Hoa Kỳ: Chi phí thực tế gia tăng trong thời kỳ lạm phát
Số liệu lạm phát 9.1% trong tháng Sáu, tăng 0.5% so với tháng trước và cao nhất kể từ năm 1981, không đưa ra đủ thông tin về cuộc sống của người dân Mỹ đã trở nên đắt đỏ như thế nào. Theo dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố, số liệu tổng thể này che giấu một thực tế rằng không phải tất cả các mức giá đều tăng đồng đều và các sản phẩm trở nên đặc biệt đắt đỏ cũng là những thứ mà người dân thường không thể thiếu, chẳng hạn như thực phẩm, nhiên liệu, và năng lượng.
Tính đến tháng Sáu, trong số các loại thực phẩm, giá bơ thực vật tăng 34% và trứng tăng 33%, cao nhất trong 12 tháng qua. Xếp sau là bơ (tăng hơn 21%), bột mì (tăng hơn 19%), và thịt gà (tăng hơn 18%). Sữa và cà phê tăng khoảng 16%.
Giá xăng thông thường tăng hơn 60%, dầu diesel tăng khoảng 76%, và dầu nhiên liệu mà nhiều người dân Mỹ sử dụng để sưởi ấm trong nhà của họ, đã tăng giá gần gấp đôi. Khí đốt tự nhiên tăng hơn 38% và điện gần 14%.
Tòa Bạch Ốc, thông qua tài khoản Twitter của Tổng thống Joe Biden, đã gọi những số liệu lạm phát trên là “không thể chấp nhận được,” ngoại trừ [một số liệu] “đã cũ” của ngày 13/07, cho rằng giá xăng đã giảm khoảng 40 cents/gallon (tức khoảng 8%) trong 30 ngày qua.
Các sản phẩm có xu hướng tăng giá mạnh nhất cũng gặp phải vấn đề về nguồn cung. Sản lượng xăng bị hạn chế bởi các chính sách của chính phủ ông Biden và giới tinh hoa tài chính nói chung là một phần trong nỗ lực của họ nhằm hạn chế lượng khí thải carbon. Sản lượng trứng đã bị hạn chế do dịch cúm gia cầm bùng phát khiến số lượng gà đẻ giảm khoảng 8% trong những tháng gần đây. Sản lượng ngũ cốc bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao ngất trời và tình trạng thiếu thuốc diệt cỏ. Ngược lại, giá ngũ cốc cao hơn không chỉ xuất hiện trong các mặt hàng bánh mì và bột mì, mà còn trong thức ăn chăn nuôi, vì thế ảnh hưởng đến giá thịt và sữa.
Thông thường, người tiêu dùng đối phó giá cả tăng cao hơn bằng cách thắt lưng buộc bụng — tiêu thụ ít hơn — do đó dẫn đến giá giảm. Tuy nhiên, do các gói chi tiêu liên bang lãng phí trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhu cầu của người tiêu dùng đã bị thúc đẩy một cách giả tạo. Một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng giá cả sẽ phải tăng tương đối mạnh trong một hoặc hai năm nữa trước khi năng suất của nền kinh tế bắt kịp với tất cả số tiền mới được in ra.
Một số mức giá, có vẻ như, đã đạt đến đỉnh điểm. Ví dụ, thịt bò bít tết tăng hơn 30% từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021, nhưng giảm khoảng 5% kể từ thời điểm đó. Tương tự, giá thuê xe hơi và xe tải đã tăng hơn 70% từ tháng 07/2020 đến tháng 07/2021, nhưng sau đó đã giảm khoảng 11%.
Ở một số liệu khác, giá điện thoại thông minh giảm 20% và giá TV giảm gần 13% trong tháng Sáu. Tuy nhiên, có một cảnh báo đối với những số liệu đó: BLS thực hiện “điều chỉnh chất lượng theo hướng thịnh hành” đối với giá của một số sản phẩm nhất định thay đổi về chất lượng. Ví dụ, nếu một phiên bản cũ của iPhone không còn được bán nữa và được thay thế bằng một phiên bản mới, có cùng mức giá, nhưng có nhiều tính năng cao cấp hơn, BLS sẽ điều chỉnh giá điện thoại xuống bởi vì người ta lập luận rằng, người tiêu dùng đang nhận được giá trị lớn hơn số tiền bỏ ra.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.