Nhu cầu mua nhà ở thế chấp giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm khi nỗi sợ suy thoái gia tăng
Nhu cầu mua nhà ở thế chấp giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm khi nỗi sợ suy thoái gia tăng
Theo dữ liệu từ Khảo sát về các Đơn đăng ký Thế chấp Hàng tuần của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA), số đơn đăng ký thế chấp ở Hoa Kỳ đã giảm 6.3% trong tuần kết thúc hôm 15/07 so với tuần trước đó.
Ông Joel Kan, phó chủ tịch dự báo kinh tế và công nghiệp của MBA, cho biết nhu cầu thế chấp giảm trong tuần thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 khi lạm phát và lãi suất tăng cao tác động đến người tiêu dùng Mỹ, tạo ra một lực cản cho thị trường địa ốc.
“Tương tự, với hầu hết lãi suất thế chấp cao hơn hai điểm phần trăm so với một năm trước, nhu cầu tái cấp vốn tiếp tục giảm mạnh, với chỉ số tái cấp vốn của MBA cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm,” ông Kan nói. “Hoạt động mua hàng giảm đối với cả các khoản vay thông thường và các khoản vay chính phủ, do triển vọng kinh tế suy giảm, lạm phát cao, và những thách thức liên tục về khả năng chi trả đang tác động đến nhu cầu của người mua.”
Người mua nhà đã mất sức mua đáng kể, do tỷ lệ thế chấp đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm, khiến giá cả tăng lên.
Ông Kan cho biết: “Sự sụt giảm trong các đơn mua nhà gần đây đồng nghĩa với việc hoạt động xây nhà chậm hơn do lưu lượng người mua giảm và tình trạng thiếu vật liệu xây dựng liên tục cùng chi phí cao hơn.”
Hoạt động xây dựng nhà đã sụt giảm nghiêm trọng do nhu cầu của người mua giảm, một dấu hiệu hàng đầu của suy thoái kinh tế.
Ông Charlie Bilello, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Compound Capital Advisors, viết trên Twitter: “Giá nhà ở bắt đầu đạt mức thấp nhất trong 14 tháng vào tháng Sáu, giảm 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Do thường là một chỉ báo hàng đầu cho nền kinh tế, nên khả năng suy thoái tiếp tục gia tăng.”
Market Rebellion, một trang web giao dịch bán lẻ, viết trên Twitter, “Dữ liệu Nhà ở tháng Sáu cho thấy nhu cầu giảm khi lãi suất tăng. Khởi công Nhà ở: -2% so với dự kiến +1.4%. Giấy phép xây dựng: -0.6% so với dự kiến +2.7%. Nhà ở biệt lập dành cho một gia đình giảm mạnh nhất.”
Chỉ số Tái cấp vốn giảm 4% so với tuần trước và thấp hơn 80% so với cùng tuần năm 2021.
Các đơn tái cấp vốn đang ở mức thấp nhất trong 22 năm, nhưng nhu cầu của người mua giảm khiến tỷ lệ tái cấp vốn trong hoạt động thế chấp mua nhà tăng lên 31.4% từ mức 30.8% trong tổng số đơn đăng ký tuần trước.
Chỉ số Mua hàng được điều chỉnh theo mùa giảm 7% trong tuần, trong khi Chỉ số Mua hàng không điều chỉnh tăng 16% trong tuần nhưng vẫn thấp hơn 19% so với cùng tuần năm 2021.
Mặc dù người mua ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi hàng tuần về lãi suất, nhưng việc lãi suất tăng dần kể từ tháng Ba đã ảnh hưởng đến thị trường địa ốc, khi lãi suất thế chấp tăng trở lại vào tuần lễ bắt đầu từ 11/07 sau khi giảm ba tuần.
Lãi suất hợp đồng trung bình cho các khoản thế chấp có lãi suất cố định 30 năm với các khoản vay tuân thủ tiêu chuẩn đã tăng lên 5.82% từ 5.74%, cao hơn 3.11% so với cùng thời kỳ năm 2021.
Điểm, hoặc phí trả cho một tổ chức cho vay thế chấp, đã tăng lên 0.65 từ 0.59, bao gồm cả phí khởi đầu cho các khoản vay, với khoản thanh toán trước 20%.
Lãi suất thế chấp có thể sớm đối mặt với sự gia tăng biến động trong thị trường trái phiếu, khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hôm 27/07.
Các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) cũng đang có những hành động tương tự để chống lại lạm phát.
Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi đột ngột của lãi suất thế chấp vào năm 2022 đã dẫn đến suy thoái thị trường địa ốc, nhưng tăng lãi suất thêm nữa có thể gây ra suy thoái chung trong nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Tôi nghĩ rằng kịch bản khả dĩ nhất vẫn là nền kinh tế sẽ vượt qua mà không đi vào suy thoái.”
Mặc dù ông là một người lạc quan, ông Zandi nói, các bộ phận của nền kinh tế đang suy thoái, chẳng hạn như thị trường địa ốc, đang “trực tiếp chịu trận.”
Ông Zandi mô tả người tiêu dùng Mỹ là “bức tường lửa giữa nền kinh tế tiếp tục phát triển và suy thoái. Và có một đám cháy và bức tường lửa đang bị áp lực, nhưng tôi nghĩ nó sẽ giữ được và tôi nghĩ chúng ta sẽ vượt qua được.”
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về ngành chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.