Hoa Kỳ: Lạm phát nóng lên bất chấp áp lực chuỗi cung ứng giảm bớt
Lạm phát của Hoa Kỳ đang nóng lên bất chấp những cải thiện về áp lực chuỗi cung ứng.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ tăng lên trong tháng Hai, theo Chỉ số Sản lượng Tổng hợp thuộc Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) mới nhất của Hoa Kỳ từ S&P Global hôm 21/02.
Mặc dù sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã có dấu hiệu giảm bớt, nhưng lạm phát vẫn tăng cao, do giá cả trung bình của cả hàng hóa và dịch vụ đều tăng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Mười năm ngoái.
Báo cáo ghi nhận chỉ số PMI ở mức 50.2, tăng từ mức 46.8 của tháng Một, đạt mức cao nhất trong tám tháng, báo hiệu sản lượng tăng nhẹ sau bảy tháng giảm liên tục.
Mặc dù có sự tăng nhẹ vào tháng Một, lĩnh vực sản xuất hàng hóa đã rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 2009, ngoại trừ khoảng thời gian diễn ra các đợt phong tỏa do đại dịch.
Dẫu bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn và chi phí sinh hoạt tăng, những người được hỏi đã chỉ ra rằng triển vọng kinh tế của họ đã sáng sủa hơn, trong bối cảnh có thể có dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và tạm thời nền kinh tế đang rút lui nhanh chóng khỏi mối đe dọa suy thoái.
Lĩnh vực dịch vụ cải thiện trong khi lĩnh vực sản xuất vẫn trì trệ
Đầu năm nay cũng chứng kiến sự tăng trưởng chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực dịch vụ, một phần do mùa đông năm nay ấm hơn, trong khi sản xuất tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thước đo hoạt động của các dịch vụ vẫn ở dưới mức trung bình dài hạn, cho thấy rằng sự gia tăng này có thể là tạm thời.
Lượng hàng hóa mà các nhà sản xuất mua đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng Hai, tạo ra một đợt giảm hàng tồn kho khác khi các công ty tìm cách kiểm soát chi phí tổng thể.
Sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất đã gây áp lực giảm giá nguyên liệu thô, tạo điều kiện cho phép thời gian giao hàng của nhà cung cấp cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 05/2009.
Mặt khác, giá hàng hóa và dịch vụ trung bình đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Mười, một phần do áp lực tiền lương lại tăng thêm, nhưng mức tăng là nhỏ thứ hai kể từ cuối năm 2020.
Thực tế này cho thấy lạm phát là dai dẳng một cách đáng lo ngại, mặc dù áp lực chuỗi cung ứng đã giảm bớt.
Suy thoái sản xuất cũng làm suy yếu quyền định giá của các nhà cung cấp.
Báo cáo cho biết, trong quá khứ, việc quyền định giá chuyển từ nhà cung cấp sang người mua cho thấy lạm phát giá tiêu dùng có thể giảm bớt trong những tháng tới.
Lo ngại lương tăng sẽ đẩy nhanh lạm phát
Tuy nhiên, có một mối lo ngại đang ngày càng gia tăng rằng vòng xoáy tiền lương-giá cả sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá và khiến Cục Dự trữ Liên bang thúc đẩy lãi suất cao hơn.
Đổi lại, lãi suất vay cao hơn có thể ngăn chặn bất kỳ sự mở rộng (tăng trưởng) mới nào được ghi nhận trong các cuộc khảo sát PMI tháng Hai.
Ông Chris Williamson, kinh tế gia trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Tình hình nguồn cung được cải thiện đã loại bỏ áp lực về giá khỏi chuỗi cung ứng sản xuất, nhưng dữ liệu khảo sát nhấn mạnh rằng động lực thúc đẩy lạm phát hiện đã chuyển sang tiền lương như thế nào trong bối cảnh thị trường lao động cải thiện.”