Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho Campuchia sau khi ông Hun Sen lại tuyên bố thắng áp đảo trong cuộc bầu cử
Chính phủ Tổng thống Biden tuyên bố họ sẽ đình chỉ một số chương trình viện trợ ngoại quốc ở Campuchia sau khi Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP), do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo, tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong một cuộc bầu cử có kết quả áp đảo khác hôm 23/07.
Kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho thấy CPP giành được 125 ghế, trong khi đảng ủng hộ chế độ quân chủ FUNCINPEC giành được năm ghế. Theo RFA, FUNCINPEC là một trong 16 bên được CPP cho phép tranh cử. Tuy nhiên, do các hành động của CPP nhằm bóp nghẹt bất kỳ tiếng nói đối lập chính trị nào bằng việc đe dọa và các thủ đoạn khác, nên không bên nào trong số đó được cho là sẽ thực sự thách thức CPP.
Hồi tháng Năm, Đảng Ánh Nến của Campuchia, đảng đối lập chính ở nước này với tư cách là đối thủ duy nhất của CPP, đã bị ủy ban bầu cử do CPP chỉ định này truất quyền tham gia vì không nộp các tài liệu ghi danh “thích hợp.” Đảng Ánh Nến cho biết việc truất quyền tham gia này có động cơ chính trị. Đảng Đại Quốc Khmer Thống Nhất (KNUP) cũng bị truất quyền tham gia.
Các kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố từ ngày 09/08 đến ngày 04/09, theo tin tức địa phương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố các cuộc bầu cử của nước này là “không tự do và cũng không công bằng,” do những đe dọa và quấy rối mà phe đối lập chính trị, giới truyền thông, và các tổ chức dân sự phải đối mặt trước thềm các cuộc bỏ phiếu.
Ông Miller nói trong một tuyên bố: “Những hành động này đã tước đi tiếng nói và sự lựa chọn của người dân Campuchia để xác định tương lai của đất nước họ.”
Ông Miller tuyên bố rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với những người Campuchia mà họ tin rằng đã phá hoại nền dân chủ, nhưng ông không tiết lộ danh tính của các cá nhân phải chịu những hạn chế này.
Ông kêu gọi CPP sử dụng chiến thắng của mình để cải thiện vị thế quốc tế của nước này, bao gồm cả việc khôi phục nền dân chủ đa đảng, chấm dứt các phiên tòa có động cơ chính trị, đảo ngược bản án của những người chỉ trích chính phủ, và cho phép các hãng thông tấn độc lập hoạt động mà không bị can thiệp.
Cùng với Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các quốc gia phương Tây khác đã từ chối cử quan sát viên đến các điểm bỏ phiếu, nói trước ngày bỏ phiếu rằng cuộc bầu cử này thiếu các điều kiện để được xem là tự do và công bằng. Điều đó khiến các quan chức quốc tế từ phía Nga, Trung Quốc, và Guinea-Bissau phải đến theo dõi.
Ông Hun Sen lên kế hoạch cho con trai thừa kế quyền lực
Ông Hun Sen, 70 tuổi, nổi tiếng là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Á, đã cai trị Campuchia trong gần bốn thập niên kể từ năm 1998. Trước đó, ông đã tiết lộ cho truyền thông nhà nước Trung Quốc biết rằng ông có kế hoạch chuyển giao chức vụ thủ tướng cho con trai cả Hun Manet của ông trong vòng ba tuần sau khi tái đắc cử.
Ông Hun Manet, 45 tuổi, là tư lệnh quân đội Campuchia. Ông tốt nghiệp trường West Point với một tấm bằng thạc sĩ của Đại học New York và tấm bằng tiến sĩ của Đại học Bristol ở Vương quốc Anh.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn địa phương Phnom Penh Post hôm 21/07, ông Hun Sen nói rằng ông sẽ đòi lại vị trí lãnh đạo đất nước nếu con trai ông không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra cho vai trò này.
“Nếu con trai tôi không đáp ứng được kỳ vọng … tôi sẽ lại đảm đương vai trò thủ tướng của mình,” ông nói.
Khi được hỏi liệu con trai ông có thể điều hành đất nước do cộng sản cai trị theo cách khác hay không, ông Hun Sen vừa cười vừa trả lời: “Theo cách nào? Bất kỳ sự khác biệt nào như vậy đều có nghĩa là phá vỡ hòa bình và hủy hoại những thành tựu của thế hệ cũ.”
‘Trò hề bầu cử’
Ông Ros Sotha, Giám đốc điều hành của Liên minh Hành động Nhân quyền Campuchia, nói với RFA từ các điểm bỏ phiếu rằng ông và nhóm của mình đang theo dõi xem cử tri có nêu ra những lo ngại về các lựa chọn trên lá phiếu của họ.
Ông nói: “Phản ứng không hài lòng của người dân dường như là do việc đảng đối lập chính vắng mặt trong cuộc bầu cử.”
Cựu lãnh đạo phe đối lập đang sống lưu vong Sam Rainsy, người đồng sáng lập Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), đã mô tả cuộc bầu cử này là một “trò hề bầu cử,” lưu ý rằng Campuchia chỉ có một cuộc bầu cử công bằng kể từ năm 1975 — cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát năm 1993 chứng kiến sự thất bại của CPP.
“Họ có thể không đạt được gì ngoài việc tạo ra tính hợp pháp cho một trò hề bầu cử mà hiểu theo cách tốt nhất là bóp méo nguyện vọng của người dân và, tệ nhất là đảo ngược nó. Đây là sự phụng sự tồi tệ nhất có thể được trao cho người dân Campuchia,” ông Rainsy viết trong một bài báo đăng trên Nikkei Asia hôm 09/05.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 23/07, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến số lượng phiếu bầu bị hỏng trong kết quả bầu cử, lưu ý rằng nhiều người dân địa phương đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp vào các lá phiếu của họ.
Voters writing calls for help from the United Nations on their ballot papers. #Cambodia pic.twitter.com/CQNphDZyGj
— Rainsy Sam (@RainsySam) July 23, 2023
Ông Rainsy đã sống lưu vong ở Pháp từ năm 2015 để tránh phải ngồi tù vì nhiều tội danh phỉ báng. Năm 2017, một tòa án đã giải tán đảng CNRP của ông sau khi đảng này bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ của ông Hun Sen. Năm 2021, ông bị kết án 25 năm tù.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times