Hoa Kỳ đã bán gần 6 triệu thùng dầu dự trữ cho Trung Quốc
Hồ sơ cho thấy, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã bán gần 6 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ cho một công ty có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Từ tháng 09/2021 đến tháng 07/2022, Bộ Năng lượng (DOE) đã trao ba hợp đồng dầu thô với tổng giá trị khoảng 464 triệu USD cho Unipec America, chi nhánh thương mại Hoa Kỳ của công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc Sinopec. Một công ty Trung Quốc có liên hệ với ông Hunter Biden đã đầu tư vào đại công ty dầu mỏ quốc gia này.
Thương vụ mua bán này sẽ khai thác tổng cộng 5.9 triệu thùng từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Hoa Kỳ (SPR) để xuất cảng cho công ty Trung Quốc nói trên. Hợp đồng mới nhất được công bố hôm 10/07, bao gồm 950,000 thùng được bán với giá khoảng 113.5 triệu USD.
Hai thương vụ bán hàng gần đây nhất cho Unipec xuất phát từ tình trạng suy giảm đột ngột trong kho dự trữ dầu của Hoa Kỳ, được khởi xướng dưới thời Tổng thống Joe Biden hôm 31/03, trong những gì mà ông nói là để bù đắp lại lượng dầu Nga bị thất thoát trên thị trường toàn cầu và khắc phục chi phí nhiên liệu đang tăng trong nước.
Nhưng các hợp đồng với Unipec đã bị chỉ trích nặng nề kể từ khi mối liên hệ của công ty này với ông Hunter Biden được chú ý trong những tuần gần đây. Các nhà lập pháp và nhà phân tích theo Đảng Cộng Hòa cho biết, trong lúc người dân Mỹ khắp đất nước vẫn đang quay cuồng với giá xăng ở mức 5 USD/gallon hồi tháng Sáu, thì việc bán dầu dự trữ cho các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc là trái ngược với nhu cầu năng lượng và an ninh của Hoa Kỳ.
Dân biểu Clay Higgins (Cộng Hòa-Louisiana) nói với The Epoch Times: “Ông Biden đang rút cạn nguồn dự trữ chiến lược của chúng ta với tốc độ chưa từng có. Đây là một hành vi lạm dụng Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR), vượt xa mục đích được trù hoạch của nó. Chuyển giao nguồn dự trữ xăng dầu của Hoa Kỳ cho địch thủ ngoại quốc là sai lầm và hành động này làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta.”
Theo ông, điều mà Hoa Kỳ nên làm là “giải phóng sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ và bảo đảm rằng các nguồn dự trữ chiến lược của chúng ta được dự trữ và có thể đáp ứng nhu cầu của quốc gia trong tình trạng khẩn cấp.”
Giá thầu của Unipec
Cuộc đấu giá dầu này có tính cạnh tranh về giá, và hợp đồng sẽ được trao cho người trả giá cao nhất. Unipec, một bên tham gia uy tín trong thương vụ bán dầu thô trước đó của Hoa Kỳ, đã có được 1.9 triệu thùng trong ba tháng qua thông qua hai hợp đồng mà họ giành được hôm 21/04 và 10/07.
DOE cũng đã bán 4 triệu thùng cho Unipec vào mùa thu năm ngoái (2021) trong một đợt bán do Quốc hội ủy nhiệm.
Một đánh giá về các hợp đồng DOE của The Epoch Times cho thấy, thương vụ bán cho Unipec dường như rơi vào khoảng giá thấp hơn trong số những người thắng thầu. Đối với hợp đồng năm 2021, Unipec đã trả khoảng 63 USD cho mỗi thùng, thấp hơn khoảng 7 USD so với giá giao dịch vào thời điểm đó và ít hơn 2 USD so với giá cao nhất từ những người mua khác trong thương vụ này.
Giá mua vào tháng Tư và tháng Bảy của Unipec lần lượt là 103.3 USD và 119.5 USD/thùng. Các mức giá cao nhất được cung cấp, để so sánh, là 111.25 USD và 125.1 USD.
Giảm dự trữ chưa từng có
Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược là nguồn cung cấp dầu thô khẩn cấp lớn nhất thế giới, với bốn nơi lưu trữ ở Texas và Louisiana được thiết kế để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu đáng kể trong thời gian xảy ra các sự kiện địa chính trị lớn hoặc thiên tai.
Nguồn dự trữ dầu này đã giảm mạnh trong năm qua, đáng chú ý hơn là kể từ khi ông Biden, người đang đổ lỗi cho cuộc chiến tranh Ukraine của Nga vì đã làm “tăng giá tại trạm xăng”, vào tháng Ba đã ra lệnh xả kho dầu với tốc độ 1 triệu thùng/ngày trong sáu tháng để kiềm chế giá xăng. Thương vụ bán khoảng 180 triệu thùng được lên kế hoạch này đã đánh dấu mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử hơn bốn thập niên của kho dự trữ dầu mỏ này và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1/3 nguồn cung dầu dự phòng của Hoa Kỳ.
Tồn kho ở mức 474.5 triệu thùng tính đến ngày 22/07, đánh dấu mức giảm 34% so với mức đỉnh 726.6 triệu thùng, và thấp hơn khoảng 90 triệu thùng so với mức dầu từ cuối tháng Ba.
Hôm 05/05, DOE đã công bố “kế hoạch mua lại dài hạn” để mua lại 60 triệu thùng vào mùa thu thông qua “quy trình đấu thầu giá cố định, cạnh tranh”. DOE cho biết ngày giao hàng sẽ diễn ra “trong những năm tới khi giá được dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể”, có thể là sau năm tài chính 2023. Sẽ có thêm nhiều lượt mua lại sau đợt mua đầu tiên này.
Theo ông Abhi Rajendran và ông Robert Johnston, hai học giả nghiên cứu về chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia, việc giải phóng trữ lượng dầu ở mức độ này sẽ mang lại nhiều rủi ro. Họ cho biết trong một phiên hỏi-đáp hôm 01/04, đầu tiên, không có gì bảo đảm rằng giá dầu sẽ giảm khi chính phủ tiến hành nạp đầy kho dự trữ. Hơn nữa, nguồn cung dầu giảm có thể khiến thị trường định giá cao hơn vì chiến tranh và những xáo động khác trong nguồn cung ứng, dẫn đến giá cao hơn trong thời gian dài.
Sự dò xét từ các nhà lập pháp
Trên Capitol Hill, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đang theo dõi thương vụ bán dầu này với mức độ báo động ngày càng tăng.
Hôm 20/07, tổng số 206 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu ủng hộ một dự luật sửa đổi bổ sung nhằm ngăn chặn chính phủ ông Biden xuất cảng xăng dầu cho các công ty và tổ chức có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dân biểu David Valadao (Cộng Hòa-California) cho biết: “Việc chúng ta sử dụng nguồn cung cấp năng lượng vốn đã cạn kiệt của mình để giúp Trung Quốc xây dựng nguồn dự trữ chiến lược của riêng họ, là không hợp lý.”
Trung Quốc là nước nhập cảng dầu lớn nhất thế giới. Khi phương Tây quay lưng lại với dầu của Nga do chiến tranh Ukraine, Trung Quốc đã âm thầm khai thác các nguồn tài nguyên của Nga với mức chiết khấu cao. Dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy, từ tháng Ba đến tháng Sáu, họ đã chi hơn 25 tỷ USD vào dầu, khí đốt và than đá của Nga, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ một năm trước đó. Sản lượng bán ra đã đưa Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong hai tháng liên tiếp kể từ tháng Năm, thế chỗ của Saudi Arabia.
Dự luật do Đảng Cộng Hòa dẫn đầu này đã bị bác bỏ sau khi 219 người đồng cấp Đảng Dân Chủ của họ nhất loạt bỏ phiếu chống.
Cùng ngày, 20 thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện đã viết một bức thư (pdf) cho Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm yêu cầu một cuộc họp ngắn ngay lập tức và tất cả các tài liệu liên quan đến quyết định của chính phủ về việc bán dầu dự trữ của Hoa Kỳ. Họ lưu ý rằng đại tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc Sinopec, công ty mẹ của Unipec, có liên hệ với con trai thứ hai của Tổng thống là ông Hunter Biden, thông qua công ty cổ phần tư nhân BHR Partners được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đã trở thành một cổ đông của Sinopec vào năm 2014.
Ông Hunter từng là một thành viên trong hội đồng sáng lập của công ty BHR từ năm 2013 đến tháng 04/2020. Công ty Skaneateles của ông này cũng nắm giữ 10% cổ phần trong BHR, mà luật sư của ông ấy cho biết đã được thoái vốn kể từ tháng 11/2021. Tuy nhiên, trên báo cáo thường niên năm 2021 của BHR được công bố hồi tháng Sáu, Skaneateles vẫn được liệt kê là một cổ đông.
Luật sư của ông Hunter đã không phúc đáp nghi vấn báo chí của The Epoch Times về Skaneateles.
Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), người đã ký vào bức thư nói trên, nói với The Epoch Times: “Như thể ông Biden không thể làm cuộc khủng hoảng năng lượng này xấu hơn nữa, diễn biến mới nhất về việc gửi nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của chúng ta cho một công ty dầu mỏ Trung Quốc có liên hệ với ông Hunter Biden đang chạm xuống một mức thấp mới.”
Ông nói: “Điều đầu tiên là, chính phủ đáng lẽ không nên khai thác những nguồn dự trữ này. Thứ hai, lượng dầu dự trữ này đáng lẽ không được ra khỏi địa giới của Hoa Kỳ, và thứ ba, Hoa Kỳ không nên thực hiện các giao dịch với các công ty có liên quan đến con trai của tổng thống,” và nói thêm rằng “các hành động thỏa hiệp của gia đình ông Biden tiếp tục đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ Quốc hội.”
Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), thành viên cao cấp của Ủy ban Giám sát Hạ viện, chủ bút của bức thư, lưu ý rằng những nghi vấn trước đây của họ đối với DOE về thương vụ bán dầu này đã không nhận được hồi đáp.
Ông nói với The Epoch Times: “Trong mọi trường hợp, Bộ Năng lượng không nên đưa ra quyết định có lợi về mặt tài chính cho ông Hunter Biden hoặc bất kỳ đối tác kinh doanh nào của gia đình ông Biden.”
“Nếu các quan chức chính phủ tiếp tục phớt lờ sự giám sát có ý nghĩa”, Đảng Cộng Hòa sẽ “sử dụng chiếc búa chủ tọa để có câu trả lời vào tháng Một”, nhà lập pháp này nói, đề cập đến việc Đảng Cộng Hòa dự kiến tiếp quản Hạ viện vào giữa nhiệm kỳ, vốn sẽ trao quyền trát đòi hầu tòa cho Đảng Cộng Hòa với tư cách là các lãnh đạo của các ủy ban khác nhau của Hạ viện.
“Người dân Hoa Kỳ cần câu trả lời để xác định xem đây có phải là một nỗ lực khác của gia đình ông Biden nhằm lừa đảo tiếp cận các cấp chính phủ cao nhất để làm giàu cho bản thân hay không.”
Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), người cũng ủng hộ yêu cầu của Ủy ban Giám sát, cho biết thương vụ mua bán này cho thấy rõ “năng lực kém cỏi” của chính phủ hiện tại.
Ông nói với The Epoch Times: “Tòa Bạch Ốc của ông Biden rõ ràng không nhìn ra vấn đề trong việc chuyển hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của chúng ta sang các tàu chở dầu ở ngoại quốc, điều này có thể giải thích tại sao họ không thấy vấn đề khi bán dầu thô khẩn cấp của chúng ta cho một công ty khí đốt Trung Quốc có liên hệ với công ty đầu tư của ông Hunter Biden.”
Tòa Bạch Ốc phản đối
Ông Ian Sams, một trợ lý đặc biệt của ông Biden kiêm phát ngôn viên của Văn phòng Cố vấn Tòa Bạch Ốc, đã đáp lại những cáo buộc của Đảng Cộng hòa hôm 22/07, nói rằng chuyện này là “vô lý và sai sự thật.”
DOE “bán dầu ‘trong một cuộc đấu giá cạnh tranh cho người trả giá cao nhất’ theo đúng quy định của pháp luật, bất kể người trả giá đó có phải là công ty ngoại quốc hay không,” ông nói với Fox News, lưu ý rằng chính phủ cựu Tổng thống Trump, vào năm 2017, cũng đã bán một nửa triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ cho tập đoàn quốc doanh PetroChina International của Trung Quốc thông qua cùng một “quy trình đấu thầu cạnh tranh”.
Ông Sams cũng nhấn mạnh rằng ông Biden “không hề dính líu gì trong quá trình này.”
Nhưng theo ông Daniel Turner, người sáng lập và giám đốc điều hành của Power the Future, một tổ chức bất vụ lợi ủng hộ người lao động trong ngành năng lượng, tuyên bố của ông Sams có thể chưa đưa ra bức tranh toàn diện.
“Tòa Bạch Ốc đã phản kháng khi nói rằng trước kia chúng ta đã bán dầu cho người Trung Quốc cộng sản. Và đó là sự thật. Chúng ta đã bán khi Kho Dự trữ Dầu Chiến lược của chúng ta gần đầy và dầu không ở mức cao kỷ lục và thế giới đã tương đối hòa bình,” ông nói với The Epoch Times. “Thời thế thay đổi, và nhờ có vị Tổng thống này, thời thế không chỉ thay đổi mà còn trở nên tệ hơn, và các chính sách của chúng ta phải thay đổi theo họ.”
The Epoch Times đã không nhận được phản hồi từ DOE về kế hoạch mua lại của họ và những lo ngại của các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa vào thời điểm phát hành bài báo này.
Cô Eva Fu là một nhà văn ở New York cho The Epoch Times tập trung vào các mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với cô Eva tại [email protected]