Hoa Kỳ chỉ trích bản án tù ‘quá bất công’ đối với ông trùm truyền thông Lê Trí Anh
Hoa Kỳ đã lên án phán quyết của một tòa án Hồng Kông kết án tù ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai), một hành động mà chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mô tả là một nỗ lực nhằm “tẩy bạch cho tội phạm.”
Hôm Chủ Nhật (11/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc “tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả quyền tự do báo chí, ở Hồng Kông” sau kết quả “bất công” của phiên tòa xét xử ông Lê về tội danh lừa đảo cho thuê liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông.
Ông Lê đã bị buộc tội sử dụng tổ chức truyền thông của mình để che giấu hoạt động của một công ty tư vấn đặt tại trụ sở của tờ báo tự do Apple Daily hiện đã giải tán của ông. Các điều khoản cho thuê quy định rằng cơ sở này chỉ có thể được sử dụng để in ấn và phát hành.
Ông Lê đã bị phạt 2 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 257,000 USD) vì vi phạm các điều khoản cho thuê đất và bị tước quyền làm giám đốc công ty trong 8 năm.
Nhưng tòa án cũng đã kết án ông Lê 5 năm 9 tháng tù vì vi phạm trên.
“Hoa Kỳ lên án kết quả quá bất công trong bản án xét xử mới nhất của ông Lê Trí Anh. Theo bất kỳ thước đo khách quan nào, kết quả này không công bằng và cũng không hề chính đáng,” ông Price viết trên Twitter.
ĐCSTQ đã đáp trả và cho biết họ kiên quyết bác bỏ “những bình luận vô trách nhiệm” của ông Price, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ kiềm chế không can thiệp vào cơ quan tư pháp của Hồng Kông và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc “bằng danh nghĩa nhân quyền.”
Phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố rằng hành động của Hoa Thịnh Đốn chỉ làm lộ ra danh tính của ông Lê “với tư cách là một đặc vụ và là một quân tốt” của Hoa Kỳ; một cáo buộc thường được đặt ra đối với những cá nhân đồng tình hoặc liên kết với các giá trị dân chủ tự do vốn trái ngược với hệ tư tưởng của chính bản thân đảng cộng sản cầm quyền, một hệ tư tưởng vốn xa lạ với Trung Quốc khi những người cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949.
Một nỗ lực buộc ông Lê im lặng
Các nhóm nhân quyền quốc tế đã lên án phán quyết của tòa án và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Lê.
Cô Mã Lệ Di (Beh Lih Yi), Điều phối viên Chương trình Á Châu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cho biết nên hủy bỏ việc truy tố ông Lê vì bị cáo 75 tuổi này đã thụ án hai năm tù.
“Bản án nặng nề dành cho ông Lê Trí Anh về tội danh lừa đảo cho thấy Bắc Kinh và Hồng Kông sẽ không từ thủ đoạn để loại bỏ bất kỳ tiếng nói bất đồng nào,” cô Mã nói hôm 10/12. “Các nhà chức trách phải chấm dứt cuộc bức hại này một lần và mãi mãi.”
Người đứng đầu Văn phòng Đông Á của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), ông Cedric Alviani, cho biết “mức độ nghiêm trọng đáng kinh ngạc” của các bản án đối với ông Lê cho thấy “chính quyền Trung Quốc tuyệt vọng đến mức nào trong việc bịt miệng nhân vật biểu tượng của tự do báo chí ở Hồng Kông.”
Ông Alviani đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc để “bảo đảm cho ông Lê được trả tự do cùng với tất cả các ký giả và những người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam giữ ở Hồng Kông và ở đại lục.”
Là mục tiêu của ‘pháp lý chiến’
Bà Caoilfhionn Gallagher KC, trưởng nhóm pháp lý quốc tế của ông Lê, nói rằng ông Lê đang là mục tiêu của “pháp lý chiến” (chiến tranh pháp lý, “lawfare”) với nhiều vụ truy tố nhằm “bịt miệng và làm mất uy tín” của ông, đồng thời nhằm gửi một thông điệp rõ ràng để dập tắt việc chỉ trích Bắc Kinh hoặc chính quyền ở Hồng Kông.
Bà Gallagher nói rằng chính phủ Anh vẫn giữ im lặng về vụ việc mặc dù ông Lê mang quốc tịch Anh.
Bà đã kêu gọi Thủ tướng Anh Rishi Sunak và ngoại trưởng của ông cấp bách giải quyết vụ việc và lên tiếng ủng hộ công dân Anh này.
“Thật đáng ngạc nhiên là chúng tôi đã nghe nhiều về bản án lừa đảo giả mạo này từ chính phủ Hoa Kỳ hơn là từ chính phủ của ông Lê,” bà Gallagher cho biết trong một tuyên bố đăng trên Twitter.
Con trai của ông Lê là ông Lê Sùng Ân (Sebastien Lai) cũng đã kêu gọi chính phủ Anh hành động để bảo đảm tự do cho cha mình.
“Cha tôi là một công dân Anh và không làm gì sai trái,” nhóm pháp lý quốc tế của ông Lê đã trích lời ông Lê Sùng Ân nói như vậy. “Vương quốc Anh phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn điều này, và hãy làm ngay bây giờ.”
Ông Lê đã ngồi tù kể từ tháng 12/2020 vì vai trò của ông trong các cuộc tụ họp trái phép. Ông cũng bị buộc tội theo Luật An ninh Quốc gia (NSL) hà khắc vì bị tình nghi thông đồng với điều mà ĐCSTQ xem là “các thế lực ngoại quốc.”
Phiên tòa xét xử ông về các cáo buộc theo NSL đã bị trì hoãn sau khi nhà lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) yêu cầu Bắc Kinh ra quyết định về việc liệu các luật sư ngoại quốc có thể làm việc trong các vụ án an ninh quốc gia — sau khi một phán quyết của tòa án cho phép ông Lê thuê một luật sư người Anh — hay không.