Hoa Kỳ, Đài Loan tổ chức đàm phán thương mại song phương chính thức
Một phái đoàn Hoa Kỳ đang ở Đài Loan để tham gia các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về nội dung của một hiệp định thương mại, sau một vòng đàm phán đầu tiên hồi tháng 11/2022.
Theo một tuyên bố trước đó của Tòa Bạch Ốc, nỗ lực này nhằm đẩy lùi việc Trung Quốc cố gắng tạo ra một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. Các cuộc gặp gỡ này, bắt đầu vào ngày 14/01, sẽ kéo dài đến ngày 17/01.
Các cuộc thảo luận này đã tập trung vào nhiều lĩnh vực bao gồm các tiêu chuẩn chống tham nhũng, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thông lệ quản lý, và thuận lợi hóa thương mại. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), những lĩnh vực đó nằm trong số 11 lĩnh vực được nhấn mạnh tiếp tục thảo luận.
Vì động lực cho một hiệp định thương mại lớn hơn phát triển, nên Hoa Kỳ và Đài Loan có thể công bố các hiệp định độc lập về một số chủ đề này khi hai bên đạt được thỏa thuận trong một vài lĩnh vực nhất định. Chính phủ Đài Loan gọi đây là một sự “thu hoạch sớm.” Có lẽ ngành nông nghiệp và thương mại, hai chủ đề vốn dĩ khó thảo luận hơn giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, sẽ cần nhiều thời gian [để bàn bạc] hơn.
Thỏa thuận thương mại tiềm năng này sẽ đóng vai trò là một sự bổ sung song phương cho Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF), mà chính phủ Tổng thống Biden đã khởi xướng hồi mùa hè năm ngoái với 13 quốc gia trong khu vực, nhưng ngoại trừ Đài Loan.
Các cuộc đàm phán này đang diễn ra dưới sự bảo trợ của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ và Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Phái đoàn Hoa Kỳ do Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách Vấn đề Trung Quốc Terry McCartin dẫn đầu. Ông McCartin vốn là người chuyên trách phát triển chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Hồng Kông, và Ma Cao. Các quan chức từ các cơ quan khác của Hoa Kỳ cũng tham gia chuyến đi này.
USTR cũng lưu ý rằng các cuộc đàm phán này sẽ được tiến hành theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, vốn điều chỉnh mối bang giao ngoại giao phi chính thức của Hoa Kỳ với Đài Loan.
Có hy vọng về một thỏa thuận sẽ đạt được vào cuối năm nay.
Các kỳ vọng của Đài Loan
Sáng kiến thương mại mới này được đưa ra sau khi hòn đảo này bị loại khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới mà Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 05/2022.
IPEF được nhiều người xem là một chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Khuôn khổ này cũng được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống được tạo ra trong khu vực khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà sau này vào năm 2017 được chuyển thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP).
Theo một cuộc họp báo được tổ chức tại Đài Bắc vào thời điểm đó, thỏa thuận mới này, chính thức được gọi là Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21, được công bố sau một cuộc họp trực tuyến hồi tháng 06/2022 giữa Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi và nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan, ông Đặng Chấn Trung (John Deng).
Gọi sáng kiến nêu trên là “một bước đột phá lịch sử trong sự phát triển kinh tế và thương mại Đài Loan–Hoa Kỳ,” ông Đặng cho biết sáng kiến này sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, có khả năng dẫn đến một hiệp định thương mại tự do song phương. Ông lưu ý rằng sáng kiến này sẽ giúp Đài Loan xây dựng các mối bang giao kinh tế với các chính phủ khác trên thế giới.
Ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), Ngoại trưởng Đài Loan, cũng cho biết sáng kiến này có tầm quan trọng “chiến lược lớn.” Ông nói rằng sáng kiến này sẽ trợ giúp Đài Loan có thể tham gia CPTPP, một hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia.
Đẩy mạnh hợp tác sản xuất vi mạch bán dẫn
Đài Loan nổi tiếng là nơi sản xuất đa phần các loại vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, một phương diện quan trọng trong cuộc cạnh tranh kỹ thuật đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hòn đảo này đã đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ về sản xuất vi mạch bán dẫn, với việc Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) thông báo mở một nhà máy chế tạo thứ hai ở Arizona để sản xuất công nghệ bán dẫn tiên tiến.
Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn này cho biết nhà máy sản xuất thứ hai nêu trên sẽ nâng tổng vốn đầu tư của công ty này vào địa điểm sản xuất ở phía bắc Phoenix lên 40 tỷ USD. Nhà máy này đã bắt đầu xây dựng và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất công nghệ xử lý 3 nanometer (NM) tiên tiến vào năm 2026.
Theo TSMC, khoản đầu tư 40 tỷ USD vào địa điểm sản xuất này sẽ là khoản đầu tư trực tiếp ngoại quốc lớn nhất trong lịch sử của Arizona.
Bản tin có sự đóng góp của Greg Isaacson và Frank Fang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times