Hội nghị Trung Đông mang lại chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc
Hôm 10/11, Saudi Arabia đã tổ chức một cuộc họp của 57 nhà lãnh đạo Ả rập và Hồi giáo nhằm tháo gỡ tình hình Hamas và Israel. Căng thẳng của cuộc xung đột này đã dẫn đến cuộc tranh cãi khiến một số quốc gia có phần lớn dân số theo Hồi giáo muốn giữ khoảng cách với các đồng minh Tây phương của họ. Điều thú vị là điều này cũng khiến một số quốc gia Hồi giáo tạm ngưng các tranh chấp cố hữu giữa họ lâu nay.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã tham gia và đồng thuận với quan điểm lên án Israel của nhóm trên, qua đó gián tiếp ám chỉ đến Hoa Kỳ. Trong một cuộc gặp mang tính lịch sử, tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp Thái tử của Saudi Arabia là ông Mohammed bin Salman, đánh dấu một thời khắc đầy ý nghĩa cho hai quốc gia vốn đã từng tham gia các cuộc chiến uỷ nhiệm tại Syria và Yemen.
Hoạt động hợp tác ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia được xem là kết quả thắng lợi cho Trung Quốc khi họ làm trung gian cho một thoả thuận hoà bình giữa hai quốc gia này.
Hội nghị sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh. 15 quốc gia thành viên của hội đồng này gồm 5 quốc gia là các thành viên thường trực có quyền phủ quyết (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Quốc, và Hoa Kỳ) và 10 quốc gia là các thành viên luân phiên được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề cử mỗi nhiệm kỳ 2 năm. Các thành viên không thường trực hiện là Albania, Brazil, Ecuador, Gabon, Ghana, Nhật Bản, Malta, Mozambique, Thuỵ Sĩ, và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Cho dù đa số các quốc gia này có thể bỏ phiếu ủng hộ cho một hành động can thiệp của Liên Hiệp Quốc vào Gaza, song Hoa Kỳ vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn quyết định đó được thông qua.
Được biết Qatar đang thương thảo với Hamas để phóng thích các con tin người Israel và người ngoại quốc. Các cuộc thương lượng này diễn ra nhờ vào mối quan hệ lâu đời giữa Qatar và Hamas, tổ chức có các lãnh đạo chính trị hoạt động từ Doha (thủ đô của Qatar). Những đại diện của Hamas thường xuyên xuất hiện trên mạng lưới truyền hình vệ tinh Nhà nước Qatar là Al Jazeera. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết của Qatar với Hamas trước đây cũng đã dẫn đến một lệnh phong tỏa do bốn quốc gia khối Ả rập là Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain áp đặt. Lệnh phong tỏa này được duy trì suốt từ năm 2017 cho đến năm 2021. Tuy nhiên cuộc xung đột Hamas và Israel đã làm đảo ngược các mối quan hệ và hận thù trước đó, khiến thế giới Hồi giáo tập hợp đối kháng Israel, qua đó, đối kháng Hoa Kỳ.
Ông Raisi đã ca ngợi Hamas vì tấn công Israel và kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Israel. Hơn nữa, ông cũng đả kích Hoa Thịnh Đốn vì đã cung cấp viện trợ quân sự cho Israel. Ngoài việc viện trợ Hamas tại Gaza, Iran còn bảo trợ cho Hezbollah, một tổ chức khủng bố Hồi giáo dòng Shiite tại Lebanon, vốn vẫn đang hàng ngày phóng phi đạn và phi cơ không người lái tấn công Israel. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel là ông Yoav Gallant đã đe doạ sẽ đáp trả Lebanon một cách tương xứng với những gì Israel hiện đang tiến hành ở Gaza. Cùng thời gian này, nhóm phiến quân khác được Iran viện trợ là nhóm Houthi tại Yemen cũng đang có những hoạt động nhắm vào Israel.
Cả Trung Quốc và Nga đã nắm lấy cơ hội này để chỉ trích cái mà họ gọi là những sai lầm ngoại giao của Hoa Kỳ trong khu vực. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Hoa Thịnh Đốn có thể phải gồng mình để giải quyết đồng thời nhiều cuộc xung đột, như tình hình tại Ukraine, Đài Loan và cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas sẽ chất thêm gánh nặng cho Hoa Kỳ và làm cạn kiệt các nguồn lực của nước này. Do đó, ông ta có thể sẽ thử thách quyết tâm của Hoa Kỳ bằng cách gia tăng các hành động hiếu chiến tại vùng biển Đông Nam Á, nhắm vào Đài Loan, Philippines cũng như các đồng minh khác của Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã vun đắp mối quan hệ mật thiết với Iran trong những năm gần đây và dường như lợi dụng mối quan hệ với Iran và Nga để định vị bản thân như một quốc gia hoà giải các mối xung đột. Tuy nhiên các giải pháp mà ông Tập đề nghị, bao gồm cả một lệnh ngừng bắn và một giải pháp hai quốc gia sẽ chẳng bao giờ được Israel chấp nhận.
Cuộc xung đột có thể dẫn đến việc leo thang các hành động khủng bố. Cả Trung Quốc lẫn Nga đều không bên nào gây áp lực lên Iran để nước này ngừng viện trợ các lực lượng khủng bố khu vực. Việc các nước này không đưa ra hành động răn đe cho thấy cuộc tấn công của các nhóm như Hezbollah và dân quân Houthi nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ và Israel sẽ có thể kéo dài và gia tăng.
Dù leo thang có thể xảy ra, nhưng cả Nga và Trung Quốc dường như không trực tiếp can dự vào cuộc xung đột. Hai quốc gia này sẽ không thu được mấy lợi ích nếu căng thẳng leo thang đến mức mà Hoa Kỳ có thể bị cuốn vào một cuộc chiến thực sự. Hệ quả là Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tô vẽ bản thân như một sự thay thế phù hợp cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Đồng thời, khi các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn và việc Israel sa lầy vào cuộc xung đột có thể khiến Hoa Kỳ ngày càng bị lún sâu hơn. Trong khi đó Trung Cộng có thể tìm kiếm vị thế lãnh đạo bằng cách hình thành một liên minh các quốc gia phía Bán cầu Nam đối kháng Israel.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times