Hoa huệ tây của Đức Mẹ Maria: Biểu tượng của Lễ Phục Sinh
Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy.
— Luke 12:27
Xuyên suốt Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, hoa huệ tây (lily) là một biểu tượng quyền năng và trở thành biểu tượng Lễ Phục Sinh. Trong hội họa truyền thống Âu Châu, hoa huệ tây được kết nối gần nhất với Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Hoa huệ tây là biểu tượng của sự thánh khiết, đồng thời đại diện cho sự vô tội của Chúa Kitô. Loài hoa này cũng liên quan đến sự phục sinh của Chúa Kitô – đó lý do mà Lễ Phục Sinh được cử hành và ăn mừng.
Trong khi hoa huệ tây ngày nay được tôn vinh là biểu tượng của Lễ Phục Sinh, thì việc thưởng lãm những bức tranh vẽ Đức Mẹ Maria là cơ hội để khám phá về lịch sử của biểu tượng này. Theo tín ngưỡng Cơ Đốc Giáo, đặc biệt là Công Giáo, thiên thần Gabriel đã đến diện kiến Đức Trinh Nữ Maria và báo rằng bà sẽ trở thành mẹ của Chúa Kitô, và đứa trẻ này nên được đặt tên là Giê-su. Sự kiện này gọi là “Lễ Truyền Tin”. (Luke 1:26–39)
Lễ Truyền Tin được tôn vinh là ngày Thánh, nhằm ngày 25/3, chính xác là 9 tháng trước ngày Chúa Giê-su ra đời, ngày 25/12. Lễ Truyền Tin được tưởng niệm hàng năm vào ngày 25/3, là thời điểm vào xuân khi những bông hoa huệ tây đua nhau nở. Lễ Truyền Tin là một trong những chủ đề được khắc họa phổ biến nhất trong nghệ thuật Âu Châu truyền thống.
Các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên thể hiện cảnh Lễ Truyền Tin xuất phát từ thế kỷ 12 sau Công Nguyên, và có nguồn gốc từ các nhà thờ mang phong cách Gothic. Những tác phẩm ban đầu là vẽ những bông hoa trong lọ, nhưng sau này hoa huệ tây dần trở thành hình mẫu tiêu chuẩn. Vì chủ đề này đã được khắc họa sống động trong nhiều thế kỷ, nên các cảnh Truyền Tin có nhiều phong cách và bố cục đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, hoa huệ tây là biểu tượng trường tồn cho sự thánh khiết của Đức Mẹ Maria và là điểm đặc sắc trong phần lớn các tác phẩm nghệ thuật này.
So sánh một vài tác phẩm nghệ thuật để thấy được phong cách nghệ thuật thay đổi như thế nào trong khi vẫn là vẽ hoa huệ tây. Jan van Eyck, một danh họa thời Phục Hưng phương Bắc đã vẽ tuyệt tác Lễ Truyền Tin vào năm 1434–1436, rất có thể là một bức tranh thờ. Danh họa đã chọn bối cảnh là một ngôi đền cùng với nội thất bên trong như truyền tải một thông điệp quan trọng dành cho người thưởng lãm.
Phần dưới của tòa nhà, nơi Đức Mẹ Maria và thiên thần Gabriel đang đứng, có ánh sáng chiếu rọi. Đây là một báo hiệu rằng sự kiện nhập thể của Chúa Kitô dường như đang đến gần, vì Ngài được tôn xưng là “Ánh sáng của thế gian” (trong Kinh Matthew 5:14). Gạch lát sàn là những hình ảnh được khắc họa các tình tiết trong Kinh Cựu Ước, như thông báo một điềm lành là Chúa Kitô sẽ hạ thế cứu rỗi nhân loại. Còn Đức Mẹ Maria đang mặc một chiếc áo choàng màu xanh lam, vốn là biểu tượng dành riêng cho hoàng gia vào thời đại của Van Eyck. Và chiếc ghế nhỏ ngay trước mặt bà tượng trưng cho ngai vàng của Chúa Kitô. Điểm nổi bật là bình hoa huệ tây được đặt ở giữa Đức Mẹ Maria và biểu tượng ngai vàng của Chúa Kitô. Có thể nhận thấy rằng, những bông hoa này là mối dây liên kết giữa Đức Mẹ và Chúa Kitô.
Vào năm 1472–1475, danh họa Phục Hưng nổi tiếng người Ý là Leonardo da Vinci đã sáng tác bức tranh “Lễ Truyền Tin” theo lý niệm của riêng mình. Đây là một trong những tác phẩm đầu tay của Leonardo, được vẽ khi ông vẫn còn học việc với người thầy Andrea di Verrocchio của mình. Leonardo đã chọn một khu vườn kín làm bối cảnh đại diện cho sự trinh nguyên của Mẹ Maria. Bà đang ngồi trước một dinh thự có lối kiến trúc thời Phục Hưng, như ngụ ý rằng bản chất của sự kiện này là vĩnh hằng.
Giống như trong những miêu tả trước đó, Leonardo miêu tả Mẹ Maria với một vầng hào quang trên đỉnh đầu, và thiên thần Gabriel đến tặng bà một bó hoa huệ tây Madonna. Loài hoa huệ tây đặc biệt này là biểu tượng của thành phố Florence, nơi tuyệt tác này được tạo ra. Vì thế, Leonardo đã kết nối Florence với phước lành của Đức Mẹ Maria.
Ý nghĩa biểu tượng của hoa huệ tây và Đức Mẹ Đồng Trinh không chỉ giới hạn trong nghệ thuật hội họa. Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một tác phẩm điêu khắc bằng sứ từ Đức, mô tả Đức Mẹ Maria cầm những bông hoa huệ tây giống như cầm cây quyền trượng hoàng gia. Bà đứng vinh quang trên đỉnh đầu một con rắn, chỉ ra vai trò của bà là mẹ Chúa Kitô, trong sự cứu rỗi nhân loại. Hình tượng khải hoàn này của Đức Mẹ Maria ở bên trên Nguyên Tội (đại diện là con rắn) xảy ra trên quả địa cầu, ngụ ý rằng tất cả thế gian đã được cứu chuộc.
Sợi dây kết nối giữa Đức Mẹ Maria và hoa huệ tây mạnh mẽ đến mức người xem không cần nhìn thấy Mẹ Maria trong tranh cũng đủ hiểu rằng bà là chủ thể. Tác phẩm của nữ họa sĩ Orsola Maddalena Caccia là một trong những trường hợp như vậy. Bức tranh “Những Bông Hoa trong Chiếc Bình Kỳ Lạ” của bà là một bộ sưu tập những bông hoa mà không có bóng dáng con người trong đó. Là một họa sĩ, một nữ tu, bà vận dụng vốn ngôn ngữ hình ảnh để kết nối với các chủ đề Cơ Đốc Giáo, và bông hoa huệ tây chính là tượng trưng cho Đức Mẹ Maria. Bức tranh của Caccia đã nói lên niềm say mê bất tận của các họa sĩ trong việc khắc họa các chủ đề về thực vật, đồng thời truyền tải ý nghĩa linh thiêng vào bố cục trong tranh.
Ngoài sự kiện Lễ Truyền Tin, hoa huệ tây còn xuất hiện trong một số giai đoạn quan trọng của cuộc đời Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Nếu không thể hiện chủ đề về Lễ Phục Sinh hoặc mùa xuân, thì hoa huệ tây cũng được phát hiện trong các miêu tả về lễ thờ phượng của các vị giáo sĩ. Điều này như nhắc đến ba vị vua (hoặc nhà thông thái) đang viếng thăm Đấng Kitô khi còn là một đứa trẻ mới chào đời. Trên tấm thảm của Morris & Co, các nhân vật hiện ra trong một khu vườn xinh đẹp, là điển hình cho phong cách của nhà thiết kế William Morris.
Một thiên thần đứng giữa Thánh Gia và các nhà thông thái, và hoa huệ tây tràn ngập trong toàn bộ bức tranh. Hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Một, sự kiện trong Kinh Thánh được gọi là Lễ Hiển Linh này vẫn luôn được tưởng niệm. Mặc dù hoa huệ tây không nở trong suốt mùa đông, nhưng ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng này xứng đáng được vinh danh trong những tác phẩm nghệ thuật.
Hoa huệ tây cũng tượng trưng cho quyền năng cứu thế của Chúa Kitô, mặc dù biểu tượng đó trong nghệ thuật ít được khắc họa hơn so với Đức Mẹ Đồng Trinh. Petrus Christus đã khắc họa một bức tranh miêu tả sâu sắc về Đấng Kitô được vây quanh bởi hai thiên thần. Tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng phương Bắc này mô tả Chúa Kitô với những vết thương của Ngài. Điều này cho thấy rằng sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã hồi sinh, đây cũng được xem là ngày tưởng nhớ Lễ Phục Sinh.
Chúa Kitô được miêu tả bán thân, và người xem như được mời nhìn vào ánh mắt của Ngài, tạo cho bức tranh một cảm giác gần gũi. Thiên thần thứ nhất mang những bông hoa huệ tây của lòng thương xót, trong khi thiên thần thứ hai cầm một thanh gươm phán xét tối cao. Bằng cách vẽ các thiên thần này bên cạnh hình ảnh của Chúa Kitô, người xem được xoa dịu từ sự cứu rỗi nhân loại của Chúa Kitô (lòng thương xót) đồng thời cũng được nhắc nhở rằng họ phải giải trình về tội lỗi của mình (sự phán xét).
Mặc dù hoa huệ tây thường xuyên được tái hiện ở các bối cảnh trong Kinh Thánh được mô tả ở trên, nhưng chúng hiếm khi được tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật miêu tả cảnh đóng đinh hoặc Phục Sinh của Chúa Kitô. Đúng hơn là, những bối cảnh tái hiện này bao gồm tuyển tập các biểu tượng mang nét đặc trưng riêng của chúng. Ngày nay, hoa huệ tây Phục Sinh tràn ngập suốt cả mùa xuân và có thể được tìm thấy trong mọi kiểu trang trí cũng như trong các bó hoa.
Tuy nhiên, loài hoa huệ được xem là hoa huệ Phục Sinh lại có nguồn gốc từ Nhật Bản và chỉ xuất hiện ở Anh Quốc từ năm 1777 hoặc ở Hoa Kỳ từ Đệ nhất Thế chiến. Do đó, loài hoa huệ tây mà chúng ta biết ngày nay ít được tìm thấy phổ biến trong nghệ thuật lịch sử. Hoa huệ tây cho chúng ta một nhận thức đầy tính thuyết phục rằng: mặc dù chúng đã xuất hiện từ rất xa xưa trong nghệ thuật và thần thoại, nhưng loài hoa này vẫn tiếp tục được khám phá theo những cách mới để kỷ niệm các ngày lễ truyền thống. Bằng cách này, hoa huệ tây chính là một biểu tượng về niềm hy vọng và sự tái sinh.
Bài viết dành tặng cho người bà quá cố của tác giả, Virginia.
Kara Blakley là một nhà sử học nghệ thuật độc lập. Cô nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử và Lý thuyết Nghệ thuật tại Đại học Melbourne (Australia). Trước đó cô đã từng học tập và giảng dạy tại Trung Quốc và Đức.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: