Học cách chế ngự nỗi lo lắng
Càng lo lắng thì khó khăn càng chồng chất, có khi việc của ngày hôm nay chưa xong, vấn đề khác lại đến
“What, me worry?” (Tạm dịch: Lo gì chứ?) là câu khẩu hiệu của một nhân vật hư cấu có khuôn mặt như trẻ con tên là Alfred E. Neuman – một hình ảnh đại diện của Tạp chí Mad. Họa sĩ tranh biếm họa Harvey Kurtzma là người đã tạo ra hình tượng Neuman, có nhận xét rằng “đây là vẻ mặt không quan tâm đến bất cứ thứ gì trên đời.”
Trên thực tế, chỉ có một số ít người bước qua tuổi 18 mang theo vẻ mặt vô tư lự, và thậm chí khi chưa tới tuổi 25, càng có ít người hơn ở độ tuổi này chấp nhận câu nói “What, me worry?” ở trên như kim chỉ nam cho cuộc sống. Nhà thơ William Wordsworth đã viết: “Thế giới này là quá nhiều với chúng ta,” đó là sự thật quá rõ ràng với hầu hết chúng ta. Và không giống như Neuman, chúng ta đã thật sự lo lắng.
Trong nhiều mối bận tâm đó, chúng ta có thể dễ dàng tạm ngưng lo âu một số việc. Đó là khi chúng ta mang những chiếc xe đi bảo dưỡng và yêu cầu thợ máy kiểm tra lốp xe dự phòng. Nếu chúng ta sợ rằng mình sẽ quên mất sinh nhật của một người bạn, chúng ta sẽ cần đánh dấu vào lịch hay ghi chú đâu đó trong điện thoại.
Nhưng những mối lo âu nho nhỏ này không phải là những nỗi sợ hãi khiến chúng ta có thêm nhiều nếp nhăn trên trán hay phải thao thức cả đêm không ngủ. Chúng ta không thể ngay lập tức giải quyết được những suy nghĩ cứ chạy trong đầu, hay những lời thì thầm của sự e sợ và trí tưởng tượng đang trở nên quá trớn kia. Ví như ta hay có những nỗi khiếp sợ thời thơ ấu – sợ quái vật xuất hiện dưới gầm giường, hay sợ những bóng ma trên gác xép và với các em vị thành niên thì sợ bóng ma đó biến hình thành những con rồng. Còn bạn sinh viên của chương trình dự bị y khoa tin chắc rằng sẽ bị trượt bài kiểm tra năng lực đầu tiên của mình; một cô gái 28 tuổi đầy triển vọng thì lo âu quá đỗi rằng mình sẽ trở thành một người mẹ không tốt; hay như một anh nhân viên kinh doanh phần mềm mỗi ngày đều lo lắng bản thân không được đánh giá đúng năng lực và sẽ thất nghiệp mặc dù anh có thành tích nổi trội.
Nhưng vẫn còn một tin vui đây: Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng hầu hết những gì chúng ta băn khoăn và lo lắng sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Trong một bài nghiên cứu có nhan đề “How Often Do Your Worries Come True?” (Tạm dịch: Bao lâu thì sự lo lắng của bạn trở thành hiện thực?) của tác giả Seth Gillihan đã báo cáo tại Đại học tiểu bang Penn, trong đó các đối tượng nghiên cứu được ghi lại những mối lo ngắn hạn của họ. Tất cả những người tham gia này, tình cờ, đều mắc chứng rối loạn lo âu phổ biến. Và kết quả thế nào? Có đến 91% nỗi sợ đó không bao giờ thật sự xuất hiện. Và dù cho trong số đó, có một vài lo lắng trở thành hiện thực chăng nữa, một phần ba nỗi lo ấy ít căng thẳng hơn so với dự đoán. Gillihan chỉ ra rằng những kết quả này là ví dụ được một số nhà nghiên cứu gọi là “sự đánh lừa của những mối lo,” những tình huống mà chúng ta hay tưởng tượng trong đầu thường không bao giờ xuất hiện.
Lo lắng về tương lai cũng không nhất định là một điều xấu, ít nhất là khi nó được kiểm soát. Sự lo lắng có thể cho chúng ta thời gian để lập chiến lược cho các tình huống có thể xảy ra, để cân nhắc các lựa chọn và chiến thuật một khi những sợ hãi do chúng ta tưởng tượng có thể trở thành hiện thực, và chúng ta sẽ có đủ dũng khí để đối mặt với những gì sắp xảy đến.
Đôi khi chúng ta cố gắng chế ngự những lo lắng về tương lai bằng cách tâm sự với bạn bè. Chỉ cần một lời nói tử tế, một vài lời khuyên hữu ích, một cái vỗ vai — và có khi là trong một hoàn cảnh nhất định, một cú hích — có thể có hiệu quả. Khi Douglas MacArthur tham dự kỳ thi để vào Học viện West Point, kỳ thi mà ông đã dành nhiều tháng tập trung chuẩn bị, nhưng ông lại sợ thất bại đến mức cảm thấy mình như bị ốm, muốn bỏ cuộc và trở về nhà. Với những lời động viên của mẹ đã giúp ông gạt bỏ những chướng ngại đó và MacArthur cuối cùng đã bỏ xa các thí sinh khác. Ông được nhận vào Học viện, là một tân binh với thành tích học tập xuất sắc, rồi về sau trở thành một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của lịch sử Hoa Kỳ.
Trên mạng trực tuyến cũng có nhiều lời khuyên chống lại sự lo lắng. Bạn có thể tìm kiếm ở Google với cụm từ “Làm sao để không phải lo lắng về tương lai,” và rất nhiều trang web sẽ xuất hiện, với nhiều đề xuất khác nhau, từ việc học cách sống lạc quan cho đến các bài tập thở.
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times.