Hoa Kỳ đang trên bờ vực ‘suy thoái sâu hơn’ khi lạm phát thúc đẩy Fed hãm phanh mạnh hơn
Theo một nhà kinh tế và giáo sư tại King’s College, người đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang ở trên “bờ vực của một cuộc suy thoái sâu hơn,” những đám mây đen đang phủ lên chân trời kinh tế Hoa Kỳ khi một số lượng lớn lao động không làm việc buộc các doanh nghiệp phải tăng lương để thu hút nhân tài, làm tăng thêm áp lực lạm phát và thúc đẩy Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ.
Ông Brian Brenberg, phó chủ tịch điều hành và phó giáo sư Kinh doanh tại King’s College, nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 31/08 rằng một số lượng người Mỹ đáng lo ngại đã bỏ lực lượng lao động, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh để giành được lao động bằng cách tăng lương, đẩy lạm phát cao hơn.
Ông nói: “Nếu quý vị nhìn vào con số tỷ lệ tham gia lao động, thì hiện nay tỷ lệ này thấp hơn so với mức trước khi đại dịch bùng phát.”
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã tăng từ 62.9% vào tháng 02/2017, tháng đầu tiên ông nắm quyền, lên 63.4% vào tháng 02/2020.
Chỉ số này đã giảm vào tháng 04/2020 xuống còn 60.2% khi Hoa Kỳ đóng cửa trong đại dịch. Dữ liệu gần đây nhất cho tháng 07/2022 cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 62.1%.
Ông Brenberg nói về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện tại rằng điều này “có nghĩa là chúng ta còn thiếu khoảng 3 triệu việc làm so với mức chúng ta nên có. Các doanh nghiệp đang bị tác động bởi điều đó.”
Dữ liệu gần đây nhất về việc làm tại Hoa Kỳ cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng đã tăng gần 200,000 từ tháng Sáu đến tháng Bảy, đạt 11.2 triệu. Con số này đại diện cho khoảng 2 cơ hội cho mỗi người thất nghiệp.
Ông Brenberg nói rằng sự thiếu hụt lao động có sẵn có nghĩa là các doanh nghiệp đang phải tăng lương “để cố gắng thu hút người lao động nhưng sự cố gắng này tiếp tục đẩy lạm phát lên cao hơn, từ đó làm cho công việc của Cục Dự trữ Liên bang khó khăn hơn, họ sẽ tăng lãi suất nhiều hơn.”
Ông nói thêm, “Đó là nguồn gốc cho rủi ro suy thoái. Chúng ta đang ngồi trên bờ vực của một cuộc suy thoái sâu hơn vì vấn đề này.”
‘Nhiều việc phải làm’
Fed đã thấy sự chậm trễ trong cuộc chiến lạm phát của mình sau khi coi tình trạng giá cả tăng vọt là “nhất thời”. Vì vậy, ngân hàng trung ương đã bắt đầu một chu kỳ thắt chặt nhanh chóng, đưa ra một loạt các đợt tăng lãi suất đã đẩy lãi suất chính sách vào khoảng 2.25-2.5%.
Nhưng lạm phát vẫn ở mức cao. Công cụ đo lạm phát ưa thích của Fed, cái gọi là thước đo lạm phát PCE cốt lõi không bao gồm lương thực và năng lượng, đang ở mức 4.6% hồi tháng Bảy, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Trước tình hình lạm phát cao dai dẳng, các quan chức Fed cho biết còn nhiều việc phải làm và cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát xuống gần mức mục tiêu.
Bà Loretta Mester, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland, hôm 31/08 cho biết Fed quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất và giữ ở mức cao chừng nào còn cần — ngay cả khi điều đó có nghĩa là tốc độ tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Một số nhà kinh tế cho rằng quan điểm chính sách của Fed có thể đẩy quốc gia vào một cuộc suy thoái sâu.
‘Hạ cánh cứng’
Nhà kinh tế Nouriel Roubini gần đây đã lập luận rằng hiện nay chỉ có hai con đường cho nền kinh tế Mỹ — đó là lạm phát không kiểm soát được hoặc suy thoái kinh tế kéo dài và khắc nghiệt.
Ông Roubini nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/08: “Tại Hoa Kỳ, bất cứ khi nào quý vị có lạm phát trên 5% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, thì việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến một cuộc hạ cánh cứng.”
Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ là 3.5%, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất là 8.5% so với năm ngoái.
Ông Roubini nói: “Mức tối thiểu của tôi là một cuộc hạ cánh cứng”, đề cập đến một sự suy giảm kinh tế trầm trọng.
“Ảo tưởng” là cách mà ông Roubini mô tả kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ xoay trục khỏi việc thắt chặt tiền tệ và bắt đầu hạ lãi suất, trước bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng.
Ông Roubini cũng cho biết ông tiếp tục tin rằng thật “ảo tưởng” đối với các nhà phân tích khi kỳ vọng vào một cuộc suy thoái ngắn và nông, thay vào đó lập luận rằng suy thoái sẽ kéo dài và nghiêm trọng.
Không nhất thiết phải là ‘tai họa’
Một số quan chức Fed đã thừa nhận nguy cơ suy thoái khi ngân hàng trung ương thắt chặt các thiết lập tiền tệ.
Chủ tịch Fed Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết hôm 30/08 rằng, Fed cam kết tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng ông không nghĩ rằng điều này nhất thiết sẽ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng.
Ông Barkin nói trong một sự kiện tại Phòng Thương mại Vùng Huntington ở Tây Virginia: “Suy thoái rõ ràng là một rủi ro.”
Ông nói, “Rủi ro này không nhất thiết phải giống như cuộc suy thoái năm 2008. Điều đó không nhất thiết phải là tai họa.”
Ông Barkin nói rằng lực lượng cung và cầu đang “mất cân bằng ngày nay” và việc giảm nhu cầu thông qua chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và khôi phục lại sự cân bằng đó sẽ có lợi.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times