng trong trò chơi cờ tỷ phú này.
Báo cáo này cũng ước tính rằng đến năm 2022, 15,000 người trong số những người giàu sẽ rời khỏi Nga vĩnh viễn, trong khi 10,000 người sẽ rời khỏi Trung Quốc. Mặt khác, Hồng Kông cũng dự kiến sẽ mất đi 3,000 gia đình giàu có nhất.
Nhiều người giàu đã xem Singapore và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là địa điểm lý tưởng để nhập cư.
Báo cáo này dự đoán rằng dòng nhập cư ròng của những người giàu nhất thế giới đến UAE sẽ là gần 4,000 người, tiếp theo là Úc với khoảng 3,500 người, và Singapore với 2,800 người.
Với làn sóng di cư của giới giàu có, Hồng Kông, nơi từng là thành phố giàu nhất thứ hai ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương chỉ sau Tokyo, hiện đã bị Singapore và các nước khác vượt qua.
Báo cáo mới nhất về các tỷ phú của Henley & Partners xếp hạng người siêu giàu dựa vào những người có khả năng chi trả ít nhất 100 triệu USD trong các quỹ có thể đầu tư.
Hồng Kông tụt lại phía sau với 280 tỷ phú, so với 336 ở Singapore.
Trang web của Ngân Hàng Xây Dựng Trung Quốc tuyên bố rằng văn phòng gia đình là dịch vụ hàng đầu với ngưỡng đầu tư cao hơn, tài sản gia đình có thể đầu tư được hoặc tài sản cá nhân nói chung không được dưới 100 triệu USD.
Trang web trên cũng cho thấy rằng từ khi các tập đoàn gia đình ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn ở Hoa Kỳ hoặc Âu Châu, 25 triệu USD là mức đầu tư tối thiểu đối với văn phòng một gia đình và 10 triệu USD cho văn phòng đa gia đình.
Công ty tư vấn tài sản tư nhân KPMG đã chỉ ra trong Báo cáo Quản lý Tài sản Tư nhân ở Hồng Kông năm 2019 rằng, “Trong 5 năm tới, tài sản xuất phát từ và được quản lý bởi [Trung Quốc] đại lục sẽ chiếm gần một nửa thị trường quản lý tài sản tư nhân.”
Báo cáo năm 2021 cũng nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh quản lý tài sản tư nhân của Hồng Kông.
Trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh kiên trì thực hiện chính sách zero COVID linh hoạt cũng như đóng cửa không giao thương thế giới bên ngoài. Ngành thương mại Hồng Kông đã thúc giục chính quyền mở lại đường biên giới với Trung Quốc trong khi thị trường lại chờ đợi các quỹ của Trung Quốc đi về phía nam. Khi nào thì chính sách zero COVID của Trung Quốc mới kết thúc đã trở thành câu hỏi lớn nhất.
Bà Alicia G. Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Á Châu tại Natixis, chia sẻ với The Epoch Times rằng, khi đánh giá về hiện tượng dòng vốn chảy ra ngoài, bà tin rằng Bắc Kinh đang ngần ngại trước việc mở cửa trở lại đất nước vào năm tới. “Đó là một rủi ro hết sức lớn cho chính phủ Trung Quốc, vì nỗi sợ hãi lớn nhất của họ chính là điều gì sẽ xảy ra ngay khi mọi người rời đi.”
Từ Báo cáo Cân Đối Thanh Toán quốc tế của Trung Quốc, có một dòng thoái vốn ròng 45.2 tỷ USD do sai lầm và thiếu sót. Bà Herrero nói với Reuters rằng hiện tượng này phản ánh sự di chuyển của các quỹ cư dân theo một cách không chính thức.
“Không chỉ các công ty quản lý tài sản ngoại quốc ngừng đầu tư vào Trung Quốc, dòng thoái vốn không được ghi nhận cũng đang dần xấu đi vì niềm tin bị lung lay. Các cư dân Trung Quốc Đại lục muốn rút tiền của họ.”
Trong Báo cáo Quản lý Tài sản Tư nhân Hồng Kông năm 2022, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ngành dựa trên việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường đại lục và thu hút thế hệ nhà đầu tư trẻ và các văn phòng gia đình đến Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông tìm kiếm người giàu ở hải ngoại
Ông Mike, nhà cố vấn đầu tư cao cấp, cho biết tình hình toàn cầu đã mang lại cho Singapore một cơ hội chỉ có một lần trong đời. Tuy nhiên, cơ hội đó sẽ không kéo dài mãi mãi. “Bên cạnh đó, vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa năng lực thị trường của Singapore và vị thế thị trường tài chính truyền thống của thành phố này so với của Hồng Kông.”
Ông Mike tiếp tục, “Các quan chức Hồng Kông đang hướng đến vùng trung đông trước tiên vì có nhiều người giàu có ở khu vực này. Xét về địa chính trị và sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc đến các quốc gia vùng trung đông sẽ là một nước đi tương đối an toàn hơn. Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đẩy tài sản của Nga sang khu vực trung đông.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times