Hoa Kỳ: Các chính sách ‘sai lầm’ của chính phủ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vô gia cư
Tình trạng vô gia cư tại Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong thập niên vừa qua và hiện đang ở mức khủng hoảng tại các thành phố lớn. Đây cũng là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các cử tri tại nhiều cộng đồng đang quan tâm ngay lúc này.
Theo một nghiên cứu mới từ Viện nghiên cứu Discovery, tổng số người vô gia cư trên toàn quốc đang gần chạm mức 1.2 triệu người, lớn hơn nhiều so với con số nửa triệu người thường được các hãng thông tấn trích dẫn.
Báo cáo cho biết, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì tình trạng vô gia cư vẫn tăng đều bất chấp khoản chi tiêu cho phúc lợi của chính phủ có sự gia tăng đáng kể.
Ông Robert Marbut, Jr., một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề vô gia cư và là thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Discovery, tin rằng trước khi chính phủ liên bang có thể giải quyết hiệu quả vấn đề vô gia cư, thì trước tiên họ phải hiểu được căn nguyên gây ra vấn đề đó.
Tại một buổi tiệc trưa ở Hoa Thịnh Đốn hôm 12/10, ông Marbut trình bày nghiên cứu mới của mình có nhan đề “Quốc hội Có thể Làm gì để Cải tổ các Chính sách Vô gia cư Sai lầm của Chính phủ”. Ông lập luận rằng tình trạng vô gia cư trước hết nên được đối đãi như một vấn đề về sức khỏe tâm thần và sức khỏe hành vi, thay vì chỉ giải quyết ở giác độ nhà ở.
Ông Marbut cũng là giám đốc điều hành của Hội đồng Liên ngành về Tình trạng Vô gia cư của Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từ năm 2019 đến năm 2021.
Theo ông Marbut, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng vô gia cư bắt nguồn từ chính sách “Housing First” (tạm dịch: Nhà Ở Trước Tiên), vốn cung cấp cho người vô gia cư quyền tiếp cận vô điều kiện vào nhà ở trợ cấp. Chính sách này là biện pháp chính mà chính phủ sử dụng để giải quyết tình trạng vô gia cư trong 20 năm qua.
Các nhà vận động ủng hộ chiến lược Nhà Ở Trước Tiên tin rằng [cung cấp] nhà ở cố định là cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này, và tất cả những người vô gia cư nên có nơi ăn chốn ở ngay lập tức, mà không cần bất kỳ điều kiện nào.
Theo các nhà phê bình, chính phủ Tổng thống Obama đã áp dụng chính sách Nhà Ở Trước Tiên như một giải pháp phù-hợp-cho-tất-cả hồi năm 2013, và sau đó vấn nạn vô gia cư ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Là một phần trong kế hoạch chiến lược giải quyết tình trạng này, cựu Tổng thống Barack Obama cam kết giải quyết dứt điểm tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh vào năm 2015, người vô gia cư có bệnh mãn tính vào năm 2017, và vô gia cư theo dạng gia đình vào năm 2020.
Ông Marbut nói, “Kết quả thật thảm hại.”
Ông Marbut cho rằng cách tiếp cận “Nhà Ở Trước Tiên”, trên thực tế, đã biến thành biện pháp “nhà ở là duy nhất”. Chính sách này đã gây ra những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như loại bỏ các yêu cầu đối với người vô gia cư để tham gia vào các chương trình hỗ trợ và trị liệu hữu hiệu, cũng như việc loại bỏ tài trợ liên bang cho các dịch vụ trọn gói để điều trị chứng nghiện và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Bằng việc phớt lờ những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng vô gia cư – chẳng hạn như bệnh tâm thần không được điều trị kết hợp với rối loạn sử dụng chất kích thích – chính sách “Nhà Ở Trước Tiên” là một biện pháp cứu trợ ngắn hạn và tốn kém, chỉ giải quyết được các triệu chứng [bên ngoài] của một cá nhân sống trên đường phố mà thôi,” ông Marbut nêu trong báo cáo.
Trong 5 năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến, số lượng người vô gia cư không có nơi để ở đã tăng hơn 20%, ngay cả khi số lượng phiếu nhà ở trợ cấp tăng hơn 40%, theo báo cáo.
Bài báo cáo này đã loại trừ một cách có chủ đích các số liệu sau đại dịch COVID để chứng minh rằng vấn đề này đã tồn tại trước đại dịch. Báo cáo cũng nói rằng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD) “hạ thấp một cách giả tạo” số lượng người vô gia cư bằng cách không tính những người đang sống trong nhà ở hỗ trợ cố định cũng như những người nhận được chỗ ở theo chương trình tái định cư nhanh chóng (Rapid Re-housing Program).
Tranh cãi về nguyên nhân vấn đề
Trong những năm gần đây, ông Marbut vấp phải nhiều chỉ trích vì phản đối chính sách Nhà Ở Trước Tiên, đến từ nhóm người tin rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng vô gia cư là do không có nhà ở với giá phải chăng. Họ cho rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần chỉ tác động một phần nhỏ đến tình trạng này.
Những người ủng hộ cũng biện minh rằng đây là “một cách tiếp cận linh hoạt”, tuyên bố việc có một căn nhà ổn định sẽ góp phần giúp những người vô gia cư trị bệnh tốt hơn, tìm được việc làm, thụ hưởng giáo dục, và bảo đảm sức khỏe.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Manhattan đã phát hiện ra rằng chính sách Nhà Ở Trước Tiên đã không thành công trong việc giải quyết chứng tâm thần nghiêm trọng và chứng nghiện ma túy, cũng như giúp đỡ những người vô gia cư tìm được việc làm và vượt qua cảm giác bị xã hội cô lập.
Theo ông Marbut, tiểu bang California là nơi “thử nghiệm hoàn hảo” cho chính sách Nhà Ở Trước Tiên, vì tất cả các quỹ trợ giúp người vô gia cư của liên bang và tiểu bang đều dành cho duy nhất chương trình này. Dù vậy, nhưng tình trạng vô gia cư tại tiểu bang này lại gia tăng nhanh hơn so với tốc độ trung bình của quốc gia.
Ông Marbut nói rằng số người vô gia cư tử vong trên đường phố mỗi ngày nhiều hơn số quân nhân Hoa Kỳ tử trận ở hải ngoại.
Ông Bruce Chapman, người sáng lập và đứng đầu Viện nghiên cứu Discovery, ví tình hình hiện tại với điều kiện xã hội tồi tệ được mô tả trong các tiểu thuyết của nhà văn Charles Dickens.
“Đây đúng là kiểu mà ông Dicken mô tả; mọi chuyện quay trở lại như điều quý vị đã biết ở thế kỷ 18 và 19,” ông Chapman nói tại bữa tiệc trưa. Ông thúc giục Quốc hội khóa mới cải tổ lại các chính sách thất bại của chính phủ liên bang.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times