Hoa Kỳ: TT Biden ca ngợi sự phục hồi kinh tế trong khi hoạt động kinh doanh sụt giảm
Hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Mười, và sự giảm tốc kinh tế “đã đạt được động lực đáng kể,” S&P Global cho biết hôm thứ Hai (24/10), trong khi Tòa Bạch Ốc ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp thấp và ghi nhận nghị trình kinh tế của Tổng thống Joe Biden là sự phục hồi kinh tế “mạnh mẽ trong lịch sử.”
Chỉ số Sản lượng Tổng hợp PMI của S&P Global, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 47.3 trong tháng này so với số liệu gần nhất là 49.5 hồi tháng Chín.
Chỉ số dưới 50 cho thấy sự thu hẹp của khu vực tư nhân. Ngoài sự sụt giảm trong đợt đại dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, sản lượng kinh doanh hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–09, theo S&P Global.
Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của S&P cho biết: “Sự giảm tốc của kinh tế Hoa Kỳ đã đạt được động lực đáng kể trong tháng Mười, trong khi niềm tin vào triển vọng cũng xấu đi đáng kể.”
Ông nói thêm: “Sự suy giảm được dẫn đầu bởi sự đi xuống trong hoạt động dịch vụ, do chi phí sinh hoạt tăng và điều kiện tài chính thắt chặt thúc đẩy.”
Tòa Bạch Ốc ca ngợi các chính sách kinh tế của TT Biden
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc tập trung vào các dữ liệu kinh tế khác, tìm cách vẽ nên bức tranh về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ dưới sự quản lý của TT Biden khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Mỹ tin tưởng Đảng Cộng Hòa hơn trong việc giải quyết tốt hơn nền kinh tế và lạm phát.
Giá xăng đã giảm trung bình 1.22 USD/gallon trên toàn quốc kể từ khi chạm mức cao kỷ lục trong tháng Sáu, với việc Tòa Bạch Ốc đưa ra tuyên bố tán dương nỗ lực của TT Biden trong việc hạ giá xăng.
Tòa Bạch Ốc cho biết, “Tổng thống Biden cam kết làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm giá cho các gia đình Mỹ,” trích dẫn quyết định của ông Biden về việc sử dụng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) và lời kêu gọi lặp đi lặp lại của ông rằng các công ty dầu khí phải hạ giá bán buôn đến tay người tiêu dùng.
Nhiều người Mỹ sống phụ thuộc vào tiền lương
Trong khi các tài xế Mỹ chắc chắn sẽ hoan nghênh việc giảm giá xăng, lạm phát đã gần đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên, với một cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng người Mỹ phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng trong bối cảnh giá cả tăng vọt đã tăng gần mức cao nhất mọi thời đại.
63% công dân Hoa Kỳ đang trông chờ vào tiền lương hàng tháng trong tháng 09/2022, tăng từ 57% hồi tháng 09/2021 và gần với mức cao lịch sử 64% trong tháng Ba.
Tiền lương thực tế, được điều chỉnh theo lạm phát, đã giảm 3.3% trong 12 tháng qua, làm gia tăng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà các gia đình Hoa Kỳ phải đối mặt.
Tòa Bạch Ốc đang cố gắng ‘bao biện’ cho việc giá tăng
Ông Brian Riedl, một nhà kinh tế học và thành viên cao cấp tại Viện Manhattan, nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Tòa Bạch Ốc đang cố gắng xoay chuyển các chỉ số kinh tế mới nhất để vẽ nên một bức tranh màu hồng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
“Điểm đáng lưu ý hơn là giá cả đã tăng 13% kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021 và tiền lương chỉ tăng một nửa con số đó,” ông Riedl nói với hãng thông tấn này. “Quý vị không thể bao biện cho tình trạng giá cả tăng, lương thực tế giảm và giá trị cổ phiếu giảm.”
Một tuyên bố khác của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai đã ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục ở một số tiểu bang, nói rằng các hãng tin trên khắp đất nước đang đưa tin về “sự phục hồi kinh tế mang tính lịch sử của Tổng thống Biden.”
Cục Thống kê Lao động (BLS) gần đây đã báo cáo rằng, trong tháng Chín, 11 tiểu bang và Địa khu Columbia đã đạt hoặc lập kỷ lục mới về tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất từ trước đến nay của họ.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Dữ liệu này là bằng chứng khác cho thấy nghị trình kinh tế của Tổng thống Biden đang phát huy tác dụng, và nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển từ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong lịch sử sang tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.”
Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ có thêm 263,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã giảm xuống 3.5% vào tháng trước, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở mức thấp.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, phản ánh tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động đang tìm việc làm hoặc đang làm việc, đạt 62.3% trong tháng Chín, thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 63.4%.
Ông EJ Antoni, nhà nghiên cứu của Quỹ Di sản, nói với Fox News rằng luận điệu của Tòa Bạch Ốc về nền kinh tế đã trở thành kiểu “chính phủ kiểm soát tất cả.”
Ông nói với hãng thông tấn: “Nếu quý vị chỉ muốn nhìn vào một vài con số nhất định theo một cách riêng biệt, quý vị có thể lập luận rằng mọi người đang làm tốt hơn và nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn. Nhưng khi quý vị nhìn mọi thứ một cách tổng thể, nền kinh tế đang ở trong tình trạng bất ổn hơn là có một nền tảng vững chắc.”
Kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp trong năm nay, đáp ứng định nghĩa không chính thức cho một cuộc suy thoái.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán rằng ước tính sơ bộ GDP quý 3 do Bộ Thương mại đưa ra hôm thứ Năm (20/10), nằm trong khoảng từ tốc độ tăng trưởng hàng năm là 0.8% đến 3.7%, với dự báo trung bình là 2.4%.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang chậm lại do Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạ nhiệt nhu cầu và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times