Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kết thúc mà không có tuyên bố chung sau bất đồng giữa Hoa Kỳ và Nga
Bloomberg đưa tin cho hay, hôm Chủ Nhật (13/11) Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia đã kết thúc mà không có một tuyên bố chung nào do Nga và Hoa Kỳ không thể đồng thuận về ngôn từ của tuyên bố này.
Được tổ chức đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia, hội nghị thượng đỉnh này quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ các nước thuộc khối ASEAN và Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn, và New Zealand.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết không có các quyết định chung nào được đưa ra vì Hoa Kỳ và các đồng minh đòi hỏi “ngôn từ tuyệt đối không thể chấp nhận được liên quan đến tình hình ở Ukraine.”
Ông Lavrov cũng đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã chia rẽ khối ASEAN gồm 10 thành viên, và cáo buộc NATO đang mở rộng hoạt động ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương này.
Nói với các phóng viên tại Campuchia, ông Lavrov tuyên bố: “Có một xu hướng rõ rệt về việc quân sự hóa khu vực này thông qua những nỗ lực phối hợp các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực như Úc, New Zealand, và Nhật Bản với sự mở rộng của NATO.”
Tòa Bạch Ốc loan báo rằng Tổng thống Joe Biden đã nêu ra những lo ngại về các vụ thử hỏa tiễn của Bắc Hàn và lên án “cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa của Nga chống lại Ukraine, bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất.”
Ông Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” với Trung Quốc và lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc trong khi “bảo đảm cạnh tranh không trở thành xung đột.” Ông Biden cũng tái khẳng định tầm quan trọng của sự ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Chủ tọa của hội nghị thượng đỉnh này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cho biết hội nghị bao gồm một số cuộc thảo luận sôi nổi, nhưng bầu không khí không căng thẳng. Ông Hun Sen nói với các phóng viên rằng “các nhà lãnh đạo đã thảo luận một cách chín chắn” và “không một ai bỏ đi.”
Ông Biden đã bay đến Indonesia sau khi kết thúc các cuộc họp ASEAN để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G-20) ở Bali, nơi ông dự kiến sẽ gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả kinh tế của cuộc chiến này dự kiến sẽ chi phối các cuộc thảo luận ở Bali và tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương ở Bangkok, cùng với các cam kết về khí hậu, mất an ninh lương thực, và căng thẳng trên Eo biển Đài Loan, Biển Đông, và Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Lavrov đang đại diện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh này và dự kiến sẽ nghe thấy những chỉ trích gay gắt từ bên trong G-20 về cuộc xâm lược Ukraine, mà Moscow gọi là một chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ukraine không phải là một thành viên thuộc nhóm G-20 nhưng đã được nước chủ nhà Indonesia mời làm quan sát viên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ nói chuyện với hội nghị theo phương thức trực tuyến.
Bản tin có sự đóng góp của Reuter.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times