Hoa Kỳ nên quay về biện pháp răn đe hạt nhân trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng
Theo ông Rick Fisher, thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, Hoa Kỳ nên quay trở lại với biện pháp răn đe hạt nhân vì các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các đối thủ, trong đó có Nga, Trung Quốc, và Bắc Hàn.
Ông Fisher nói trong chương trình “China in Focus” của NTD, “Chúng ta cần quay trở lại hoạt động răn đe hạt nhân trong khu vực. Hoa Kỳ cần khai triển hàng trăm, có thể là hàng ngàn hỏa tiễn đạn đạo trang bị hạt nhân tầm ngắn, tầm trung và tầm trung gian.”
“Hoạt động này phải ngang hàng với kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc; phải đủ vũ khí để răn đe Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn.”
Ông Fisher lưu ý rằng Nga có nhiều vũ khí hạt nhân hơn Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Nga có 1,458 đầu đạn trên 527 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, hỏa tiễn phóng từ tàu ngầm, và oanh tạc cơ. Trong khi đó, Hoa Kỳ có khoảng 100 vũ khí hạt nhân được cất giữ ở Âu Châu tại các căn cứ NATO thuộc các nước Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, và Hà Lan.
Ông nói: “Những quả bom này sẽ phải được vận chuyển bằng phi cơ mà có thể bị các hệ thống hỏa tiễn chống phi cơ đất đối không rất hiệu quả của Nga bắn hạ.”
Ông Fisher cũng chỉ ra việc chính phủ Tổng thống Biden chấm dứt chương trình hỏa tiễn hành trình phóng từ biển mang vũ khí hạt nhân từ thời cựu Tổng thống Trump hồi cuối tháng Ba.
Ông nói: “Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta đều muốn có loại hỏa tiễn hành trình này vì họ biết rằng khả năng răn đe hạt nhân trong khu vực cũng quan trọng như khả năng răn đe hạt nhân chiến lược trên toàn cầu.”
“Chúng ta đã hiểu điều này trong Chiến Tranh Lạnh. Và chúng ta đã sản xuất hàng ngàn vũ khí hạt nhân đã răn đe Nga một cách thành công.”
Theo chuyên gia này, việc Hoa Kỳ thua kém về hạt nhân sẽ khuyến khích Nga dám tiến xa hơn ở Ukraine.
Ông Fisher nói: “Ông Putin nghĩ rằng các vũ khí hạt nhân chiến thuật của ông ấy phần lớn là nguyên nhân ngăn cản Tổng thống Biden điều quân đội Hoa Kỳ và NATO đến Ukraine.”
“Giờ đây, ông ấy nghĩ rằng vì ông ấy có ưu thế hạt nhân nên ông Biden và NATO sẽ không tán thành việc phản công bằng vũ khí hạt nhân khi ông ấy sử dụng một ít vũ khí hạt nhân của mình.”
Theo quan điểm của ông Fisher, nếu Hoa Kỳ đáp trả tương xứng bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đối với người Nga, thì điều đó sẽ tạo cho người Nga một cái cớ để leo thang, có lẽ sẽ tấn công Ba Lan, các nước Baltic, bất kỳ quốc gia Âu Châu nào, hoặc thậm chí là Hoa Kỳ với các vũ khí hạt nhân lớn hơn.
Do đó, ông Fisher tin rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không đáp trả tương xứng bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật với Nga vì đơn giản là [Hoa Kỳ] không có những hệ thống này để thực hiện được điều đó.
Ông nói rằng tình thế này sẽ gây nguy hiểm cho Đài Loan, vì “phía Trung Quốc sẽ bắt đầu làm điều tương tự để đe dọa chính phủ dân chủ ở Đài Loan, cho nổ tung hoặc phô diễn các vụ nổ hạt nhân gần Eo biển Đài Loan.”
Bắn hạ hỏa tiễn Bắc Hàn
Là một phần của biện pháp răn đe hạt nhân, ông Fisher nói rằng Hoa Kỳ “cần tăng cường cải thiện trong hoạt động phòng thủ hỏa tiễn và thực sự bắt đầu bắn hạ một số hỏa tiễn Bắc Hàn này.”
Ông đã đề cập đến bản tin hôm 06/10 rằng Bắc Hàn đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo xuống Biển Nhật Bản một ngày sau khi Hoa Kỳ tái điều động một hàng không mẫu hạm đến khu vực này.
Ông nhấn mạnh, “Chúng ta chỉ cần bắn hạ hỏa tiễn này và thông báo cho Bắc Hàn rằng chúng ta có năng lực như vậy, và chúng ta sẽ sử dụng năng lực này: ‘Quý vị không được phép bắn hỏa tiễn đạn đạo của quý vị sang Nhật Bản.’”
Ông nói, phản ứng của Bắc Hàn sẽ tạo thêm lý do để kiềm chế chế độ bất hảo đó. Hoa Thịnh Đốn cũng cần thuyết phục công chúng Nam Hàn rằng Hoa Kỳ cần tái điều động các vũ khí hạt nhân chiến thuật tới đất của họ.
Ông nói, “Hơn nữa, nếu chúng ta làm như thế, rất có thể Nhật Bản và Úc sẽ làm theo.”
Ông Fisher nói rằng Hoa Kỳ cần quay lại với chính sách “Hòa bình Thông qua Sức mạnh,” vốn là chính sách nhất quán trong Chiến Tranh Lạnh.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times