Hoa Kỳ: Hơn 1 triệu cơ hội việc làm đã mất khi thị trường lao động thắt chặt, nền kinh tế suy thoái
Dữ liệu mới của chính phủ tiết lộ rằng số lượng cơ hội việc làm ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 1 triệu từ tháng Bảy đến tháng Tám, đây là một mức giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến của các nhà dự báo và là một dấu hiệu của sự rạn nứt trên thị trường lao động.
Cục Thống kê Lao động (BLS) cho biết trong một bản tin hôm 04/10 rằng số lượng vị trí tuyển dụng vào ngày cuối cùng của tháng Tám chỉ là hơn 10 triệu.
Các nhà dự báo kỳ vọng có khoảng 10.5 triệu cơ hội việc làm trong tháng Tám, con số này sẽ khiêm tốn hơn so với mức 11.2 triệu việc làm trong tháng Bảy.
Ông Alfonso Peccatiello, cựu quản lý danh mục đầu tư của ING Deutschland và hiện là tác giả của bản tin Macro Compass, lưu ý trong một tuyên bố trên Twitter: “Cơ hội việc làm thiếu hụt lớn.”
Việc giảm các vị trí tuyển dụng — mức giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu — cho thấy các doanh nghiệp đang giảm việc tuyển dụng khi Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Fed muốn giảm số lượng việc làm cần tuyển dụng
Fed cho rằng việc giảm số lượng cơ hội việc làm có thể được xem là một dấu hiệu đáng hoan nghênh, mà việc tăng lãi suất để chống lạm phát của họ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế thực và làm suy yếu thị trường việc làm.
Fed đã đang tìm cách đưa số lượng vị trí tuyển dụng và số người thất nghiệp vào mối tương quan chặt chẽ hơn. Hồi tháng Tám, có hơn 6 triệu người thất nghiệp ở Hoa Kỳ, tăng từ 5.7 triệu người hồi tháng Bảy.
Tháng Chín vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông hy vọng các vị trí tuyển dụng sẽ giảm xuống mà không có sự gia tăng liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp.
Ông Powell nói trong một cuộc họp báo hôm 22/09 (pdf): “Cơ hội việc làm có thể giảm đáng kể — và chúng cần phải giảm — mà không có sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp nhiều như đã từng xảy ra trong các giai đoạn lịch sử trước đó.”
Nhận xét về con số 11.2 triệu cơ hội việc làm trong tháng Bảy, ông Powell mô tả con số này là “quá cao so với số lượng người đang tìm việc.”
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tám ở mức 3.7%, và Bộ Lao động sẽ công bố dữ liệu thất nghiệp cập nhật cho tháng Chín vào cuối tuần này.
Kinh tế gia thuộc đại học Harvard Jason Furman cho biết trong một tuyên bố rằng lý do tỷ lệ thất nghiệp quá thắt chặt hiện nay là do tình trạng nghỉ việc và các vị trí cần tuyển dụng “cao chót vót”. Dữ liệu BLS hôm thứ Ba (04/10) cho thấy số người bỏ việc trong tháng Tám nhiều hơn một chút so với hồi tháng Bảy.
Ông lưu ý trong một bài đăng trên Twitter: “Nếu các vị trí tuyển dụng có thể giảm xuống mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp nhiều, thì lạm phát có thể được kiểm soát mà không gây nhiều đau đớn.”
Trong khi nhận xét của ông Furman cho thấy vẫn có khả năng xảy ra cái gọi là hạ cánh mềm cho nền kinh tế Hoa Kỳ, thì một số kinh tế gia đã dự đoán rằng một cuộc suy thoái là không những không thể tránh khỏi mà sẽ còn kéo dài và nghiêm trọng một cách đau đớn.
‘Xu hướng có vẻ đúng’
Dữ liệu của BLS cho thấy tỷ lệ việc làm cần tuyển dụng trên số lao động thất nghiệp giảm từ 2.9 trong tháng Bảy xuống 1.7 trong tháng Tám.
Bà Liz Young, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFI, cho biết trong một tuyên bố trên Twitter: “Fed muốn đưa tỷ lệ này trở lại mức ở thời kỳ tiền đại dịch là 1.2, vì vậy một bước tiến lớn đã được thực hiện ở đây.”
Ông Peccatiello cho biết trong một tuyên bố rằng Fed vẫn còn một “lối thoát” để đưa thị trường lao động về trạng thái cân bằng hơn, “nhưng có vẻ như xu hướng là đúng.”
Một số nhà phân tích cho rằng số lượng cơ hội việc làm giảm mạnh là một dấu hiệu cho thấy Fed nên tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất tích cực của mình.
Ông Mike Konczal, giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại Viện Roosevelt, một tổ chức tư vấn thiên tả, cho biết trong một tuyên bố: “Fed cần phải giảm ngay tốc độ tăng của họ trên điểm dữ liệu này.”
Điều đó diễn ra khi Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) gần đây đã cảnh báo việc Fed và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục tăng lãi suất đe dọa sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu và “thiệt hại nặng nề hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự xáo động do COVID-19 hồi năm 2020. ”
UNCTAD chỉ trích việc tăng lãi suất mạnh tay là một “canh bạc không khôn ngoan” có thể “mở ra một thời kỳ trì trệ và bất ổn kinh tế đối với nhiều nước đang phát triển và một số nước đã phát triển”.
Gần đây Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên khoảng 3.0–3.25%, với việc các quan chức Fed dự đoán lãi suất sẽ còn cao hơn và duy trì ở mức hạn chế trong một thời gian.
Dữ liệu sản xuất gần đây của Hoa Kỳ cho thấy hoạt động sản xuất tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm rưỡi hồi tháng Chín, khi các đơn đặt hàng mới và việc làm sụt giảm. Cuộc khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), được công bố hôm 03/10, cho thấy việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm lần thứ tư trong năm nay.
Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM, cho biết: “Các công ty hiện đang quản lý nhân lực thông qua việc đóng băng tuyển dụng và sử dụng nhân lực ở các cấp thấp hơn, với nhu cầu trong trung hạn và dài hạn ít ổn định hơn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times