Hoa Kỳ gia hạn quyền cư trú cho người Hồng Kông, viện dẫn sự đàn áp của Trung Quốc
Người Hồng Kông ở Hoa Kỳ được bảo vệ khỏi bị trục xuất
Hôm 26/01, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố gia hạn quy chế Trì hoãn Việc rời đi Bắt buộc (Deferred Enforced Departure, DED) đối với cư dân Hồng Kông có đủ điều kiện thêm hai năm nữa. DED được dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 05/02.
DED là một chương trình được ủy quyền theo quyết định của tổng thống Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ một số cá nhân khỏi bị trục xuất và cho phép họ sống ở Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian nhất định.
“Hoa Kỳ ủng hộ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của các cư dân Hồng Kông. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã tiếp tục làm xói mòn các quyền và quyền tự do đó, và vì vậy, tôi đang chỉ thị gia hạn và mở rộng việc hoãn trục xuất một số cư dân Hồng Kông đang hiện diện tại Hoa Kỳ,” Tòa Bạch Ốc cho biết bản ghi nhớ thông báo gia hạn của chương trình trên.
Theo bản ghi nhớ trên, “Bằng cách đơn phương áp đặt lên Hồng Kông Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Bảo vệ An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (NSL) vào tháng 06/2020, CHND Trung Hoa đã làm suy yếu quyền thụ hưởng các quyền lợi và quyền tự do ở Hồng Kông, bao gồm cả những quyền được bảo vệ theo Luật Căn bản và Tuyên bố Chung Trung-Anh.”
Bản ghi nhớ trên cũng cho biết rằng kể từ tháng 06/2020 ít nhất 150 chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, và người biểu tình đã bị giam giữ với các cáo buộc liên quan đến NSL đầy động cơ chính trị, bao gồm tội ly khai, tội lật đổ, hoạt động khủng bố, và tội thông đồng với nhà nước hải ngoại hoặc thế lực ngoại quốc. Hơn 1,200 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ trên hòn đảo này, và hơn 10,000 người đã bị bắt vì các cáo buộc khác liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục kiên định trong việc trợ giúp người dân Hồng Kông.”
Tình trạng nhân quyền đang xói mòn nhanh chóng
Một cuộc khảo sát do Sáng kiến Đo lường Nhân quyền (HRMI) công bố hồi tháng Sáu năm ngoái (2022) chỉ ra rằng tình hình nhân quyền của Hồng Kông đã nhanh chóng bị xói mòn sau các cuộc biểu tình chống chính quyền nổ ra vào năm 2019 và bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc đàn áp.
Cuộc khảo sát của HRMI đã đo lường tình hình nhân quyền bằng cách sử dụng các tiêu chí được nêu trong các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc. Những người tham gia trả lời khảo sát bao gồm các nhân viên nhân quyền địa phương, luật sư nhân quyền, và các ký giả đưa tin về các vấn đề nhân quyền. Nhiều người trong số này đã di cư Hồng Kông. HRMI không tiết lộ danh tính của người trả lời để bảo vệ họ khỏi bị trả thù.
Ở tiêu chí “quyền không bị giam giữ tùy tiện,” Hồng Kông chỉ đạt 3.5 trên một thang 10 điểm. Thành tích của đặc khu này về “quyền không bị tra tấn” là 5.5 trên 10. Hai điểm này lần lượt rơi vào loại “rất tệ,” và “tệ.”
Điểm của Hồng Kông về quyền tự do hội họp và lập hội đã giảm từ 4.5 vào năm 2019 xuống còn 2.5 vào năm 2021. Trong khi đó, điểm về quyền tự do ngôn luận giảm từ 4.7 xuống 2.7, và điểm về quyền bầu cử giảm từ 4 xuống 2.4.
Điểm số hiện tại của Hồng Kông trong ba phương diện trên là gần bằng với Trung Quốc, với điểm số lần lượt đạt được 2, 2.3, và 1.9.
Tự do chính trị của Hồng Kông đang bị hủy hoại
Theo báo cáo “Quyền Tự do trên Thế giới” (Freedom in the World) năm 2022 của Freedom House, tổng điểm tự do của Hồng Kông đã giảm 9 điểm, từ 52 vào năm 2021 xuống 43 trên 100.
Báo cáo trên cho biết môi trường tự do ngôn luận và tự do chính trị ở Hồng Kông đã bị xói mòn nghiêm trọng sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (NSL) được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua và thực thi hồi cuối tháng 06/2020.
Hồi tháng 01/2021, hơn 50 nhà hoạt động chính trị đã bị bắt ở Hồng Kông vì tham gia cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ năm 2020. Các cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào tháng 06/2020 này là nhằm chọn các ứng cử viên cơ quan lập pháp cho một cuộc bầu cử thành phố nhưng cuối cùng đã bị hoãn lại. Vào tháng 03/2021, 47 nhà hoạt động bị buộc tội “lật đổ chính quyền.”
Sự việc này và các biến cố khác đã khiến một số đối thủ ủng hộ dân chủ nổi bật và thẳng thắn nhất của Hồng Kông phải bị cầm tù.
Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), từng được biết đến với việc đưa tin độc lập, cũng đã trở thành một cơ quan ngôn luận của chính quyền, đồng thời đánh mất các quyền biên tập độc lập. Hồi tháng 02/2021, nội dung cũ hơn một năm của RTHK trên YouTube và Facebook đã bị xóa, khiến cư dân Hồng Kông không được tiếp cận các kho lưu trữ lịch sử.
Vào tháng 06/2021, cảnh sát đã đóng băng các tài khoản ngân hàng của tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily, khám xét các văn phòng, và bắt giữ biên tập viên hàng đầu của tờ báo này vì tội vi phạm NSL. Ngay sau đó, Apple Daily đã tuyên bố đóng cửa và gỡ bỏ trang web cũng như các tài khoản mạng xã hội của mình.
Vào tháng Mười Hai cùng năm đó, hãng thông tấn ủng hộ dân chủ Stand News đã bị đột kích và sáu nhân viên cao cấp đã bị bắt vì tội xúi giục nổi loạn, dẫn đến việc đóng cửa hãng này.
Ngoài ra, môi trường tự do tôn giáo lâu đời của Hồng Kông đã bị tấn công. Các thành viên của Hội Thanh niên Quan ái Hồng Kông (HKYCA) có liên kết với ĐCSTQ đã sách nhiễu các nhóm học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông. Các học viên Pháp Luân Công bị từ chối nhập cảnh vào Hồng Kông.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh cổ xưa của Trung Quốc bao gồm các bài tập thiền định chậm rãi, đơn giản, và các bài giảng đạo đức kết hợp các nguyên lý của chân, thiện, và nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.
Giám mục Công giáo đã về hưu của Hồng Kông, Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 90 tuổi, đã bị NSL giam giữ hồi tháng 05/2022 vì có quan hệ với phong trào ủng hộ dân chủ này.
Hơn nữa, hàng chục tổ chức dân sự và xã hội và đoàn thể đã giải tán kể từ khi NSL được thực thi, bao gồm Mặt trận Nhân quyền Dân sự, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông, và Liên đoàn Giáo viên Chuyên nghiệp Hồng Kông (HKPTU).
Hệ thống bầu cử đã thay đổi
Đại hội Đảng Toàn quốc của ĐCSTQ năm 2021 đã sửa đổi nghiêm trọng hệ thống bầu cử của Hồng Kông, cho phép Trung Quốc dễ dàng thao túng kết quả bầu cử của Hồng Kông.
Hệ thống mới này, được gọi là “những người yêu nước cai trị Hồng Kông,” cho phép Bắc Kinh lựa chọn các ứng cử viên cho Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) và Ủy ban Bầu cử bầu chọn Đặc khu trưởng. Điều này bảo đảm rằng Bắc Kinh có quyền kiểm soát gần như hoàn toàn đối với các cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông.
Theo hệ thống mới này, Ủy ban Bầu cử — hiện nay gần như hoàn toàn bao gồm các đại diện thân Bắc Kinh — có quyền áp đảo trong việc định hình cuộc bầu cử của LegCo, cũng như việc lựa chọn đặc khu trưởng của Hồng Kông. Hội đồng này chỉ có 20 ghế được bầu trực tiếp.
Trong cuộc bầu cử “chỉ dành cho những người yêu nước” đầu tiên theo hệ thống mới này vào tháng 09/2021, một số cư dân Hồng Kông đặc biệt đã bỏ phiếu cho các thành viên của Ủy ban Bầu cử, với kết quả là chỉ một thành viên có khuynh hướng đối lập được bầu vào hội đồng gồm 1,500 thành viên.
Không có gì đáng ngạc nhiên, những “người yêu nước” thân Bắc Kinh sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Mười Hai (năm đó.)
Thất thoát chất xám quy mô lớn
Sự xói mòn của tự do chính trị và môi trường xã hội đã khiến nhiều người rời khỏi Hồng Kông.
Trong phần trình bày chính sách đầu tiên vào giữa tháng 10/2022, Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) thừa nhận rằng lực lượng nhân sự của Hồng Kông đã hao tổn khoảng 140,000 người trong hai năm qua. Ông cho biết ông muốn “chủ động tìm kiếm những tài năng trên thế giới.”
Tại một cuộc họp báo vào ngày 04/11 năm ngoái, ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông, đã trích dẫn các số liệu điều tra dân số cho thấy gần 300,000 người đã rời Hồng Kông trong ba năm qua. Trong số đó, 135,000 — chiếm 45% — là thanh niên từ 15 đến 29 tuổi.
Ông Chung dự đoán rằng số lượng người Hồng Kông di cư sẽ tiếp tục tăng.
Ông cho rằng nguyên nhân chính là do việc thực thi Luật An ninh Quốc gia này. Ông Chung cho biết luật này đã gây tổn hại cho Hồng Kông từ căn bản, và những nhân tài không còn cảm thấy rằng đó là nơi họ có thể sinh sống được nữa.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times