Hoa Kỳ: Hệ thống lương hưu lớn nhất quốc gia đối mặt với tương lai không chắc chắn với thâm hụt hàng tỷ USD
Với khối tài sản trị giá 465 tỷ USD và 28% số tiền nợ những người về hưu không được tài trợ, hệ thống lương hưu cho nhân viên tiểu bang California đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể.
Theo một số nhà kinh tế, những thay đổi về dân số và nền kinh tế yếu kém đang đe dọa đến tương lai của hệ thống lương hưu nhân viên tiểu bang California.
Một số người đặt câu hỏi về cấu trúc của hệ thống này và tại sao các khoản đầu tư lại hoạt động kém hiệu quả trong những năm gần đây.
Ông Meb Faber, người đồng sáng lập và giám đốc đầu tư của Cambria Investment Management, đã viết trong một báo cáo phân tích về hệ thống này hồi tháng Mười Một: “Tất cả thời gian và tiền bạc mà các ủy ban đầu tư bỏ ra để tranh luận, tìm tòi, và phân bổ cho các quỹ tư nhân, chuyên gia tư vấn, thuê nhân viên mới, và tổng hợp vô số báo cáo để theo dõi hàng ngàn khoản đầu tư, tất cả đều hoàn toàn lãng phí.”
Hệ thống Hưu trí Công chức California, hay còn gọi là CalPERS, quản lý tài sản trị giá khoảng 465 tỷ USD và là quỹ hưu trí công lớn nhất quốc gia.
CalPERS chịu trách nhiệm quản lý thu nhập hưu trí của hơn 2 triệu thành viên và quản lý các phúc lợi về hưu trí và sức khỏe.
Theo các chuyên gia, với khoảng 28% số tiền nợ các thành viên không được tài trợ, tính đến ngày 30/06, hệ thống này đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể.
“Cấu trúc của họ phức tạp đến mức trong một thời gian dài, CalPERS thậm chí không thể tính được khoản phí mà họ phải trả cho các khoản đầu tư tư nhân của mình,” ông Faber viết. “Trong sứ mệnh không có chỗ nào nêu mục tiêu là đầu tư vào vô số quỹ tư nhân và trả mức lương cao cho vô vàn nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư phòng hộ, nhưng đó chính xác là những gì CalPERS đang làm.”
Trong năm tài khóa 2022–2023, quỹ hưu trí này đã trả 31.1 tỷ USD tiền phúc lợi cho khoảng 800,000 người về hưu, tăng 2 tỷ USD so với năm trước, theo báo cáo thường niên gần đây của cơ quan này.
Các quan chức: Chi phí sinh hoạt, nguồn nhân lực già đi, tỷ lệ sinh giảm là nguyên do
Các quan chức chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt tăng lên và số người về hưu ngày càng đông hơn là lý do khiến chi phí tăng lên.
Nguồn nhân lực già đi gây áp lực tài chính lên hệ thống, do tỷ lệ nhân viên đóng tiền vào quỹ hưu trí này giảm khi tỷ lệ về hưu tăng đột biến.
Điều này dẫn đến việc có ít thành viên đóng góp doanh thu cho quỹ hơn, với tỷ lệ giảm 40% kể từ năm 2001.
Theo thống kê của Cục Thống kê Dân số, số người dân California từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên hơn 15% dân số vào năm 2022 từ mức 9% vào năm 1970, với ước tính lên tới 21% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh giảm, kết hợp với tuổi thọ dài hơn, khiến có ít người đi làm trả lương hưu cho thế hệ trước hơn, dẫn đến các khoản nợ không được tài trợ ngày càng tăng.
Các nhà điều hành quản lý quỹ hưu trí này đã nhận ra các vấn đề tài chính trong báo cáo gần đây, có nhan đề “Đầu tư Hôm nay để Đáp ứng Nhu cầu của các Thành viên của Chúng ta vào Ngày mai.”
Theo CalPERS, lợi nhuận đầu tư cần phải vượt quá 7% mỗi năm để trang trải chi tiêu.
Tuy nhiên, quỹ thường xuyên không đạt được mức như vậy — CalPERS đã báo cáo mức tăng 5.8% trong năm tài chính gần đây nhất sau khi lỗ 6.1% trong năm trước.
Các câu hỏi cũng xoay quanh mục tiêu của quỹ hưu trí này trong việc ủng hộ các nghị trình về môi trường, chẳng hạn như các vấn đề về khí hậu. Một số người cho rằng những nỗ lực này cần thực chất hơn, trong khi những người khác cho rằng các quyết định như thoái vốn một phần khỏi lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận đầu tư.
Một số nhà phê bình lưu ý rằng lợi nhuận mà cơ quan này báo cáo không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành và đặt câu hỏi về chiến lược đầu tư của quỹ.
Ông Wayne Winegarden, thành viên cao cấp về kinh doanh và kinh tế tại Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương — một nhóm chính sách công ở Pasadena, California — đã viết trong một bản phân tích hồi tháng Tám về các chiến lược của quỹ trong suốt 20 năm qua: “So với các tiêu chí tài chính quan trọng, CalPERS đã gặp phải vấn đề hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài.”
Mức tăng 5.8% được báo cáo trong năm tài chính gần đây nhất thể hiện một phần nhỏ mức tăng 17.2% của S&P 500 — chỉ số thị trường chứng khoán đo lường 500 công ty hàng đầu ở Mỹ.
Các chuyên gia: Đa dạng hóa quá mức, chiến lược kém hiệu quả gây khó khăn cho hệ thống
Theo CalPERS, với gần 3,000 nhân viên quản lý hệ thống quỹ hưu trí, một số người cho rằng các khoản đầu tư có thể được quản lý hiệu quả hơn.
Hiện tại, danh mục đầu tư gồm có các khoản đầu tư vào 13 lĩnh vực, trong đó hơn 28% tập trung vào công nghệ thông tin, khoảng 14% vào chăm sóc sức khỏe, và hơn 12% vào các tài sản liên quan đến tài chính.
Theo hồ sơ của quỹ này, các cổ phiếu nắm giữ hàng đầu bao gồm Microsoft, Apple, Tesla, và Amazon, với gần 1,200 vị trí cổ phiếu có tổng trị giá hơn 116 tỷ USD.
Các nhà phê bình cho rằng sự đa dạng hóa quá mức cũng như các chiến lược và việc quản lý kém hiệu quả đang gây khó khăn cho quỹ.
“Những người về hưu sẽ được phục vụ tốt hơn nếu CalPERS chỉ đầu tư thụ động tài sản của họ vào các quỹ chỉ số theo diện rộng,” ông Winegarden viết, đề cập đến cái gọi là các công cụ đầu tư đơn giản giúp phân tán rủi ro trên các lĩnh vực rộng lớn của thị trường. “đầu tư thụ động theo các quỹ chỉ số diện rộng cũng sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều cho những người về hưu.”
Các nhà phê bình cũng nhấn mạnh khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 4.5 tỷ USD của quỹ trong năm nay — tương đương với khoảng 15% tổng số khoản đầu tư được thực hiện trong lĩnh vực này của bất kỳ nhà đầu tư nào, theo hồ sơ tài chính. Mức phân bổ này đi ngược lại xu hướng trên toàn quốc rằng các nhà đầu tư tổ chức thoái vốn khỏi các tài sản tương tự vì lo ngại rủi ro sau sự sụp đổ của một số ngân hàng có vốn đầu tư mạo hiểm đáng kể vào đầu năm nay.
Theo cơ quan này, lãi suất tăng và giá địa ốc giảm cũng đã tạo ra sự khó lường đối với các nhà đầu tư như quỹ hưu trí.
“Tác động của lạm phát cao và lãi suất cao tạo ra cả sự không chắc chắn lẫn cơ hội cho quỹ,” giám đốc điều hành CalPERS Marcie Frost cho biết trong báo cáo gần đây của tổ chức. “Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là với tư cách là một nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi chuẩn bị cho những biến động của thị trường trong nhiều thập niên.”
Nợ không được tài trợ ngày càng tăng
Các quan chức cũng lưu ý khả năng các khoản nợ không được tài trợ sẽ tăng lên. Mặc dù tình trạng thiếu hụt không phải là điều mới mẻ đối với cơ quan này — tổng nợ là khoảng 245 tỷ USD, theo Reason Foundation, một tổ chức tư vấn chính sách công bất vụ lợi — nhưng nợ năm nay đã tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
Theo Reason Foundation, sự thiếu hụt có thể được giải quyết bằng cách tăng mức đóng góp từ cả tiểu bang — với tư cách là bên sử dụng nhân lực — và từ mỗi từng nhân viên.
Mặc dù tình hình tài chính vẫn là một mối lo ngại, một số người cho rằng vấn đề này có thể quản lý được và chỉ ra rằng California không phải là nơi duy nhất đang có khoản nợ lương hưu đáng kể.
Theo Reason Foundation, Hawaii, Kentucky, Illinois, Texas, và hầu hết các tiểu bang khác đều bị thâm hụt lương hưu hàng tỷ USD, với tổng số tiền trên toàn quốc lên tới 1.3 ngàn tỷ USD. Chỉ có Washington và New York có các chương trình lương hưu được tài trợ đầy đủ với lượng dự trữ thặng dư.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times