Hoa Kỳ chặn nghị quyết ngừng bắn viện dẫn Điều 99 của Liên Hiệp Quốc vì ‘sự khiếm khuyết về đạo đức’ của Hội đồng Bảo an
Phó Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho rằng dự thảo của nghị quyết ‘không liên quan’ tới thực tế.
Hôm thứ Sáu (08/12), Hoa Kỳ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến Israel-Hamas, đồng thời chỉ trích rằng việc hội đồng không lên án vụ tấn công khủng bố xảy ra hôm 07/10 là một “sự khiếm khuyết nghiêm trọng về mặt đạo đức.”
Trong bài diễn văn trước Hội đồng Bảo an, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood cho biết văn bản dự thảo của nghị quyết này “không liên quan” đến thực tế.
Ông Wood cho biết: “Chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao các tác giả của nghị quyết lại từ chối sử dụng ngôn từ lên án vụ tấn công khủng bố tàn bạo của Hamas vào Israel hôm 07/10.”
Hoa Kỳ, quốc gia nắm quyền phủ quyết, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, cùng với Nga, Trung Quốc, Pháp, và Vương quốc Anh. Các thành viên không thường trực gồm có Brazil, Albania, Ecuador, Gabon, Ghana, Thụy Sĩ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Malta, và Nhật Bản.
“Việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không lên án các cuộc tấn công khủng bố hôm 07/10 của Hamas — bao gồm cả các hành vi bạo lực tình dục và những tội ác không thể tưởng tượng nổi khác — là một khiếm khuyết nghiêm trọng về mặt đạo đức. Và điều này cho thấy sự không liên quan căn bản giữa các cuộc thảo luận mà chúng ta đang bàn đến trong Phòng này với thực tế trên thực địa,” ông Wood nói.
Trong khi Hoa Kỳ ủng hộ “một nền hòa bình lâu dài” giữa người Israel và người Palestine, ông Wood lưu ý rằng Hamas “tiếp tục gây ra mối đe dọa cho Israel và vẫn nắm quyền kiểm soát Gaza.”
“Đó không phải là một mối đe dọa mà bất kỳ chính phủ nào trong chúng ta cũng sẽ cho phép tiếp tục tồn tại ở biên giới của chúng ta. [Chí ít thì] không phải là sau một cuộc tấn công tồi tệ nhất nhắm vào người dân của chúng ta trong nhiều thập niên,” ông cho biết. “Vì lý do đó, trong lúc Hoa Kỳ mạnh mẽ ủng hộ một nền hòa bình lâu dài mà trong đó cả người Israel và người Palestine có thể chung sống trong hòa bình và an ninh, chúng tôi không ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.”
Ông bổ sung thêm: “Điều này sẽ chỉ gieo mầm mống cho cuộc chiến tiếp theo — bởi vì Hamas không mong muốn chứng kiến một nền hòa bình lâu dài, hay là một giải pháp hai nhà nước.”
Ông Wood cũng khẳng định các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “có nghĩa vụ giải thích cách mà lời đề nghị của họ có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực không ngừng nghỉ này.”
“Mục tiêu của chúng ta không chỉ đơn giản là chấm dứt chiến tranh ngày hôm nay mà còn phải chấm dứt chiến tranh mãi mãi, phá vỡ vòng xoáy bạo lực không ngừng nghỉ, và xây dựng một thứ gì đó mạnh mẽ hơn ở Gaza và trên khắp Trung Đông để lịch sử không lặp lại,” ông cho biết.
Việc viện dẫn Điều 99 là ‘sự suy đồi mới về mặt đạo đức’ của Liên Hiệp Quốc
Hôm thứ Tư (06/12), Nghị quyết đã được đề ra sau khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc để buộc Hội đồng Bảo an giải quyết cuộc xung đột Israel-Hamas, cho rằng “cộng đồng quốc tế có trách nhiệm sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để ngăn chặn khủng hoảng leo thang thêm nữa và chấm dứt cuộc khủng hoảng này.” “Tình hình đang nhanh chóng chuyển biến xấu thành một thảm họa trước những tác động tiềm ẩn không thể đảo ngược đối với người dân Palestine nói chung cũng như đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Cần phải tránh một kết quả như vậy bằng mọi giá,” ông viết.
Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, ông Gilad Erdan, đã chỉ trích việc viện dẫn Điều 99, vốn dành riêng cho các cuộc khủng hoảng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xem đó là “một sự suy đồi mới về mặt đạo đức.”
Ông Erdan nêu rằng Điều 99, vừa được viện dẫn lần đầu kể từ khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhậm chức vào năm 2017, đã không được sử dụng cho các cuộc khủng hoảng quốc tế khác, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine, việc Tổng thống Syria Bashar Assad khai triển vũ khí hóa học ở Syria, và cuộc nội chiến ở Yemen.
Tuệ Chân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times