Hồ sơ Twitter nội bộ cho thấy FBI chất vấn Twitter về ‘tuyên truyền của nhà nước’
Ký giả độc lập Matt Taibbi đã công bố một loạt bài đăng bổ sung cho Phần 6 của “Hồ sơ Twitter” hôm Chủ nhật (18/12), làm sáng tỏ các trao đổi được ghi lại giữa FBI và giám đốc điều hành của Twitter, thảo luận về chủ đề các tác nhân nhà nước trên nền tảng truyền thông xã hội này.
Hồi tháng 07/2020, một đặc vụ FBI làm việc tại văn phòng San Francisco nói với ông Yoel Roth, người đứng đầu hội đồng an toàn và tin cậy toàn cầu đã bị giải tán của Twitter, rằng Lực lượng Đặc nhiệm về Ảnh hưởng Ngoại quốc (FITF), một nhóm liên cơ quan chuyên giải quyết những mối đe dọa mạng, có thể sẽ chất vấn Twitter.
Theo ông Taibbi, người đã được Giám đốc điều hành mới của công ty, ông Elon Musk, cấp quyền truy cập vào thông tin liên lạc nội bộ của Twitter vì mục đích minh bạch và tự do ngôn luận, FBI đã gửi cho Twitter một loạt câu hỏi tiếp theo về chủ đề này, sau cuộc họp tóm lược thông tin ngày 20/06 của Twitter với Bộ An ninh Nội địa (DHS), Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, và FBI về an ninh bầu cử. Các đại diện công ty đã làm chứng rằng Twitter “đã không quan sát thấy nhiều hoạt động gần đây từ các tác nhân tuyên truyền chính thức” trên nền tảng này.
Trong các câu hỏi tiếp theo, FBI đã tìm cách làm rõ quan điểm của Twitter về bối cảnh trực tuyến của giới truyền thông nhà nước, và yêu cầu công ty trả lời “một số câu hỏi về bản phân tích và những kết luận của quý vị.”
Sau đó, FBI đã đề cập đến các bài báo công khai có nội dung “cho thấy phần nhiều các tác nhân truyền thông nhà nước là những người sử dụng mạng xã hội,” nói thêm rằng điều này “dường như trái ngược với phân tích của chính quý vị khi chúng tôi ghi nhận điều đó vào thời điểm diễn ra cuộc thảo luận của chúng ta.”
Ông Taibbi, người vừa công bố Phần 6 của “Hồ sơ Twitter” hôm thứ Sáu (16/12), đã tiết lộ cách mà FBI và một trang web gồm các tác nhân tư nhân và những người khác có mối liên kết với chính phủ, đã có thể chỉ thị cho nhân viên tại Twitter ngăn chặn thông tin mà họ không muốn có trên nền tảng này. Ông Taibbi bày tỏ lo ngại về việc FBI tìm hiểu quan điểm của Twitter về các hoạt động của tác nhân nhà nước trên nền tảng này.
“Người ta có thể nghĩ đó là một tin tốt. Các cơ quan dường như cảm thấy khác,” ông Taibbi nói về lời khai của Twitter trong tháng 06/2022.
Đặc vụ FBI San Francisco, Elvis Chan, đã viết khi giải thích về cuộc điều tra từ Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (USIC): “Có khá nhiều cuộc thảo luận bên trong nội bộ USIC về việc có được sự làm rõ từ công ty của quý vị.”
Trong các cuộc thảo luận nội bộ về yêu cầu của FBI với các giám đốc điều hành khác của Twitter, ông Roth đã thừa nhận: “Sắp tới sẽ có một cuộc thảo luận bao quát về các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát, mà ‘chiến dịch gắn nhãn’ được bắt đầu cuối tháng này sẽ có tác động.” Nhưng ông Roth lưu ý rằng ông không “thoải mái với việc FBI (và cộng đồng tình báo) yêu cầu trả lời bằng văn bản.”
Không rõ liệu ông Roth có bày tỏ lo ngại hay không khi, như được tiết lộ trong Phần 1 của “Hồ sơ Twitter”, nhân viên tại Twitter trong năm 2020 đã hành động theo yêu cầu xóa bài đăng từ cả Tòa Bạch Ốc của ông Trump lẫn chiến dịch tranh cử của ông Biden, và trong Phần 1, khi cựu quan chức FBI James Baker đã tác động đến các giám đốc điều hành Twitter để ngăn chặn câu chuyện của New York Post về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Sau khi xem xét thêm về yêu cầu của FBI, ông Roth nói với các đồng nghiệp của mình trong một tin nhắn thứ hai rằng việc đặt câu hỏi là “thiếu sót” bởi vì “chúng ta đã nói rõ rằng tuyên truyền chính thức từ phía nhà nước chắc chắn là một vấn đề trên Twitter.”
“Trong cuộc họp giao ban tháng 06/2020, chúng ta không nói rằng chúng ta ‘không thấy có nhiều hoạt động gần đây từ các tác nhân tuyên truyền chính thức trên nền tảng của quý vị,’” ông Roth viết cho các đồng nghiệp của mình. “Tôi đã xem xét lại các ghi chú từ cuộc họp tóm lược thông tin đó, và có một mục cụ thể đã gọi các kênh tuyên truyền chính thức là một yếu tố chính. Và trong nhiều lần trao đổi tiếp theo với ông Elvis và [phần này bị bôi đen], chúng ta đã nói rõ rằng tuyên truyền chính thức của nhà nước chắc chắn là một vấn đề trên Twitter, nhưng cách chúng ta giải quyết việc đó khác với cách chúng ta giải quyết các tài khoản giả mạo bất chính.”
Sau đó, ông Roth đề nghị với ban giám đốc rằng ông sẽ gọi ngay cho FBI để làm rõ tuyên bố mà “có thể đã bị hiểu lầm về căn bản.”
Chính sách mới
Hồi tháng 08/2020, Twitter đã khởi xướng một chính sách mới nhằm gắn nhãn các hãng truyền thông có mối liên kết với nhà nước, các nhân viên cao cấp của họ, và một số quan chức chính phủ chủ chốt. Theo một phát ngôn viên của Twitter, các tài khoản bị gắn nhãn như vậy bao gồm Sputnik, RT của Nga, và Tân Hoa Xã của Trung Quốc. Công ty không cung cấp danh sách đầy đủ các tổ chức, nhưng xác nhận rằng không có hãng thông tấn nào của Hoa Kỳ bị nằm trong danh sách.
“Chúng tôi tin rằng mọi người có quyền biết khi nào một tài khoản truyền thông có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với một tác nhân nhà nước,” Twitter nêu rõ trên blog của mình tại thời điểm đó. Twitter nói thêm rằng họ cũng sẽ ngừng khuếch tán các tài khoản này hoặc các tweet của các tác nhân đó, thông qua các hệ thống khuyến nghị của mình.
Tại thời điểm đó, Twitter tuyên bố họ xem các kênh truyền thông có liên kết với nhà nước, là những kênh mà nhà nước thực hiện việc kiểm soát biên tập thông qua các nguồn tài chính hoặc áp lực chính trị, hoặc kiểm soát sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, Twitter nêu rõ các cơ quan truyền thông do nhà nước tài trợ với sự độc lập về biên tập, chẳng hạn như Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (National Public Radio) ở Hoa Kỳ hoặc BBC ở Vương quốc Anh, sẽ không bị gắn nhãn.