Hoa Kỳ: Tòa phúc thẩm tán thành việc DOJ sử dụng luật cản trở một cách lạ thường đối với các bị cáo ngày 06/01
Hôm 07/04, một hội đồng gồm ba thẩm phán có quan điểm bất đồng của Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã tán thành việc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sử dụng một cách lạ thường một đạo luật giả mạo bằng chứng trọng tội đối với các bị cáo trong vụ án hình sự ngày 06/01.
Những thẩm phán tòa phúc thẩm này đã đưa ra một cách giải thích rộng về tội “cản trở” mà gần như chắc chắn sẽ bị kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Thẩm phán Florence Pan, do Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm, và Thẩm phán Justin R. Walker, do cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã bỏ phiếu đảo ngược các phán quyết năm 2022 của Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Carl Nichols vốn bác bỏ các cáo buộc cản trở đối với ba bị cáo ngày 06/01.
Bà Pan và ông Walker đã đồng tình với cách hiểu rộng về đạo luật cản trở do DOJ đưa ra.
Thẩm phán Gregory Katsas, một người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã không đồng tình. Ông Katsas cảnh báo rằng cách giải thích do khối đa số [gồm hai thẩm phán] này đưa ra, chẳng hạn, sẽ khiến những người biểu tình đứng bên ngoài ngôi nhà của một thẩm phán phải chịu án 20 năm tù liên bang.
Bỏ qua việc lịch sử của đạo luật này xuất phát từ vụ giả mạo bằng chứng trong vụ bê bối Enron, khối đa số này cho biết luật này áp dụng cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở một “thủ tục của chính phủ,” trong đó có sự kiện Quốc hội Hoa Kỳ kiểm phiếu Đại cử tri đoàn.
Cáo buộc được sử dụng thường xuyên
Đạo luật cản trở là cáo buộc trọng tội được sử dụng thường xuyên nhất đối với các bị cáo ngày 06/01. DOJ đã buộc tội hàng trăm người cản trở Quốc hội bởi vì các cuộc biểu tình và bạo loạn diễn ra vào ngày 06/01 đã làm trì hoãn việc kiểm phiếu của Đại cử tri đoàn khoảng sáu giờ.
Các luật sư bào chữa đã theo dõi vụ án này với sự quan tâm đặc biệt. Nhiều người lập luận rằng chính phủ liên bang đang lạm dụng một luật giả mạo bằng chứng để trừng phạt các cuộc biểu tình và ngôn luận về chính trị được Hiến Pháp bảo vệ.
Trong các phán quyết vào ngày 07/03, ngày 17/03, và ngày 07/06/2022, Thẩm phán Nichols đã bác bỏ các cáo buộc cản trở đối với ông Joseph W. Fischer ở Jonestown, Pennsylvania; ông Garret A. Miller ở Richardson, Texas; và ông Edward “Jake” Lang ở Newburgh, New York. Tuy nhiên, DOJ đã kháng cáo những phán quyết này.
Ông Nichols đã phán quyết rằng luật liên bang theo Mục 18, Điều 1512(c) của Bộ luật Hoa Kỳ không áp dụng đối với hành vi của những bị cáo này vì Quốc hội đặt ra đạo luật này với dụng ý có một sự tập trung hạn hẹp, hạn chế về việc tiêu hủy tài liệu. Điều luật đó nằm trong Bộ luật Hoa Kỳ với nhan đề “Giả mạo một nhân chứng, nạn nhân, hoặc một người cung cấp thông tin.”
Các thẩm phán tòa phúc thẩm Pan và Walker không đồng tình [với ông Nichols] khi họ áp dụng cách giải thích bao quát rằng đạo luật này bao gồm việc giả mạo bằng chứng và “tất cả các hành vi cản trở, ảnh hưởng, hoặc làm trở ngại bất kỳ thủ tục của chính phủ nào hoặc cố gắng làm như vậy.”
Điều luật này của Mục 18 Bộ luật Hoa Kỳ, vốn được các công tố viên truy tố các bị cáo ngày 06/01 sử dụng nhiều, đã được Quốc hội thông qua như một phần của Đạo luật Sarbanes–Oxley năm 2002, nhằm khắc phục một điểm yếu của đạo luật này được phát hiện sau vụ bê bối kế toán và gian lận của công ty Enron.
Viết thay mặt cho khối đa số, bà Pan phê phán “lối diễn giải tù túng, tập trung vào văn bản” luật này của Thẩm phán Nichols là “mơ hồ.”
Thẩm phán Pan viết, “Chúng ta phải chấp nhận, và nghĩ rằng rất có thể Quốc hội muốn khẳng định những gì họ đã nói: Mục 1512(c)(2) nghiêm cấm tất cả các hành vi cản trở, ảnh hưởng hoặc gây trở ngại bất kỳ thủ tục nào của chính phủ hoặc nỗ lực nào để làm như vậy, ngoài các hành vi liên quan đến tài liệu hoặc đồ vật đã được quy định trong Điều 1512(c)(1).”
Bà nói rằng luật này có “các giới hạn” vì sự cản trở “phải đi kèm với ý định ‘tham nhũng’; và hành vi này phải nhắm đến một ‘thủ tục của chính phủ.’”
Trong một bản bất đồng quan điểm, Thẩm phán Katsas đã viết rằng việc sử dụng đạo luật cản trở này như hai đồng nghiệp của ông đã hình dung sẽ “tăng thêm một loạt các khinh tội lặt vặt khi biểu tình, vận động hành lang, ủng hộ thành các trọng tội [phải chịu án tù] 20 năm.”
“Mục 1512(c)(2) đã có trong hai thập niên và bị buộc tội trong hàng ngàn vụ án — nhưng cho đến khi các vụ truy tố phát sinh từ cuộc bạo loạn ngày 06/01, luật này đều được xem là một hành vi phạm tội làm suy yếu bằng chứng,” ông Katsas viết. “Sự hiểu biết được đồng thuận này là một ‘dấu hiệu mạnh mẽ’ đối lập với quan điểm lạ thường của chính phủ.”
Ông Katsas cảnh báo rằng việc chấp nhận quan điểm của DOJ có thể mang lại “những hình phạt khắc nghiệt của luật cản trở công lý đối với các lĩnh vực mới gồm ủng hộ, phản đối, và vận động hành lang.”
Ông Katsas nói: “Đối với tôi, có vẻ hơi quá khi nói rằng cách giải thích của chính phủ không chỉ là tốt nhất mà còn quá tốt hơn nhiều so với những cách giải thích khác đến mức chúng ta có thể tuyên bố cách giải thích đó đúng một cách rõ ràng và đi đến kết luận mà không cần hoàn thành phân tích toàn diện theo luật định.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times