Hoa Kỳ điều động tiêm kích cơ, khu trục hạm Hải quân tới vùng Vịnh sau khi Iran cố gắng bắt giữ tàu chở dầu
Hôm 17/07, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo, Mỹ đang điều động các tiêm kích cơ cũng như một khu trục hạm Hải quân tới Eo biển Hormuz và Vịnh Oman để tăng cường an ninh và ngăn chặn các mối đe dọa đối với các tàu thương mại.
Phó Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết trong một cuộc họp báo rằng các tiêm kích cơ F-35 và các tiêm kích cơ F-16 cùng khu trục hạm USS Thomas Hudner, trước đây đã ở Hồng Hải, sẽ được khai triển tới khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (USCENTCOM).
Bà cho biết, cuộc điều động này sẽ giúp “bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ và giữ gìn quyền tự do hàng hải trong khu vực.”
Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện là để đối phó với “một số sự kiện đáng báo động gần đây ở Eo biển Hormuz,” bà Singh nói, chỉ ra hai vụ việc riêng biệt trước đó trong tháng này (07/2023), trong đó hải quân Iran đã cố gắng bắt giữ trái phép hai tàu chở dầu ở vùng biển giữa Iran và Oman.
Theo một tuyên bố từ các Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, một trong hai con tàu đó — tàu chở dầu TRF Moss treo cờ Quần đảo Marshall — ban đầu bị một chiến hạm hải quân Iran tiếp cận và quấy rối hôm 05/07.
Tuy nhiên, Hải quân cho biết, chiến hạm Iran đã rời đi sau khi một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ, USS McFaul, đến hiện trường.
Các quan chức cho biết, khoảng ba giờ sau, tàu chở dầu Richmond Voyager — đang treo cờ của Bahamas — cũng bị một chiến hạm hải quân Iran tiếp cận khi tàu này đang ở cách bờ biển Muscat ở Oman hơn 20 dặm (32 km) và đang đi qua vùng biển quốc tế về phía Biển Ả Rập.
Iran khai hỏa vào tàu chở dầu
Theo Hải quân Hoa Kỳ, tàu Iran này đã cố gắng yêu cầu tàu chở dầu thương mại dừng lại, có thời điểm bắn nhiều phát vào tàu này bằng cả vũ khí nhỏ và vũ khí do thủy thủ đoàn sử dụng.
Các quan chức cho biết không có thương vong nào được báo cáo và tàu Richmond Voyager không chịu thiệt hại đáng kể nào. Tuy nhiên, một số viên đạn đã bắn trúng thân tàu gần khu vực sinh hoạt của thủy thủ đoàn.
Theo Hải quân, cũng giống như vụ việc đầu tiên, tàu hải quân Iran cuối cùng đã rời đi sau khi tàu USS McFaul đến hiện trường.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Eo biển Hormuz ngăn cách Iran với Bán đảo Ả Rập và khoảng 21% nguồn cung dầu của thế giới đi qua eo biển này.
Theo Hải quân, hồi tháng Năm, Hoa Kỳ cùng các đối tác đã gia tăng luân chuyển các chiến hạm và phi cơ để tuần tra Eo biển Hormuz trong bối cảnh Iran tiến hành bắt giữ các tàu buôn nhiều hơn.
Các cuộc tấn công vào tàu gia tăng
Cường kích cơ A-10 cũng đã tuần tra các không phận trong khu vực trong khi khu trục hạm McFaul vẫn ở lại vùng Vịnh để gia tăng bảo vệ các tuyến đường vận chuyển.
Hải quân cho biết, bất chấp sự hiện diện ngày càng tăng của Hoa Kỳ, Iran đã quấy rối, tấn công, hoặc bắt giữ khoảng 20 tàu buôn quốc tế kể từ năm 2021 và đặt ra một “mối đe dọa rõ ràng” đối với an ninh hàng hải khu vực và nền kinh tế toàn cầu.
Mối bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Tehran đang xấu đi trong bối cảnh các báo cáo cho rằng Tehran đang tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và làm giàu uranium gần như ở cấp độ vũ khí.
Trong nhiều tháng, Hoa Thịnh Đốn đã cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, nhằm ngăn chặn Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được một giải pháp với Tehran.
Bà Singh cho biết hôm thứ Hai (17/07): “Trước mối đe dọa liên tục này và khi phối hợp với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, Bộ [Quốc phòng] đang tăng cường sự hiện diện và khả năng giám sát eo biển cũng như các vùng biển xung quanh.”
Bà nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi Iran ngay lập tức chấm dứt các hành động gây bất ổn đe dọa đến giao thương tự do qua tuyến đường biển chiến lược này, nơi mà thế giới phụ thuộc vào để có hơn 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times