Hoa Kỳ: Quốc hội trở lại với danh sách dài những việc cần làm
Trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kéo dài hai tuần, các nhà lập pháp đã rời Capitol Hill với một số ưu tiên lập pháp vẫn còn dang dở.
Các thành viên Quốc hội sẽ trở lại thủ đô của đất nước trong tuần này với một danh sách dài những việc cần làm.
Trong hai tuần qua, các nhà lập pháp đã trở về quê nhà của mình để tận hưởng kỳ nghỉ lễ Phục Sinh.
Trước kỳ nghỉ, Quốc hội đã thông qua một dự luật tài trợ cho chính phủ trị giá 1.2 ngàn tỷ USD, chấm dứt tình trạng đùn đẩy và trì hoãn kéo dài hàng tháng qua.
Tuy nhiên, họ rời khỏi Capitol Hill khi nhiều ưu tiên lập pháp vẫn còn dang dở.
Đây là những vấn đề mà các thành viên Quốc hội sẽ phải giải quyết khi họ quay trở lại làm việc:
Đàn hặc ông Mayorkas
Có lẽ nội dung nghị trình nổi bật nhất của Quốc hội sẽ là phiên tòa xét xử Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas tại Thượng viện — một phiên tòa thậm chí có thể không xảy ra.
Hồi tháng Hai, các thành viên Hạ viện đã chuyển sự chú ý sang vị bộ trưởng đang gặp rắc rối này, người mà Đảng Cộng Hòa cáo buộc đã lơ là nhiệm vụ trong việc giải quyết vấn đề biên giới phía Nam.
Sau khi cuộc bỏ phiếu ban đầu về các điều khoản đàn hặc thất bại, Hạ viện đã bỏ phiếu vào ngày 13/02 để thông qua các điều khoản trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo đường lối đảng phái với tỷ lệ 214 phiếu thuận–213 phiếu chống vốn nhận được sự phản đối từ một số ít thành viên Đảng Cộng Hòa.
Kể từ đó, các điều khoản đàn hặc nói trên đã không có thêm bước tiến nào tại Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, nơi hầu hết những điều khoản này bảo đảm sẽ thất bại.
Tuy nhiên, trong tuần này, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết ông dự định bắt đầu công việc xét xử vì Hạ viện dự kiến sẽ chính thức chuyển nghị quyết lên Thượng viện vào ngày 10/04.
“Xin lưu ý rằng tất cả các Thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ với tư cách là bồi thẩm viên trong phiên tòa này một ngày sau khi các điều khoản đàn hặc được trình lên, và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patty Murray sẽ là người chủ trì,” ông Schumer viết trong bức thư “Thân gửi Đồng sự” (pdf). “Tôi nhắc nhở các Thượng nghị sĩ rằng sự hiện diện của quý vị vào tuần tới là điều cần thiết.”
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát dự đoán rằng các điều khoản đàn hặc có thể sẽ không được lắng nghe đầy đủ tại Thượng viện, vì trên thực tế họ có thể sử dụng những cách thức của Quốc hội để loại bỏ các điều khoản đàn hặc đó.
Về cơ bản, những cách thức này có thể bao gồm một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện để hủy bỏ hoàn toàn nghị quyết đó hoặc chuyển văn bản này đến ủy ban.
Bởi vì chỉ cần một [cuộc bỏ phiếu] đa số quá bán là thực hiện được một trong hai cách thức này, nên một đề nghị như vậy bảo đảm sẽ được thông qua ở Thượng viện, từ đó loại bỏ hoàn toàn phiên tòa.
Những quân bài đặc biệt duy nhất trong cuộc chơi này là các Thượng nghị sĩ Jon Tester (Dân Chủ-Montana) và Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) đều đang tái tranh cử trong năm nay với tư cách là thành viên Đảng Dân Chủ ở các tiểu bang đỏ sẫm. Tuy nhiên, họ cũng có khả năng bỏ phiếu theo đảng của mình đối với một nghị quyết như vậy.
Ukraine
Các nhà lập pháp cũng cần phải xem xét một hình thức viện trợ bổ sung nào đó cho Ukraine, vốn đã bị đình trệ tại Quốc hội trong nhiều tháng do sự chỉ trích ngày càng tăng của Đảng Cộng Hòa.
Một số nhà lập pháp, chẳng hạn như Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), đã kêu gọi chấm dứt hoàn toàn việc tài trợ cho Ukraine.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã không đi quá xa trong các tuyên bố công khai của mình về vấn đề này, nhưng đã khuyến nghị Đảng Cộng Hòa đưa ra các gói viện trợ ngoại quốc trong tương lai dưới dạng các khoản vay không lãi suất thay vì các khoản trợ cấp đơn giản.
Những người khác kêu gọi tập trung vào viện trợ quân sự thuần túy, và bỏ qua các nỗ lực nhân đạo.
Tuy nhiên, vào thời điểm xuất bản bản tin này, chưa có thông tin cụ thể nào về gói này, dù là số con số tổng hay hình thức của gói viện trợ.
Nhưng trong khi đưa ra suy đoán của mình về việc viện trợ bổ sung, một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã lặp lại lập luận của cựu Tổng thống Trump về một khoản vay, một hành động mà một số người mong đợi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) sẽ theo đuổi.
Với quá ít thông tin như hiện nay, thật khó để dự đoán liệu một gói viện trợ bổ sung cho Ukraine có được Quốc hội giới thiệu và thông qua hay không.
Đồng thời, trong những tháng gần đây, Ukraine đã không ngừng đưa ra những lời thỉnh cầu trợ giúp, với những cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả nếu Quốc hội không hành động.
Kiến nghị truất phế
Xoay quanh vấn đề tài trợ cho Ukraine là một kiến nghị đáng chú ý nhắm vào việc truất phế ông Johnson.
Hồi tháng 10/2023, người Mỹ đã lần đầu tiên chứng kiến một kiến nghị bãi nhiệm chủ tịch [Hạ viện] thành công, khi Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) khởi xướng kiến nghị truất phế Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là ông Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Vào thời điểm đó, bảy thành viên Đảng Cộng Hòa đã cùng với ông Gaetz và tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ bỏ phiếu để tước bỏ quyền lãnh đạo của vị nghị sĩ đến từ Đảng Cộng Hòa California này.
Giờ đây, bà Greene đã đưa ra một kiến nghị tương tự nhắm vào ông Johnson, mà theo bà, kiến nghị này nên được xem như một “tấm thẻ hồng” và “một lời cảnh báo” đối với vị Dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa Louisiana này.
Bà đã đưa ra kiến nghị nói trên ngay sau khi Hạ viện thông qua gói tài trợ trị giá 1.2 ngàn tỷ USD vốn được công bố chưa đầy 36 giờ trước đó.
Tuy nhiên, bà Greene từ chối đặt kiến nghị này lên thành ưu tiên, một tình huống mà Quốc hội sẽ buộc phải bỏ phiếu nếu không có sự đồng ý của ông Johnson. Bà đã cảnh báo rằng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Và với tư cách là một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất của Quốc hội đối với Ukraine, bất kỳ nỗ lực nào nhằm cung cấp thêm kinh phí cho Ukraine đều có thể khiến bà Greene buộc phải thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về kiến nghị này.
Đồng thời, không rõ liệu một kiến nghị như vậy có khả năng thành công hay không.
Nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa không muốn chứng kiến sự lặp lại của những tuần tê liệt sau khi ông McCarthy bị cách chức.
Và ngay cả những thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu ủng hộ việc cách chức ông McCarthy cũng bày tỏ sự hoài nghi về nỗ lực tương tự nhắm vào ông Johnson, nói rằng một hành động như vậy có thể dẫn đến kết cục là một thành viên Đảng Dân Chủ sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Tài trợ cho cầu Baltimore?
Quốc hội cũng có thể huy động nguồn tài trợ để giúp tiểu bang Maryland xây dựng lại cầu Francis Scott Key, vốn đã bị sập hai tuần trước sau khi bị một tàu chở hàng đụng phải.
Sau thảm họa sập cầu dẫn đến một số người vẫn còn ở trên cây cầu bị thiệt mạng, Tổng thống Joe Biden nhanh chóng tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ chi trả toàn bộ chi phí.
Đảng Cộng Hòa đã phản ứng gay gắt, trong đó nhiều người nói rằng việc xây dựng lại cây cầu thuộc sở hữu của Maryland không phải là nhiệm vụ của chính phủ liên bang.
Một số người, bao gồm House Freedom Caucus, đã kêu gọi tối đa hóa trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu Dali, con tàu chở hàng liên quan đến thảm họa này, ngay cả khi chủ sở hữu con tàu tìm cách hạn chế trách nhiệm pháp lý của mình.
Tuy nhiên, HFC không hoàn toàn loại trừ khả năng sẽ có tài trợ liên bang, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho bất kỳ dự luật nào như vậy đơn giản và giới hạn trong chủ đề đơn lẻ đó, thay vì “một dự luật bị nhồi nhét đầy các dự án không liên quan.”
Tổng thống Biden sẵn sàng theo đuổi các yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với chủ con tàu, nhưng nhắc lại lời hứa rằng chính phủ liên bang sẽ tài trợ phần lớn cho những thiệt hại trong chuyến thị sát hiện trường thảm họa vào tuần trước.
“Như thống đốc biết, tôi hoàn toàn có ý định rằng chính phủ liên bang sẽ đài thọ chi phí xây dựng toàn bộ cây cầu này — tất cả — như chúng tôi đã làm ở những nơi khác trên đất nước trong hoàn cảnh tương tự,” Tổng thống Biden nói. “Tôi kêu gọi Quốc hội thông qua nỗ lực này càng sớm càng tốt.”
Tuy nhiên, tại thời điểm xuất bản bản tin này, vẫn chưa rõ liệu Quốc hội có kế hoạch nào (nếu có) để đáp ứng lời kêu gọi của tổng thống hay không.
Gia hạn FISA
Cuối cùng, Hạ viện dự kiến sẽ thông qua luật để tái cấp phép cho quyền hạn theo dõi gây tranh cãi.
Cụ thể, Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), vốn ban đầu được ấn định sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023, đã được gia hạn ngắn hạn đến ngày 19/04.
Các thành viên của cộng đồng tình báo xem quyền hạn này là rất cần thiết, ngay cả khi quyền hạn này ngày càng thu hút sự theo dõi sát sao do đã xảy ra một loạt vụ lạm dụng tai tiếng.
Tuần này, Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về một dự luật cải cách mang tính thỏa hiệp, Đạo luật Cải cách Tình báo và Bảo vệ Nước Mỹ của Dân biểu Laurel Lee (Cộng Hòa-Florida).
Ngoài việc tái cấp phép cho quyền hạn này trong 5 năm, đề xướng này còn đưa ra một số cải cách mà những người chỉ trích chương trình đã yêu cầu.
Ví dụ, dự luật sẽ yêu cầu các tiêu chuẩn mới để bảo đảm tính chính xác và đầy đủ của bất kỳ truy vấn nào nằm trong quyền hạn này. Dự luật sẽ mở rộng các hình phạt pháp lý đối với những người đưa ra các truy vấn bất hợp pháp, và sẽ giúp Quốc hội thực hiện giám sát việc đó dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có yêu cầu nào nói rằng tất cả các truy vấn về công dân Mỹ đều phải có trát lệnh — một yêu cầu chính mà các nhà phê bình thường lặp lại, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio).
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) nói rằng bất chấp điều này, ông vẫn ủng hộ dự luật, và hy vọng nó sẽ được thông qua.
Tuy nhiên, một liên minh gồm các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ phản đối việc chính phủ Hoa Kỳ theo dõi người dân Mỹ vẫn có thể hủy bỏ dự luật này nếu họ không thấy những cải cách đó là đủ, khiến số phận dự luật của bà Lee trở nên không chắc chắn.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times