Hoa Kỳ ban hành 500 lệnh trừng phạt Nga sau khi ông Navalny qua đời
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết: ‘Ông Putin đã cầm cố hiện tại và tương lai của người dân Nga cho mục đích của riêng mình là chinh phục Ukraine.’
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga và các tổ chức trợ giúp nước này đàn áp nhân quyền và nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.
Trong một tuyên bố, TT Joe Biden cho biết đây là đợt trừng phạt lớn nhất được công bố kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine gần hai năm trước đây, và tìm cách buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh và sự qua đời của nhà lãnh đạo phe đối lập người Nga Alexei Navalny.
“Hôm nay, tôi sẽ công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới đối với Nga vì cuộc chiến tranh chinh phục Ukraine đang diễn ra và vì sự qua đời của ông Aleksey Navalny, một nhà hoạt động chống tham nhũng dũng cảm và là nhà lãnh đạo phe đối lập quyết liệt nhất của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin,” Tổng thống Biden nói.
“Chúng tôi cũng đang áp đặt các hạn chế xuất cảng mới đối với gần 100 tổ chức cung cấp sự trợ giúp bí mật cho cỗ máy chiến tranh của Nga.”
Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt này, trong đó Bộ Ngân khố cũng bổ sung hơn 90 công ty vào Danh sách Tổ chức (Entity List).
Những lệnh trừng phạt này nhắm mục tiêu vào các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại 11 quốc gia, cũng như 3 quan chức chính phủ Nga mà Tòa Bạch Ốc cho là có liên quan đến sự qua đời của ông Navalny tại một nhà tù ở Bắc Cực hồi tuần trước (16/02).
Các lệnh trừng phạt này cũng nhắm vào các lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga, cơ sở công nghiệp quốc phòng, mạng lưới mua sắm, và những bên trốn tránh lệnh trừng phạt trên nhiều châu lục.
Một tuyên bố của Bộ Ngân khố cho biết các lệnh trừng phạt này chủ định là “để tăng thêm chi phí cho cuộc trấn áp, đàn áp nhân quyền, và gây hấn của Nga đối với Ukraine.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã hy sinh sự thịnh vượng của người dân Nga trong nỗ lực phi quân sự hóa Ukraine.
Bà Yellen nói: “Ông Putin đã cầm cố hiện tại và tương lai của người dân Nga cho mục đích của riêng mình là chinh phục Ukraine.”
“Điện Kremlin chọn cách định hướng lại nền kinh tế để chế tạo vũ khí tiêu diệt các nước lân bang với cái giá là tương lai kinh tế của chính người dân mình.”
Nền kinh tế Nga kiên quyết chống lại việc tăng các lệnh trừng phạt
Các lệnh trừng phạt này theo sát sau một nỗ lực tương tự do các quan chức Âu Châu thực hiện hồi đầu tuần này, trong đó các quốc gia thành viên EU đã cấm gần 200 tổ chức và cá nhân bị cáo buộc giúp Moscow mua vũ khí bất hợp pháp và bắt cóc trẻ em ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga đáp trả bằng cách mở rộng một danh sách các quan chức và chính trị gia của Liên minh Âu Châu bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Các lệnh trừng phạt này cũng theo sau một loạt các vụ bắt giữ và cáo trạng ở Hoa Kỳ, trong đó Bộ Tư pháp đã cáo buộc các nhà tài phiệt Nga, trong đó có người đứng đầu ngân hàng lớn thứ hai của Nga, vì vi phạm lệnh trừng phạt và rửa tiền.
Theo đó, các lệnh trừng phạt mới này nhắm vào một số tổ chức quan trọng, trong đó có Công ty Cổ phần Hệ thống Thẻ Thanh toán Quốc gia, thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận tiện cho các giao dịch tài chính ở đó.
Tương tự, 26 tổ chức và cá nhân ở 11 quốc gia khác hiện bị trừng phạt, trong đó có vài công ty từ Trung Quốc cộng sản và một công ty bình phong của Iran hoạt động tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Kể từ khi ông Putin ra lệnh xâm lược toàn diện vào Ukraine, Hoa Kỳ đã trừng phạt hơn 4,000 tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, kết quả của những lệnh trừng phạt đó vừa có được, vừa có mất.
Nền kinh tế Nga suy giảm hơn 2% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng đã tăng trưởng trở lại khoảng 3% trong năm 2023, phần lớn là do gia tăng các thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc và những nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Hôm thứ Năm (22/02), Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland cho biết, để đạt được điều đó, “các gói trừng phạt ồ ạt mới này [có] chủ định, cùng với những lệnh trừng phạt khác, nhằm bóp nghẹt nỗ lực của Nga trong việc trốn tránh lệnh trừng phạt.”
Trong một cuộc thảo luận tại tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bà Nuland cho biết: “Việc này tập trung rất nhiều vào việc trốn tránh, vào các giao điểm, mạng lưới, và các quốc gia giúp trốn tránh, dù tự nguyện hay không, cũng như vào các ngân hàng trợ giúp và cho phép kiểu trốn tránh đó.”
Sự phản đối của quốc tế trước sự qua đời của ông Navalny
Những nỗ lực của EU và Hoa Kỳ để cuối cùng ngăn chặn khả năng tiếp tục nỗ lực chiến tranh của Nga diễn ra khi cộng đồng quốc tế một lần nữa lại phản đối Moscow sau ông Navalny qua đời hồi tuần trước.
Cơ quan quản lý nhà tù của Nga tuyên bố rằng ông Navalny, một nhà hoạt động đối lập của Nga và là người chỉ trích ông Putin nổi bật nhất trong gần hai thập niên, đã đột ngột qua đời sau một cuộc đi dạo tại nhà tù xa xôi “Polar Wolf” nơi ông bị giam giữ.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho tuyên bố này. Nhiều người, trong đó có Tổng thống Biden, đã cáo buộc Điện Kremlin chơi xấu.
Hoạt động chống tham nhũng của ông Navalny thường xuyên khiến ông bất hòa với chính phủ Putin trong nhiều năm qua.
Đầu những năm 2000, ông Navalny nhiều lần bị bắt vì lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối việc ông Putin tập trung quyền lực nhà nước vào cơ quan hành pháp.
Căng thẳng giữa hai người leo thang và ông Navalny ở nhiều điểm khác nhau bị buộc tội tham ô, lừa đảo, và phỉ báng, những tội cho phép ông Putin cấm ông Navalny tranh cử tổng thống năm 2018.
Năm 2020, ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok, chất độc thần kinh thường được các lực lượng an ninh Nga sử dụng, và bay sang Đức để điều trị cấp cứu.
EU và Vương quốc Anh đã áp đặt những lệnh trừng phạt đối với các cơ quan an ninh của Nga sau vụ đầu độc, mà các quan chức ở châu Âu cho rằng vụ đầu độc này “chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của Cơ quan Hành pháp của Tổng thống [Nga].”
Các công tố viên Nga từ chối mở một cuộc điều tra hình sự về vụ đầu độc, nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy tội ác đã được thực hiện.
Thay vào đó, khi ông Navalny trở về Nga sau thời gian nằm viện ở Đức, ông đã bị bắt vì vi phạm lệnh tạm tha khi đến Đức.
Ngay sau vụ bắt giữ cuối cùng đó, các tổ chức chống tham nhũng của ông Navalny bị tuyên bố là hoạt động cực đoan và ông bị kết án thêm 19 năm tù vì tội tổ chức và tài trợ cho các tổ chức này.
Tổng thống Biden đổ lỗi sự qua đời hồi tuần trước của ông Navalny cho Điện Kremlin, cho rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Tổng thống Biden nói với các phóng viên: “Chính ông Putin phải chịu trách nhiệm về sự qua đời của ông Alexei Navalny.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times