Hoa Kỳ: Chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ đạt mức thấp nhất mọi thời đại
Chỉ số Lạc quan của Doanh nghiệp Nhỏ của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử 48 năm của chỉ số này vào tháng Sáu, khi những đám mây dông tố ngày càng tích tụ ở phía chân trời của nền kinh tế Hoa Kỳ, đe dọa khả năng duy trì lợi nhuận của các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Chỉ số NFIB giảm 3.6 điểm xuống mức thấp chưa từng có là 89.9, phản ánh những thách thức ngày càng tăng của việc duy trì một doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế những năm 2020. Điều này làm cho tháng Sáu trở thành tháng thứ sáu liên tiếp mà chỉ số được báo cáo dưới mức trung bình 48 năm là 98. Tuy nhiên, sự sụt giảm là nghiêm trọng hơn đáng kể so với tháng Năm, khi chỉ số này chỉ giảm 0.1 điểm xuống mức thấp nhất mọi thời điểm là 93.1. Điểm số tháng này cho thấy triển vọng xấu đi nhanh chóng đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, vì nhiều vấn đề ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ có ít dấu hiệu giảm bớt.
Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm trong tỷ lệ chủ sở hữu doanh nghiệp mong đợi doanh thu cao hơn, giảm 13% xuống mức âm 28%. Trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng cao bất thường trong những năm gần đây, các dấu hiệu cho thấy xu hướng chi tiêu này sắp kết thúc khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh lo ngại lạm phát và suy thoái ngày càng tăng cao.
Báo cáo của NFIB chứng minh các vấn đề từ lâu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ kể từ khi các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch bắt đầu. Đứng đầu trong số này là lạm phát, tình trạng thiếu hụt lao động, và gián đoạn chuỗi cung ứng, tất cả đều được phản ánh trong kết quả của cuộc khảo sát của NFIB.
69% người được hỏi cho biết giá bán hàng hóa và dịch vụ của họ cao hơn, trong khi chỉ 4% cho biết giá bán thấp hơn, phản ánh giá trị đồng USD giảm trong bối cảnh lạm phát tràn lan, đạt mức 9.1% hàng năm trong báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng gần đây nhất.
50% chủ doanh nghiệp cho biết có các cơ hội việc làm mà họ không thể lấp đầy. Mặc dù con số này thực sự phản ánh sự sụt giảm một điểm so với kết quả khảo sát của tháng Năm, nhưng nó là một minh chứng cho những thách thức của thị trường lao động eo hẹp đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. 8% nói rằng chi phí lao động là vấn đề chính của họ, trong khi 23% xác định chất lượng lao động là thách thức lớn nhất của họ.
39% chủ doanh nghiệp nói rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của họ, trong khi 30% báo cáo tác động vừa phải và 23% báo cáo tác động nhẹ. Chỉ 6% cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Với sự hội tụ của các yếu tố này, không có gì đáng ngạc nhiên khi các chủ doanh nghiệp nhỏ lại ôm giữ triển vọng ảm đạm như vậy về tương lai gần và trung hạn của doanh nghiệp họ. Mặc dù mức độ bi quan trong tháng Sáu cao hơn đáng kể so với tháng trước đó, nhưng xu hướng vẫn giống với những tháng gần đây, tiếp tục một năm dương lịch với những dự báo xấu đi liên tục cho các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế nói chung.
Anh Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times.