Hoa Kỳ, Micronesia thắt chặt bang giao nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc
Hôm thứ Sáu (10/02), Hoa Kỳ và Micronesia đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) tái khẳng định mối bang giao chặt chẽ của họ, một hiệp ước được xem là rất quan trọng đối với những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao cho biết biên bản ghi nhớ này phản ánh một “sự hiểu biết chung đã đạt được về mức độ và loại hình giúp đỡ trong tương lai của Hoa Kỳ dành cho Liên bang Micronesia.”
Họ nói thêm, “Biên bản ghi nhớ này đã được ký kết như một phần của các cuộc đàm phán Hiệp ước Liên kết Tự do đang diễn ra và xác nhận tầm nhìn chung của chúng ta về một liên kết đối tác mạnh mẽ và lâu dài sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.”
Điều này được đưa ra sau khi Tổng thống Micronesia David Panuelo cho biết hôm 03/02 rằng nhóm đàm phán của ông sẽ ký một bản ghi nhớ với chính phủ Hoa Kỳ “về việc gia hạn các điều khoản kinh tế này thêm 20 năm nữa.”
“Vì vậy, mối bang giao của chúng tôi có ba trụ cột chính theo hiệp ước này, đó là chính trị, kinh tế, và quốc phòng, hoặc an ninh,” ông Panuelo nói với các phóng viên trong chuyến thăm Nhật Bản, KUAM News đưa tin.
Hôm 02/02, ông Panuelo đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo và đưa ra một tuyên bố chung (pdf) tái khẳng định sự hợp tác rộng mở của họ. Cả hai nhà lãnh đạo này đã bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực mà có thể sẽ làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
Hoa Kỳ đang ràng buộc với Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall, và Cộng hòa Palau thông qua Hiệp ước Liên kết Tự do; các quốc gia này còn được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS).
Thỏa thuận đó cho phép các quốc gia này tiếp cận các chương trình kinh tế nội địa của Hoa Kỳ, đồng thời cho phép Hoa Kỳ vận hành các căn cứ quốc phòng ở ba quốc gia này. Các công dân của FAS cũng được phép phụng sự trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
Hôm 13/01, ông Panuelo nói rằng Micronesia đã nhận được các lợi ích kinh tế và xã hội theo thỏa thuận với Hoa Kỳ. Ông dự đoán rằng các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ xung quanh lãnh thổ Micronesia sẽ gia tăng trong những năm tới căn cứ vào “bầu không khí địa chính trị ở Thái Bình Dương.”
“Điều tối quan trọng là công dân của quốc gia chúng ta sẽ được thông báo trước khi các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bay qua Tiểu bang Yap chẳng hạn, hoặc khi Hoa Kỳ thực hành bắn hỏa tiễn phòng không từ mặt đất,” ông Panuelo nói trong bài diễn văn trước toàn dân của mình.
Ông tiếp tục, “Những cuộc tập trận này sẽ tăng tần suất trong vài năm tới, và mặc dù cuối cùng những hoạt động đó đều là vì lợi ích quốc gia của chúng ta và vì lợi ích an ninh của Quốc gia chúng ta — mà trong đó Hoa Kỳ là người bảo vệ không thể phủ nhận của chúng ta — điều quan trọng là người dân nước ta phải nhận thức được rõ và biết trước về các cuộc tập trận đó, để ngăn chặn trường hợp là người dân của chúng ta nhìn thấy những hoạt động này và sau đó ngay lập tức lo sợ điều tồi tệ nhất.”
Hành động này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao trong khu vực.
Bắc Kinh đã ký nhiều thỏa thuận với một số quốc đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn như Samoa và Quần đảo Solomon, nhưng họ đã không thể có chữ ký của toàn bộ các quốc gia trong khu vực này cho một thỏa thuận an ninh và kinh tế sâu rộng hồi tháng Năm năm ngoái do thiếu sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ phải củng cố bang giao
Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), một tổ chức cố vấn do liên bang tài trợ, đã công bố một báo cáo hồi tháng Chín năm ngoái kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường cam kết với ba quốc gia FAS trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực ngày càng tăng với Trung Quốc.
“Từ trước đến nay, Hoa Kỳ chỉ giao các nguồn lực ngoại giao hạn chế cho FAS và thậm chí không đáng kể cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác,” báo cáo được công bố hôm 20/09/2022 nêu rõ.
“Ngược lại, Trung Quốc có nhân viên lãnh sự và thường xuyên làm việc cũng như tiếp xúc ngoại giao cao cấp với mọi quốc đảo Thái Bình Dương mà nước này có quan hệ ngoại giao,” báo cáo này nói thêm.
Các điều khoản của Hiệp ước Liên kết Tự do sẽ hết hạn vào năm 2023 đối với Quần đảo Marshall và Micronesia và vào năm 2024 đối với Palau. Mặc dù các quốc đảo này vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn, nhưng các nhà phê bình cảnh báo rằng việc không hoàn tất viện trợ kinh tế có thể thúc đẩy họ tìm đến Trung Quốc để xin tài trợ hoặc tăng cường thương mại và du lịch.
USIP nói rằng Trung Quốc xem sự can dự “hữu hạn” của Hoa Thịnh Đốn là một khoảng trống chiến lược ở khu vực đảo Thái Bình Dương, chính vì thế họ đã công khai ý định lấp đầy khoảng trống đó.
Theo báo cáo này, trong khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc đang gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương, thì FAS mang đến một cơ hội duy nhất cho Hoa Kỳ, quốc gia có quân đội đang khuếch trương thế lực.
Bản tin có sự đóng góp của Venus Upadhayaya và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times