Hoa Kỳ: Quốc hội sắp nghe các cơ quan quản lý ngân hàng giải trình về sự sụp đổ của SVB, Signature Bank
Hôm thứ Sáu (17/03), Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện thông báo, Quốc hội sẽ tổ chức phiên điều trần lưỡng đảng đầu tiên với các cơ quan quản lý tài chính liên bang hàng đầu về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào cuối tháng này.
Ông Martin Gruenberg, chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và ông Michael Barr, phó chủ tịch giám sát Cục Dự trữ Liên bang, đã được triệu tập để làm chứng, với phiên điều trần đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra hôm 29/03.
Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch ủy ban Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) và Thành viên cao cấp Maxine Waters (Dân Chủ-California) tuyên bố họ quyết tâm tiến hành phiên điều trần một cách “không sợ hãi hay thiên vị” và cấp cho người dân Mỹ câu trả lời về sự sụp đổ của các ngân hàng kể trên, vốn có khả năng leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng hơn.
“Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện cam kết tìm ra ngọn ngành các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank,” ông McHenry và bà Waters cho biết trong một tuyên bố chung. “Phiên điều trần này sẽ cho phép chúng ta bắt đầu hiểu tại sao và làm thế nào các ngân hàng này lại sụp đổ.”
Tổng thống Biden kêu gọi trách nhiệm giải trình
Trong khi đó, các giám đốc điều hành ngân hàng chủ trì các ngân hàng đổ vỡ sẽ bị cấm làm việc trở lại trong lĩnh vực này theo một đề xướng mới được Tòa Bạch Ốc công bố hôm thứ Sáu (17/03).
Nhân tình trạng hỗn loạn tài chính này, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội mở rộng quyền lực của FDIC trong việc thu hồi tiền bồi thường từ các giám đốc điều hành tại các ngân hàng sụp đổ, bao gồm cả tiền lãi từ việc bán cổ phiếu.
Theo Tòa Bạch Ốc, hành động này nhằm khiến ban quản lý cao cấp chịu trách nhiệm hơn về sự sụp đổ của các tổ chức của họ và cho phép các cơ quan quản lý trừng phạt các giám đốc điều hành ngân hàng đã tiến hành quản lý yếu kém và chấp nhận rủi ro quá mức một cách dễ dàng hơn.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố, “Quốc hội phải có hành động để tăng cường khả năng của chính phủ liên bang trong việc quy trách nhiệm cho ban quản lý cao cấp khi ngân hàng của họ sụp đổ và được FDIC tiếp nhận.”
Hiện tại, FDIC chỉ sở hữu quyền thu hồi theo Đạo luật Dodd-Frank đối với các ngân hàng lớn.
Ông Biden cũng đề nghị tăng cường luật để ngăn chặn các giám đốc điều hành bị phát hiện đã tham gia “cố ý hoặc tiếp tục coi thường sự an toàn và lành mạnh” của ngân hàng của họ đi nhận việc tại các ngân hàng khác.
Hơn nữa, tổng thống muốn mở rộng thẩm quyền của FDIC trong việc phạt tiền đối với các giám đốc điều hành của các ngân hàng đổ vỡ nếu hành động của họ góp phần vào sự phá sản của công ty họ.
Bộ trưởng Ngân khố: ‘Hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn vững chắc’
Quốc hội đã có thể nhận được một số câu trả lời vào thứ Năm khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đối mặt với Ủy ban Tài chính Thượng viện. Bà ấy nói với các thành viên của Quốc hội rằng tiền gửi ngân hàng và tiền tiết kiệm của họ “vẫn an toàn” trong bối cảnh lo ngại rằng sự lây lan khiến Signature và SVB sụp đổ có thể lan sang các ngân hàng khác.
“Tôi có thể bảo đảm với các thành viên của ủy ban này rằng hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn vững chắc và người Mỹ có thể cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ sẵn sàng khi họ cần,” bà Yellen nói trong một tuyên bố chuẩn bị sẵn. “Các hành động trong tuần này thể hiện cam kết kiên quyết của chúng tôi nhằm bảo đảm rằng tiền tiết kiệm của người gửi tiền vẫn an toàn.”
Hôm 09/03, chính phủ liên bang đã can thiệp và đóng cửa SVB, sau đó là đóng cửa Signature hôm 12/03 do khách hàng rút tiền gửi hàng loạt, một diễn biến có thể được xem như một cuộc tháo chạy tại cả hai ngân hàng.
FDIC, Bộ Ngân khố và Cục Dự trữ Liên bang sau đó đã công bố kế hoạch giải cứu vào hôm 12/03 để bảo đảm khách hàng của SVB và Signature, lần lượt chuyên về công nghệ và mã kim, sẽ có quyền truy cập vào tiền của họ, ngay cả khi số tiền vượt quá hạn mức bảo hiểm 250,000 USD của FDIC.
Ngoài ra, một sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến một số khách hàng của Wells Fargo hồi tuần trước (06-12/03) đã làm gia tăng thêm mối lo của người Mỹ về khoản tiết kiệm và tiền gửi của họ.
Một số nhà đầu tư và chuyên gia tài chính muốn chính phủ liên bang giải cứu SVB để ngăn chặn một tình trạng hỗn loạn lớn hơn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bà Yellen nói với các nhà lập pháp rằng kế hoạch giải cứu sẽ bảo vệ tiền của khách hàng nhưng các cổ đông và chủ nợ sẽ không được bảo vệ khỏi thua lỗ. Bà cũng lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang đã nới lỏng quy trình vay cho các ngân hàng để họ có thể vay nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Các quan chức liên bang đã tuyên bố rằng tiền của người nộp thuế không được sử dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng. Thay vào đó, các khoản tiền được bảo hiểm và không được bảo hiểm của khách hàng đang được chi trả bằng các khoản phí mà các ngân hàng trả cho FDIC.
Một ngân hàng khác, First Republic, có trụ sở tại California, đã chứng kiến cổ phiếu giảm hơn 50% trong tuần qua, giảm 27% chỉ riêng trong hôm 16/03.
Theo các nhà phân tích, việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhằm chống lạm phát là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng. Mặc dù lãi suất cao hơn có thể kiềm chế lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế, nhưng cũng làm tăng nguy cơ suy thoái trong tương lai và có thể có tác động bất lợi đến giá trị của cổ phiếu, trái phiếu, cùng các khoản đầu tư khác. SVB nắm giữ một lượng đáng kể công khố phiếu và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS), những tài sản này đều bị mất giá sau mỗi lần Fed tăng lãi suất.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips và Andrew Moran
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times