Hoa Kỳ: Số lượng thông báo trục xuất người thuê nhà tăng ở một số thành phố
Theo dữ liệu gần đây do Phòng Nghiên cứu về Trục xuất của Đại học Princeton thu thập, số trường hợp trục xuất khỏi nhà đang gia tăng ở một số thành phố của Hoa Kỳ.
Hệ thống Theo dõi Trục xuất của Princeton đã theo dõi các hồ sơ trục xuất trên khắp Hoa Kỳ kể từ năm 2000 khi phòng thí nghiệm này bắt đầu công bố những phát hiện của mình.
Những phát hiện này dựa trên hàng chục triệu hồ sơ công khai từ các cơ sở dữ liệu cấp tiểu bang và quận.
Sau một thời gian tạm lắng trong đại dịch, số lượng hồ sơ trục xuất người thuê nhà của chủ nhà đã bắt đầu tăng vọt.
Lãi suất vay thế chấp tăng, lạm phát cao, giá thuê tăng, và tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ đang ảnh hưởng đến các gia đình có thu nhập trung bình đến thấp đang phải chật vật để sống qua ngày trên cả nước.
Ông Daniel Grubbs-Donovan, một nhà nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu về Trục xuất tại Đại học Princeton, nói với NBC News vào mùa thu năm ngoái (2022): “Với lạm phát và giá thuê nhà tăng mạnh mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua, so với trước đại dịch khi chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng nhà ở giá cả phải chăng thì tình huống còn tệ hơn nhiều đối với những người thuê nhà có thu nhập thấp ”
Phòng Nghiên cứu về Trục xuất đã phát hiện ra rằng gần 970,000 yêu cầu trục xuất đã được nộp trên toàn quốc trong năm qua, tăng 78.6% so với năm 2021 khi phần lớn quốc gia áp dụng lệnh cấm trục xuất.
Số hồ sơ trục xuất gần như trở lại mức trước đại dịch vào tháng 12/2022 và kết quả là tình trạng vô gia cư gia tăng.
Thị trường nhà ở khó khăn
Người mua và người bán nhà ở Mỹ cũng đang phải đối mặt với thị trường nhà ở khó khăn nhất trong một thập niên, một xu hướng có thể sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của năm.
Theo Zillow, với giá thuê nhà trên toàn quốc tăng khoảng 5% so với một năm trước và tăng 30.5% so với năm 2019, hầu hết những người thuê nhà bị chuyển đi đều không gặp may.
Liên minh Nhà ở Thu nhập thấp Quốc gia (NLIHC) ước tính hiện nay đang còn thiếu 7.3 triệu căn hộ giá cả phải chăng trên toàn quốc.
Hàng triệu gia đình chậm trả tiền thuê nhà trong đại dịch đã được bảo vệ khỏi bị trục xuất cho đến khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết vào năm 2021 rằng điều đó vi phạm quyền của chủ nhà.
Kể từ khi lệnh cấm trục xuất tạm thời trên toàn quốc hết hạn vào năm 2021, các tiểu bang và thành phố đã cho phép tiến hành trục xuất.
Ngay cả khi không có các hạn chế của liên bang, số trường hợp trục xuất vẫn thấp hơn nhiều so với mức thông thường ở hầu hết các tiểu bang và thành phố cho đến năm nay do quỹ liên bang đã cung cấp trợ giúp thuê nhà khẩn cấp cho người thuê nhà.
Hồi mùa hè năm 2022, quỹ trợ giúp của liên bang cuối cùng đã bắt đầu cạn kiệt, và các thông báo trục xuất đã tăng lên kể từ đó.
Ông Grubbs-Donovan nói với The Nashua Telegraph hồi tháng Sáu: “Các biện pháp bảo vệ đã kết thúc, lệnh cấm liên bang rõ ràng đã kết thúc, và tiền trợ giúp tiền thuê nhà khẩn cấp đã cạn kiệt ở hầu hết các nơi.”
“Trên cả nước, những người thuê nhà có thu nhập thấp thậm chí còn ở trong tình trạng tệ hơn trước đại dịch do những yếu tố như tiền thuê nhà tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, lạm phát và các khó khăn tài chính khác liên quan đến thời đại dịch.”
Do hầu hết những người thuê nhà có thu nhập thấp không còn có thể dựa vào sự trợ giúp về nhà ở trong thời kỳ đại dịch, nhiều người vẫn đang cảm thấy khó duy trì ổn định tài chính.
Nhiều người vẫn không tìm được việc làm ổn định kể từ sau đại dịch, trong khi những người khác thấy tiền lương của họ không theo kịp với giá thuê nhà, thực phẩm, và các mặt hàng thiết yếu khác đang ngày càng tăng.
Trong khi đó, các trường hợp trục xuất không chính thức, bao gồm khóa cửa không cho vào, tăng tiền thuê quá mức, hoặc chấm dứt hợp đồng thuê mà không có lý do, đã không được ghi lại đầy đủ, vì chủ nhà thường đệ đơn yêu cầu mà không thông qua tòa án.
Theo Phòng Nghiên cứu về Trục xuất, mặc dù các loại trục xuất này được cho là phổ biến như các thông báo chính thức, nhưng hiện tại không có hệ thống nào để theo dõi các trường hợp như vậy.
Thành phố New York dẫn đầu về số vụ trục xuất
Theo báo cáo, chủ nhà ở các thành phố lớn của Mỹ đã thực hiện trung bình khoảng 50% các trường hợp trục xuất của họ trong ba năm qua, chỉ trong 12 tháng qua.
Theo dữ liệu, thành phố có số lượng hồ sơ trục xuất cao nhất kể từ sau đại dịch là New York, đứng đầu danh sách với 254,828 hồ sơ.
Điều này chủ yếu là do quy mô dân số lớn của thành phố so với các thành phố cùng hạng.
Lệnh cấm trên toàn tiểu bang ngăn chủ nhà nộp đơn yêu cầu trục xuất trong đại dịch đã hết hạn ở New York vào tháng 01/2022.
Một chương trình quyền được tư vấn và các tòa án về gia cư đơn giản trong việc tiếp tục các vụ án liên quan đến tiền thuê nhà chưa thanh toán đã khiến các vụ trục xuất ở thành phố này giảm so với mức lẽ ra phải có.
Tiền quỹ trợ giúp nhà ở liên bang đã cạn kiệt
Thành phố có số lượng hồ sơ trục xuất lớn thứ hai là Houston, với 174,355 hồ sơ kể từ năm 2020, tiếp theo là Phoenix với 172,699.
Các biện pháp bảo vệ trục xuất ở Texas đã bắt đầu hết hạn vào tháng 05/2020, trong khi ở Arizona thì các biện pháp này đã kết thúc vào tháng 10/2020, từ sớm trong đại dịch.
Về mặt pháp lý, chủ nhà ở Houston chỉ cần thông báo trước ba ngày trước khi đuổi người thuê nhà, trong khi Arizona chưa bao giờ hoãn việc đệ trình hồ sơ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Tuy nhiên, Austin, nơi có nhiều biện pháp bảo vệ người thuê nhà mang tính thiên tả hơn so với phần còn lại của Texas, đã có lệnh cấm trục xuất tại địa phương cho đến tháng 03/2022.
Số lượng hồ sơ trục xuất ở Austin trong năm qua cao hơn 99% so với mức trước đại dịch.
Austin và Richmond, Virginia, đã có hơn 55% tổng số hồ sơ trục xuất của họ kể từ năm 2020 diễn ra trong năm qua.
Ở Richmond, hồ sơ trục xuất thấp trước và trong đại dịch nhưng đã tăng lên sau khi các biện pháp bảo vệ trục xuất hết hạn vào tháng 06/2022.
Lượng hồ sơ trục xuất ở Richmond trong năm qua cao hơn 84% so với mức trung bình trong những năm trước đại dịch.
Minneapolis-Saint Paul đứng đầu danh sách, với 63.6% lượng hồ sơ trục xuất được nộp từ khi có đại dịch.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times