Cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cảnh báo về ‘vòng xoáy tiêu cực’ do thâm hụt ngân sách
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Bloomberg rằng các cuộc tranh luận tài khóa cần được khởi động lại vì chi phí đi vay tăng cao có nguy cơ gây ra “vòng xoáy tiêu cực” tiềm ẩn đối với thâm hụt ngân sách.
Ông Summers đã đưa ra nhận xét nói trên trong chương trình “Wall Street Week” hôm 21/10 của Bloomberg, trong đó ông nói rằng các sáng kiến chi tiêu lớn của chính phủ TT Biden, bao gồm việc xóa nợ cho sinh viên khiến thâm hụt hàng tháng tăng 562%, có thể làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư.
“Nếu dự báo thâm hụt của quý vị bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát và lãi suất thực của quý vị bắt đầu tăng nhanh chóng, thì quý vị có thể rơi vào một loại vòng xoáy tiêu cực,” ông Summers nói với hãng thông tấn này. “Chúng ta sẽ cần phải xem xét rất cẩn thận các dự báo tài chính của chính mình ở Hoa Kỳ.”
Mặc dù thâm hụt ngân sách liên bang giảm xuống còn 1.38 ngàn tỷ USD trong năm nay từ mức 2.78 ngàn tỷ USD trong năm tài chính 2021, nhưng con số này cao hơn 562% so với cùng tháng 09/2021. Mức tăng so với cùng tháng này năm ngoái chủ yếu phản ánh việc xóa nợ của sinh viên của TT Biden vì chi phí trong vài năm đã bị nén vào một tháng.
‘Khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ’
Một nhà kinh tế nổi tiếng khác đã cảnh báo về rủi ro nợ cao khi chi phí đi vay tăng là ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, người có biệt danh “Dr. Doom” cho dự đoán chính xác của mình về cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008–2009.
Ông Roubini cho biết trong một bài báo cho tạp chí Time rằng trong điều kiện mức nợ công và tư nhân hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây, việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao mang lại rủi ro suy giảm lớn.
Ông viết: “Việc bình thường hóa nhanh chóng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất sẽ khiến các gia đình, công ty, tổ chức tài chính, và chính phủ có đòn bẩy tài chính cao rơi vào tình trạng phá sản và vỡ nợ.”
Ông Roubini kỳ vọng cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ là sự kết hợp của lạm phát đình trệ những năm 1970 và cuộc khủng hoảng nợ 2008–2009, dự đoán một sự kết hợp độc hại mà “thập niên tới có thể là một cuộc Khủng Hoảng Nợ Lạm Phát Đình Trệ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.”
Dự báo này diễn ra khi các thành viên Đảng Cộng Hòa chỉ trích việc chi tiêu nhiều tiền của chính phủ TT Biden và đã cảnh báo về sự cần thiết của việc cắt giảm chi tiêu.
Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Punchbowl News: “Quý vị không thể tiếp tục con đường cứ mãi chi tiêu và tăng thêm nợ.”
Nhà lập pháp GOP này nói rằng nếu Đảng Cộng Hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện, họ nên cân nhắc sử dụng các cuộc đàm phán về giới hạn nợ để gây áp lực cắt giảm chi tiêu của Đảng Dân Chủ.
“Và nếu mọi người muốn đưa ra mức trần nợ [trong một khoảng thời gian dài hơn], giống như bất kỳ điều gì khác, sẽ đến thời điểm mà, được rồi, chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị nhiều tiền hơn, nhưng quý vị phải thay đổi hành vi hiện tại của mình.”
Ông nói thêm, “Chúng tôi sẽ không chỉ cứ thế tiếp tục nâng hạn mức tín dụng của quý vị. Và chúng ta nên nghiêm túc ngồi lại với nhau và [tìm ra] nơi nào chúng ta có thể loại bỏ một số lãng phí? Chúng ta có thể làm cho nền kinh tế phát triển mạnh hơn ở đâu?”
‘Buộc giảm chi tiêu nhiều nhất’ có thể
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, ông Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cao cấp của cựu Tổng thống Donald Trump, cho rằng lạm phát tăng cao là do các gói chi tiêu rất lớn của chính phủ TT Biden và cho biết điều duy nhất sẽ hạ nhiệt áp lực giá cả là chiến thắng của GOP trong cuộc bầu cử giữa kỳ để họ có thể gây áp lực buộc đảng Dân Chủ “ngừng chi tiêu.”
Ông Moore thừa nhận rằng có những giới hạn đối với những gì mà Quốc hội do Đảng Cộng Hòa kiểm soát có thể làm để kiềm chế chi tiêu, vì một số giới hạn trong số đó là trong chế độ “điều khiển tự động” và không thể dừng lại bằng một cuộc bỏ phiếu.
“Đảng Cộng Hòa không nên hứa quá nhiều,” ông nói. “Họ có thể ngừng chi tiêu mới, họ có thể — trong cuộc chiến về mức trần nợ — thu hồi một số chi tiêu, như chúng ta đã làm với [cựu Tổng thống Barack] Obama.”
Ông nói rằng một chiến thắng của GOP có thể sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều xích mích chính trị hơn ở Hoa Thịnh Đốn.
Ông nói, “Không bên nào sẽ hài lòng. Nhưng Đảng Cộng Hòa càng có thể giảm nhiều chi tiêu và các quy định, thuế thì nền kinh tế càng mạnh.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times