Hơn 200 du khách từ Trung Quốc đến Bali trên chuyến bay đầu tiên sau 3 năm
Một chiếc phi cơ thuê riêng chở 210 khách du lịch từ Hoa lục đã đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia lần đầu tiên sau 3 năm chế độ cộng sản Trung Quốc hạn chế biên giới do COVID-19.
Chuyến bay của hãng Lion Air khởi hành từ Thâm Quyến và hạ cánh tại một phi trường quốc tế ở Bali hôm 22/01, chuyến bay đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nới lỏng các hạn chế đi lại hôm 08/01.
Quan chức Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Ayu Marthini cho biết Indonesia dự kiến sẽ đón 255,300 khách du lịch từ Trung Quốc trong năm nay. Nước này đã đón 94,924 lượt khách Trung Quốc từ tháng 01/2022 đến tháng 10/2022.
“Tuy nhiên, họ hy vọng có thể vượt qua số lượng du khách Trung Quốc mục tiêu này, và nếu có thể, con số đó có thể tương tự như năm 2019,” bà Marthini cho biết, theo hãng thông tấn địa phương.
Indonesia đã duy trì các yêu cầu nhập cảnh lỏng lẻo, trong khi các quốc gia khác — chẳng hạn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Malaysia — đã áp đặt các quy tắc nhập cảnh COVID-19 đối với những người đến từ Trung Quốc do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở đại lục.
Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo đã hạ thấp khả năng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 do du khách ngoại quốc mang lại, với lý do người dân nước này đã có khả năng miễn dịch với virus này.
“Miễn là khảo sát huyết thanh của chúng tôi cho thấy kết quả trên 90%, nghĩa là chúng tôi đã có khả năng miễn dịch phù hợp, thì bất cứ điều gì xảy ra sẽ không thành vấn đề,” ông Widodo được The Jakarta Post dẫn lời.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất cho du lịch trong nước ở Indonesia. Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ mục tiêu tổng thể về lượng khách du lịch ngoại quốc trong năm nay. Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, cho biết Indonesia đặt mục tiêu đạt kỷ lục 3.5 triệu đến 7.4 triệu lượt khách ngoại quốc.
Trung Quốc thiếu minh bạch về dữ liệu
Ngày càng có nhiều lo ngại về tính xác thực trong báo cáo dữ liệu của ĐCSTQ về đợt bùng phát dịch bệnh này, sau các tin tức về các bệnh viện và nhà tang lễ quá tải sau khi ĐCSTQ đột ngột dỡ bỏ chính sách zero COVID hà khắc hồi tháng 12/2022.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi ĐCSTQ công khai số ca nhiễm và tử vong ở Trung Quốc. Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng) cáo buộc ĐCSTQ che đậy dữ liệu về các ca nhiễm bệnh COVID-19 cũng như về chủng virus này ở Trung Quốc.
Theo cô Diêm, sự lây lan gần đây của COVID-19 đã gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc khi so sánh với các quốc gia khác, và số người tử vong là vô cùng cao.
Cô là một thành viên của Phòng thí nghiệm Tham chiếu Cúm H5 của WHO có trụ sở tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông trước khi cô chạy sang Hoa Kỳ vì đặt câu hỏi về nguồn gốc của virus COVID-19.
Trong một cuộc họp báo hôm 13/01, ông Trần Thao (Chen Cao), một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (gọi tắt là CDC Trung Quốc), cho biết rằng kể từ hôm 01/12/2022 đến hôm 10/01/2023, họ đã phát hiện thấy 19 nhánh tiến hóa của biến thể virus corona Omicron đang lưu hành trong nước.
Theo ông Trần, các biến thể phụ BA.5.2 và BF. 7 của Omicron đang là hai biến thể gây bệnh chủ đạo, chiếm 97% trong tổng số 19 nhánh được phát hiện trong thời gian đó. Ông Trần không cung cấp thêm chi tiết về 19 biến thể phụ này.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 10/01 với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Diêm cho hay, nếu như Trung Quốc và thế giới có các loại biến thể giống nhau thì không thể nào lại gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh [có mức độ nghiêm trọng] quá khác biệt như vậy được.
Cô nói, “Chúng ta đã phát hiện các biến thể phụ BF7 và XBB ở hải ngoại. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng những biến thể phụ được phát hiện ở Trung Quốc này giống với các loại biến thể được tìm thấy ở hải ngoại. Nếu các loại biến thể này là giống nhau, vậy thì quá vô lý, bởi vì những triệu chứng mà các biến thể này gây ra [ở Trung Quốc] nghiêm trọng hơn nhiều so với ở các quốc gia ngoại quốc.”
Cô Diêm là một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chuyên về virus học và miễn dịch học tại Đại học Hồng Kông trước khi đào thoát sang Hoa Kỳ. Cô nói rằng sau khi phân tích trình tự bộ gene của virus mà du khách Trung Quốc mang theo đến Ý, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một sự biến đổi rất nhỏ — các vị trí (loci*) né tránh miễn dịch. (*Loci là vị trí cụ thể của một gene trên nhiễm sắc thể.)
Cô Diêm cho hay, “Khi chúng ta bàn luận về Omicron, mọi người có thể rút ra một số đặc điểm chung về biến thể này trong ba năm qua: Omicron chủ yếu tấn công vào đường hô hấp trên và hầu như không xâm nhập vào phổi. Vì vậy, nhiều người có thể nghĩ rằng Omicron không nguy hiểm đến thế.”
Tuy nhiên, đối với tất cả các biến thể phụ của Omicron, thì giả thiết này không phải lúc nào cũng đúng, cô cho biết.
Cô Diêm nói, “Nếu một số biến thể phụ của Omicron đột biến ở một số vị trí gene đặc biệt, thì biến thể phụ đó phải được xem là một biến thể độc lập, mặc dù đó vẫn chỉ là một nhánh phụ của Omicron.”
“Chẳng hạn như trường hợp ở Ý, thông qua phân tích trình tự bộ gene, chúng tôi đã tìm thấy các vị trí gene né tránh miễn dịch trong các biến thể phụ [của Omicron] mà du khách Trung Quốc mang theo. Điều đó có nghĩa là, mặc dù các biến thể này của Omicron trông rất giống với biến thể Omicron mà chúng ta đã biết đến trước đây, nhưng chúng có một biến đổi vi tiểu chủ yếu phát sinh ở các vị trí gene có thể gây ra sự né tránh miễn dịch này. Một khi chủng virus này né tránh được hệ miễn dịch, thì chủng này sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho cơ thể con người.”
Cô lưu ý rằng đây là lý do tại sao các ca nhiễm COVID ở Trung Quốc lại nghiêm trọng hơn ở các quốc gia khác.
Về khả năng né tránh hệ miễn dịch, cô Diêm giải thích rằng hầu hết người dân Trung Quốc lẽ ra phải có một số kháng thể toàn diện sau ba năm đại dịch bùng phát ở nước này.
Bản tin có sự đóng góp của Sophia Lam và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times